Thảm họa máy bay ở Hàn Quốc: Nhóm điều tra từ Mỹ vào cuộc, một hộp đen hiện không thể khôi phục dữ liệu

Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc ngày 1/1 cho biết sẽ gửi thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay của máy bay gặp nạn khiến 179 nạn nhân thiệt mạng hôm 29/12 sang Mỹ để phân tích.

Thảm họa máy bay ở Hàn Quốc: Nhóm điều tra từ Mỹ vào cuộc, một hộp đen hiện không thể khôi phục dữ liệu. (Nguồn: Yonhap News)

Thảm họa máy bay ở Hàn Quốc: Nhóm điều tra từ Mỹ vào cuộc, một hộp đen hiện không thể khôi phục dữ liệu. (Nguồn: Yonhap News)

Cùng ngày, một nhóm điều tra từ chính phủ Mỹ và nhà sản xuất máy bay Boeing đã đến hiện trường vụ tai nạn thương tâm xảy ra cách đây vài ngày, tại sân bay quốc tế Muan (Hàn Quốc) để tham gia điều tra vụ việc.

Theo thông tin từ Bộ Đất dai, Cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải Hàn Quốc, một thành viên từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ, 3 chuyên gia từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) và 4 đại diện từ Boeing đã tham gia cùng các quan chức của Ủy ban Điều tra tai nạn hàng không và đường sắt Hàn Quốc (ARAIB) để điều tra tại hiện trường vụ tai nạn.

Giới chức Hàn Quốc cũng thông báo, các nhà điều tra đã thu được dữ liệu ban đầu từ hộp đen ghi âm buồng lái của chuyến bay Jeju Air 2216.

Ông Joo Jong-wan, Thứ trưởng Hàng không dân dụng Hàn Quốc, cho biết: “Quá trình trích xuất dữ liệu ban đầu từ hộp ghi âm buồng lái đã hoàn tất. Chúng tôi dự kiến sẽ chuyển đổi dữ liệu này thành định dạng âm thanh để phân tích”.

Hộp đen thứ hai, thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay, đã bị hư hỏng nghiêm trọng trong vụ tai nạn và sẽ được gửi đến Mỹ để phân tích, do các nhà điều tra Hàn Quốc không thể khôi phục dữ liệu từ thiết bị này.

Ngày 1/1, cơ quan chức năng Hàn Quốc cho biết đã xác định được danh tính của các nạn nhân cuối cùng, hoàn tất thông tin về 179 nạn nhân.

Hôm 30/12, chính phủ Hàn Quốc thông báo kế hoạch kiểm tra an toàn đối với tất cả các máy bay Boeing 737-800 do các hãng hàng không nội địa khai thác sau vụ tai nạn máy bay thảm khốc. Trong vụ tai nạn máy bay ngày 29/12 của hàng hàng không Jeju Air, cả 3 càng đáp đều không hoạt động bình thường. Máy bay gặp nạn là loại Boeing B737-800.

Boeing 737-800 được sử dụng rộng rãi bởi các hãng hàng không giá rẻ Hàn Quốc. Jeju Air khai thác số lượng máy bay này nhiều nhất với 39 chiếc trong đội bay.

Trước đó, ngày 29/12, máy bay của hãng hàng không Jeju Air chở 181 người, bao gồm 6 thành viên phi hành đoàn, đã phát nổ tại sân bay Muan sau khi đã hạ cánh bằng bụng và đâm vào rào chắn cuối đường băng. Vụ tai nạn đã làm 179 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, 2 tiếp viên được cứu thoát.

Các chuyên gia hàng không đã đưa ra nhiều giả thuyết về nguyên nhân vụ tai nạn, bao gồm va chạm với chim, lỗi kỹ thuật, sai sót của phi công và sự hiện diện của một bờ kè bê tông chỉ cách cuối đường băng chưa đầy 300 m. Một số chuyên gia hàng không nhận định rằng bờ kè này nên được đặt xa đường băng hơn hoặc được làm từ vật liệu mềm hơn để giảm tác động khi có va chạm.

Theo báo cáo ban đầu, chiếc Boeing 737-800 đã hạ cánh bằng bụng trên đường băng mà không triển khai càng đáp sau khi phi công thông báo về một vụ va chạm với chim. Máy bay sau đó trượt vào bờ kè bê tông và bốc cháy dữ dội.

Hai tiếp viên sống sót đều ngồi ở đuôi máy bay, theo thống kê, vị trí như vậy được cho là nơi an toàn nhất trên một chuyến bay thương mại. Theo một cuộc nghiên cứu được tạp chí Time đăng tải năm 2015, ghế ở phía sau máy bay là nơi an toàn nhất trong trường hợp xảy ra tai nạn. Theo đó, người ngồi ở ghế sau máy bay có tỷ lệ tử vong là 32%, ghế giữa là 39% và ghế phía trước là 38%.

Chính phủ Hàn Quốc đã công bố 7 ngày quốc tang để tưởng nhớ các nạn nhân.

(theo Reuters, Yonhap)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tham-hoa-may-bay-o-han-quoc-nhom-dieu-tra-tu-my-vao-cuoc-mot-hop-den-hien-khong-the-khoi-phuc-du-lieu-299388.html
Zalo