Thảm họa nhân đạo cận kề và 'phép thử' cuối cùng cho hòa bình Trung Đông

Dải Gaza trong những ngày đầu tháng 5/2025 đã vượt xa giới hạn của một điểm nóng quân sự: Nó đang trở thành tâm điểm của một cuộc khủng hoảng nhân đạo và địa chính trị có thể kéo cả khu vực Trung Đông vào vòng xoáy bất ổn. Khi súng đạn chưa ngừng, khi đàm phán ngoại giao bị đóng băng và khi số lượng người chết không ngừng gia tăng, câu hỏi đặt ra là: Liệu có còn lối thoát nào cho Gaza và rộng hơn là cho hòa bình khu vực?

Giới quan sát quốc tế nhận định chiến dịch quân sự hiện nay của Israel đã bước sang giai đoạn mà mục tiêu không chỉ là đáp trả các vụ tấn công của Hamas, mà còn mang tính “tái định hình cục diện” của Gaza. Việc nội các an ninh Israel huy động thêm 30.000 lính dự bị và điều động họ thay thế các đơn vị chính quy đã chiến đấu suốt hai tháng qua, cộng với quyết định của Thủ tướng Benjamin Netanyahu hủy chuyến công du Azerbaijan, dự kiến diễn ra từ ngày 7-11/5 để chỉ đạo chiến dịch, là những chỉ dấu rõ ràng.

Binh sỹ Israel thực hiện chiến dịch quân sự tại Dải Gaza. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Binh sỹ Israel thực hiện chiến dịch quân sự tại Dải Gaza. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Giáo sư Efraim Inbar, Viện Nghiên cứu Chiến lược Jerusalem, cho rằng Tel Aviv đang “chạy đua với đồng hồ”: Israel nhận thức rõ rằng áp lực quốc tế sẽ sớm gia tăng, và cánh cửa để thực hiện các chiến dịch quân sự cường độ cao nhằm giáng đòn chí tử vào Hamas chỉ mở trong thời gian rất ngắn. Trong vòng 48 giờ qua, các cuộc không kích Israel đã tập trung vào các mục tiêu chiến lược ở Khan Younis, Gaza City và trại Bureij, được cho là nơi đặt các trung tâm chỉ huy, hầm ngầm và kho vũ khí của Hamas.

Chỉ trong đêm 3/5, ít nhất 42 người Palestine đã thiệt mạng, nâng tổng số người chết từ khi chiến sự bùng phát trở lại vào tháng 3/2025 lên hơn 2.300 người. Một chuyên gia của tổ chức Human Rights Watch nhấn mạnh: “Chúng tôi không bàn cãi quyền tự vệ của Israel, nhưng cách mà các chiến dịch quân sự này được thực hiện, với hậu quả đè nặng lên thường dân, đã vượt quá giới hạn chấp nhận của luật nhân đạo quốc tế”.

Nếu mặt trận quân sự là nơi nổ ra súng đạn, thì mặt trận ngoại giao là nơi đang tắt lịm hy vọng. Các vòng đàm phán do Qatar và Ai Cập làm trung gian đang rơi vào bế tắc. Israel yêu cầu Hamas giải giáp toàn bộ, trao trả 59 con tin còn lại, và chấp nhận không tham gia bất kỳ cấu trúc chính quyền nào trong tương lai của Gaza. Hamas, ngược lại, đòi hỏi một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài ít nhất 5 năm, dỡ bỏ phong tỏa, quốc tế hóa quá trình tái thiết Gaza - những điều kiện mà Tel Aviv coi là không thể chấp nhận.

Một nhà phân tích tại Brookings Institution bình luận: “Vấn đề không chỉ là trao đổi tù nhân hay ngừng bắn tạm thời. Vấn đề nằm ở chỗ cả hai bên đang đặt ra các điều kiện xuất phát từ quan điểm sinh tử của mình - một bên muốn hủy diệt đối phương, bên kia muốn đảm bảo tồn tại”.

Đáng lo ngại hơn, trong khi các nhà thương thuyết bàn cãi, Gaza đang dần sụp đổ dưới sức nặng của một thảm họa nhân đạo khổng lồ. Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo rằng kho dự trữ lương thực tại Gaza chỉ còn đủ cho chưa đầy một tuần. Các bệnh viện kiệt quệ, thiếu thuốc men và thiết bị. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cảnh báo trẻ em Gaza đang đối mặt với nguy cơ tử vong hàng loạt vì suy dinh dưỡng.

Tổ chức Ân xá quốc tế tuyên bố phong tỏa của Israel đã trở thành một “hình thức diệt chủng thầm lặng”. Một chuyên gia nhân đạo tại Geneva nói thẳng: “Chúng ta đang chứng kiến một cuộc bao vây hiện đại - và nếu không có đột phá chính trị, Gaza sẽ trở thành một thảm họa nhân đạo lớn nhất thập niên”.

Trên bàn cờ khu vực, cuộc xung đột Gaza không còn là câu chuyện nội bộ Israel - Palestine. Ngày 4/5, một quả tên lửa đạn đạo do lực lượng Houthi ở Yemen phóng đã rơi gần sân bay Ben Gurion, Tel Aviv, làm 6 người bị thương. Israel ngay lập tức cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công và đáp trả bằng không kích nhắm vào các kho vũ khí Houthi tại Sanaa.

Ông Ali Vaez, Giám đốc Chương trình Iran tại International Crisis Group, cảnh báo: “Việc các nhóm vũ trang thân Iran mở rộng mặt trận sang Israel báo hiệu nguy cơ xung đột khu vực leo thang, biến Gaza thành mắt xích trong một cuộc chiến ủy nhiệm toàn diện”.

Trong khi đó, đồng minh quan trọng nhất của Israel là Mỹ đang cố gắng cân bằng giữa hai áp lực: một bên là bảo vệ quyền tự vệ của Tel Aviv, một bên là đáp ứng yêu cầu nhân đạo của cộng đồng quốc tế. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cử Ngoại trưởng Marco Rubio tới Trung Đông để thúc đẩy một thỏa thuận nhân đạo khẩn cấp, thiết lập hành lang viện trợ quốc tế cho Gaza.

Tuy nhiên, Tel Aviv lo ngại rằng Hamas sẽ chiếm đoạt hàng hóa viện trợ để tiếp tục cuộc chiến, trong khi Hamas cáo buộc Israel dùng chiến thuật bỏ đói để ép dân chúng Gaza quay lưng với phong trào. Một nhà phân tích chính sách tại RAND Corporation nhận định: “Cái khó của Mỹ là làm sao cân bằng được hỗ trợ cho Israel với việc tránh bị xem như đồng lõa với một thảm họa nhân đạo”.

Cộng đồng quốc tế, từ LHQ tới Liên minh châu Âu (EU), Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, đã liên tục kêu gọi ngừng bắn. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo: “Gaza có nguy cơ trở thành Aleppo thứ hai nếu không lập tức chấm dứt bạo lực”. Tuy nhiên, tại Hội đồng Bảo an, các nỗ lực ra nghị quyết mang tính ràng buộc liên tục thất bại do bất đồng giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) bình luận cay đắng: “Một lần nữa, Hội đồng Bảo an bị trói tay bởi quyền phủ quyết, biến nó thành khán giả bất lực trước thảm kịch nhân loại”.

Vậy đâu là lối thoát cho Gaza? Về lý thuyết, một thỏa thuận bao trùm - bao gồm trao đổi tù nhân - con tin, thiết lập hành lang nhân đạo, ngừng bắn kéo dài và khởi động tiến trình chính trị - là phương án khả dĩ. Nhưng trong thực tế, những điều kiện chính trị khắc nghiệt của cả hai bên khiến kịch bản này gần như bất khả thi.

Một cựu đặc phái viên Mỹ tại Trung Đông chia sẻ: “Israel không thể chấp nhận Hamas tồn tại như một thực thể bán nhà nước có vũ trang sát biên giới, còn Hamas không thể từ bỏ vũ khí vì đó là lá chắn sinh tồn duy nhất của họ. Đây là thế bế tắc mang tính bản chất”.

Nhìn rộng hơn, cuộc khủng hoảng Gaza đặt ra phép thử cuối cùng cho cộng đồng quốc tế: Liệu các định chế đa phương có thể chứng minh giá trị thực chất, hay tiếp tục bất lực trước những toan tính địa chính trị lạnh lùng? Bài học từ Syria, Yemen, Libya vẫn còn nguyên giá trị: Một khi xung đột vượt qua lằn ranh kiểm soát, mọi toan tính chiến lược ban đầu đều tan vỡ, nhường chỗ cho hỗn loạn. Gaza hôm nay đang đứng trên lằn ranh đó - và nếu thế giới không hành động, một chương bi kịch mới của Trung Đông có thể sắp mở ra, với cái giá mà không ai dám ước tính.

Khổng Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/tham-hoa-nhan-dao-can-ke-va-phep-thu-cuoi-cung-cho-hoa-binh-trung-dong-i767262/
Zalo