Thảm họa động đất tại Maroc: Vì sao số người thương vong tăng cao?
Số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất tại Maroc đã tăng lên 2.862 người, và nhiều người đã tự hỏi chính xác thì chuyện gì đã xảy ra, tại sao trận động đất này lại gây thương vong lớn tới như vậy?
Vào tối thứ Sáu, ngày 8/9, một trận động đất với độ lớn 6,8 đã xảy ra trên dãy núi High Atlas của Maroc làm rung chuyển toàn bộ khu vực và khiến hàng nghìn ngôi nhà sụp đổ.
Theo số liệu cập nhật được Bộ Nội vụ Maroc công bố ngày 11/9, số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất vừa xảy ra ở quốc gia Bắc Phi này đã tăng lên 2.862 người, trong khi 2.562 người khác bị thương.
Và khi con số thương vong tiếp tục tăng lên, nhiều người đang tự hỏi: Chính xác thì chuyện gì đã xảy ra? Tại sao trận động đất này lại gây thương vong lớn như vậy?
“Quả bom hẹn giờ” dưới những dãy núi
Bắc Phi nằm trên mảng kiến tạo Nubian, còn gọi là mảng châu Phi, di chuyển chậm hơn so với mảng Á-Âu. Maroc ở gần nhưng không nằm trên ranh giới mảng kiến tạo này.
Đất nước này là nơi có một mạng lưới địa chất phức tạp gồm nhiều đứt gãy hoạt động khác nhau, bao gồm nhiều đường đứt gãy xuyên qua dãy núi High Atlas.
Các trận động đất nhỏ không phải là hiếm ở khu vực này và sự chuyển động dọc theo ranh giới mảng kiến tạo này đồng nghĩa với việc các trận động đất lớn tương đối hiếm nhưng đã xảy ra và có thể tái diễn.
Năm 1755, trận động đất lớn ở Meknes được cho là đã giết chết 15.000 người và vào năm 1960, trận động đất Agadir có độ lớn 5,8 đã khiến 12.000 người thiệt mạng.
Mặc dù tỷ lệ xảy ra một trận động đất lớn trong khu vực là hoàn toàn có thể, nhưng vị trí tâm chấn trận động đất hôm thứ Sáu có phần đáng ngạc nhiên.
Nhà địa chấn học Jascha Polet thuộc Đại học Bách khoa Tiểu bang California cho biết: “Hầu hết các cơn địa chấn ở Maroc có liên quan đến sự chuyển động trên ranh giới giữa mảng châu Phi và mảng Á-Âu, do đó mức độ nguy hiểm cao nhất được cho là nằm ở phía Bắc của nước này.”
Tuy vậy, trận động đất hôm 8/9 xảy ra xa hơn về phía Nam, tại khu vực có độ rung chấn thấp.
Judith Hubbard, nhà khoa học động đất tại Đại học Cornell, cho biết “trận động đất này lớn hơn bất kỳ trận động đất nào từng được ghi nhận trong khu vực” và điều này đã góp phần gia tăng mức độ thương vong của thảm họa.
Không có thảm họa nào hoàn toàn là tự nhiên
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ, trận động đất đã gây ra rung chuyển “nghiêm trọng” xung quanh tâm chấn và từ “mạnh” đến “rất mạnh” ở thành phố cổ Marrakech cách đó khoảng 80km, nhưng ngay cả điều đó cũng không giải thích nguyên nhân khiến hàng nghìn người thiệt mạng.
Mặc dù phần lớn các tòa nhà bêtông ở Marrakech trụ vững được sau trận động đất, nhưng một số tòa nhà ở khu vực thành phố cổ lại có kết cấu yếu hơn.
Thiệt hại tại thành phố Marrakech tuy đáng kể nhưng lại không có mức tàn phá khủng khiếp như những gì xảy ra tại dãy núi High Atlas và khu vực xung quanh đó.
Các công trình ở khu vực này, hầu hết là những ngôi nhà đắp bằng gạch bùn và những tòa nhà xây không cốt thép, không thể trụ vững trước các rung lắc của trận động đất.
Lực lượng ứng cứu khẩn cấp vẫn đang cố gắng tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng, nhưng một số khu định cư đã bị phá hủy hoàn toàn.
Người dân ở đây có xu hướng sống trên các vùng đồng bằng trầm tích ở phía Bắc dãy núi hoặc trên sườn núi.
Nhà khoa học động đất Hubbard cho biết: “Cả hai trường hợp này đều có thể làm gia tăng mức độ thiệt hại. Trầm tích phù sa yếu có thể làm tăng độ rung lắc và các ngọn núi dễ bị lở đất, kể cả dọc theo những con đường dẫn đến các ngôi làng.”
Thời điểm bi thảm
Một đặc điểm làm gia tăng mức độ thương vong của trận động đất là thời điểm xảy ra vào ban đêm khi hầu hết mọi người đang ngủ bên trong các tòa nhà.
Và thảm họa này cũng xảy ra sau một thời gian dài yên bình, không có trận động đất lớn nào, dẫn tới việc nhiều người có thể chưa biết cách bảo vệ bản thân tốt nhất khi xảy ra thảm họa.
Ở những khu vực mà quy chuẩn xây dựng đảm bảo cấu trúc có khả năng chống động đất, lời khuyên hữu ích nhất là nằm xuống sàn, tìm một chiếc bàn chắc chắn hoặc cấu trúc tương tự và giữ vững cho đến khi hết rung lắc.
Đối với những người đang ở bên ngoài các tòa nhà, thiết kế kiểu mê cung tại các khu vực ở thành cổ Marrakech cũng góp phần gây ra thảm họa khi mọi người chạy khỏi các tòa nhà, nhưng cuối cùng lại mắc kẹt ở những con đường hẹp và do đó vẫn có nguy cơ bị các khối tường gạch rơi xuống.
Trận động đất rất dữ dội nhưng nó đã kết thúc chỉ sau vài giây. Tuy nhiên, những thảm họa mà nó gây ra sẽ kéo dài trong nhiều năm tới.
Những người sống sót, trong đó nhiều người đã mất đi người thân, bạn bè, nhà cửa và sinh kế, sẽ phải chịu tổn thương khó có thể bù đắp được.
Và đất nước Maroc sẽ phải đối mặt với thiệt hại to lớn về xã hội, kinh tế và văn hóa trong thời gian dài./.