Thảm họa động đất ở Myanmar: Đòn giáng tàn khốc vào trẻ em
Hàng triệu trẻ em đang gặp nguy hiểm sau trận động đất ở Myanmar ngày 28/3/2025. Trận động đất và dư chấn đang làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo tại quốc gia vốn đang phải vật lộn với xung đột leo thang. Thảm họa này gây thêm áp lực cho những đối tượng dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em.

Người phụ nữ cùng hai con nhỏ nhận hàng cứu trợ của UNICEF dành cho những người bị ảnh hưởng bởi trận động đất tại Myanmar
Thảm họa nhân đạo
Trận động đất mạnh 7,7 độ richter đã xảy ra gần Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar và ngay sau đó là một trận dư chấn mạnh 6,4 độ richter. Theo số liệu chính thức, tính đến ngày 2/4/2025, gần 3.000 người đã thiệt mạng. Nhiều người trong số đó là trẻ em. Bên cạnh đó, khoảng 4.521 người bị thương và 441 người mất tích. Số người chết được dự báo sẽ tăng lên khi các hoạt động tìm kiếm, cứu hộ tiếp tục. "Mọi người rất cần nơi trú ẩn, chăm sóc y tế, nước sạch và hỗ trợ vệ sinh. Thảm họa này gây thêm áp lực cho những người vốn đã dễ bị tổn thương đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng đáng báo động", Văn phòng điều phối viện trợ của Liên hợp quốc tại khu vực (OCHA) cho biết.
Trận động đất vừa qua là đòn giáng mạnh vào quốc gia vốn đang phải vật lộn với xung đột leo thang, sau 4 năm nội chiến kể từ cuộc đảo chính năm 2021. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (WFP) cảnh báo, nạn đói đã đạt đến mức báo động ở Myanmar và tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn sau thảm họa động đất. Con số đáng lo ngại là 15 triệu người sẽ phải đối mặt với nạn đói trong năm nay, tăng so với con số 13,3 triệu người vào năm ngoái.
Trẻ em là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhiều gia đình vốn đã sống trong điều kiện mong manh, giờ đây phải đối mặt với khó khăn lớn hơn, với khả năng tiếp cận nước sạch, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và nơi trú ẩn hạn chế. Tại khu vực Mandalay, các lực lượng cứu hộ ghi nhận 50 trẻ và 2 giáo viên đã thiệt mạng khi trường mẫu giáo của họ bị sập. "Trận động đất này là một đòn giáng tàn khốc nữa vào trẻ em ở Myanmar. Nhiều em trong số đó đã phải sống trong xung đột, thiếu thốn. Chỉ trong vài phút, các em đã mất đi người thân, nhà cửa và khả năng tiếp cận các dịch vụ thiết yếu. Nhu cầu rất lớn và tăng lên từng giờ", Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell cho biết.

Cặp sách sót lại khi trường mẫu giáo ở khu vực Mandalay bị sập
Cần hỗ trợ khẩn cấp
Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) đang khẩn trương làm việc với các đối tác và cộng đồng địa phương để đánh giá các nhu cầu cấp thiết và cung cấp viện trợ cứu sinh, đặc biệt là cho phụ nữ và trẻ em gái. UNFPA cho biết, các đánh giá ban đầu nêu bật thiệt hại đáng kể đối với các cơ sở y tế, tình trạng di dời và sự gián đoạn của các dịch vụ thiết yếu, bao gồm chăm sóc sức khỏe sinh sản. "Trong các trường hợp khẩn cấp như thế này, phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn, từ việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ đến nguy cơ bạo lực giới gia tăng. UNFPA cam kết đặt phúc lợi của phụ nữ và trẻ em gái - bao gồm phụ nữ mang thai, bà mẹ và thanh thiếu niên - vào trọng tâm của các nỗ lực ứng phó nhân đạo", Jaime Nadal Roig, Đại diện UNFPA tại Myanmar, cho biết.
"Không chỉ là thảm họa, đây còn là một cuộc khủng hoảng nhân đạo phức tạp, chồng chéo lên những tổn thương hiện hữu. Quy mô thảm họa này rất lớn, nhu cầu hỗ trợ rất cấp bách".
Alexander Matheou, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ Quốc tế
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá trận động đất ở Myanmar là tình trạng khẩn cấp ở cấp độ cao nhất, đồng thời kêu gọi tài trợ khẩn cấp 8 triệu USD để cứu người và ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại nước này trong 30 ngày tới. Nhiều bệnh viện ở Myanmar đã bị hư hại do động đất. Các bệnh viện còn lại thì đang quá tải vì số lượng người bị thương tăng vọt. Ít nhất 3 bệnh viện đã ngừng hoạt động hoàn toàn, trong khi 22 bệnh viện khác bị hư hại một phần và không thể hoạt động. Bên cạnh việc chăm sóc người bị thương, các nhân viên cứu trợ cũng phải đối phó với các đợt bùng phát dịch bệnh như bệnh tả.
UNICEF đang huy động 80 tấn vật tư cứu sinh, bao gồm bộ dụng cụ y tế, vật tư y tế, lều và bộ dụng cụ vệ sinh chứa các mặt hàng như xà phòng, băng vệ sinh và chất khử trùng để chuyển đến những người đang rất cần. Bà Russell cho biết: "Trẻ em ở Myanmar đang phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng chồng chất". UNICEF đang mở rộng hoạt động cứu sinh nhưng chúng tôi cần thêm nhiều nguồn lực hơn nữa để bảo vệ tính mạng của trẻ và gia đình các em. Đồng thời, chúng tôi cần tiếp cận nhân đạo an toàn, nhanh chóng và không bị cản trở đến các khu vực bị ảnh hưởng để có thể hỗ trợ những người đang cần giúp đỡ. UNICEF ước tính trong năm 2025, có 19,9 triệu người ở Myanmar, bao gồm 6,3 triệu trẻ em, cần hỗ trợ nhân đạo.
Nguồn: UN, BBC