Thảm họa cháy rừng Los Angeles làm lộ ra một 'vùng đất hoang' thông tin

Cuộc khủng hoảng cháy rừng ở Los Angeles đã phơi bày những lỗ hổng trong hệ thống truyền thông. Liệu truyền thông có đang làm tròn vai trò của mình trong việc cung cấp thông tin chính xác và đầy đủ cho công chúng trong những thời khắc khủng hoảng?

Sự thiếu hụt nguồn tin chính thống

Các vụ cháy ở LA không chỉ là một thảm họa tự nhiên mà còn là một "bài kiểm tra" cho hệ thống truyền thông thế giới. Janice Min, CEO của The Ankler, đã nhận định: "Trong đầu tôi xuất hiện câu hỏi liên tục: Nơi nào là nơi tốt nhất để lấy thông tin?".

Và câu trả lời là một mớ hỗn độn thông tin từ ứng dụng chuyên dụng như Watch Duty hay Genasys đến các nền tảng chia sẻ thông tin phổ biến như Google Docs và Instagram Reels.

Điều này cho thấy sự thiếu hụt của một nguồn thông tin chính xác và đáng tin cậy trong thời kỳ khủng hoảng. Mạng xã hội đã đóng một vai trò quan trọng trong việc chia sẻ thông tin nhưng đồng thời đã tạo ra một bức tranh hỗn loạn và khó nắm bắt về tình hình thực tế.

 Cháy rừng ở Los Angeles. Ảnh: GI

Cháy rừng ở Los Angeles. Ảnh: GI

Thật đáng ngạc nhiên khi trong suốt thời gian xảy ra cháy rừng, các kênh truyền thông lớn của Los Angeles gần như vắng bóng. Thay vào đó, người dân chủ yếu tìm đến các kênh tin tức địa phương nhỏ hơn hay các thông tin không được kiểm chứng trên mạng xã hội.

"Thảm họa cháy rừng ở Los Angeles đã làm lộ ra một 'vùng đất hoang' thông tin, nơi mà người dân gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những nguồn tin chính xác", Min nói thêm.

Trách nhiệm và khó khăn của báo chí

Các vụ cháy rừng ở Los Angeles không chỉ là một thảm họa môi trường mà còn là một bài học về tầm quan trọng của thông tin chính xác và kịp thời. Sự kiện này cho thấy, ngay cả trong thời đại thông tin số, nhu cầu của công chúng đối với các nguồn tin truyền thống vẫn không hề giảm sút.

Các tòa soạn báo truyền thống, với kinh nghiệm và nguồn lực của mình, vẫn có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác cho công chúng trong những thời điểm khủng hoảng.

Tuy nhiên, việc thu thập thông tin chất lượng đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn. Thống đốc California, Gavin Newsom, từng đề xuất một giải pháp khả thi, đó là dành một phần ngân sách của tiểu bang để hỗ trợ các dự án báo chí cộng đồng.

Bên cạnh những lỗ hổng truyền thông, hiện tại, các nhà báo tại hiện trường vẫn tiếp tục đưa tin mặc dù họ phải đối mặt với hàng loạt thách thức, cả về thể chất lẫn tinh thần.

Trong một phân đoạn trên 'The View', phóng viên Matt Gutman của ABC đã đưa tin về vụ cháy tại Pacific Palisades. Điều đáng ngạc nhiên là, anh đã vô tình tiết lộ ngôi nhà bị thiêu rụi chính là nhà của dì mình.

Trở lại phòng thu, sự đau buồn hiện rõ trên gương mặt của anh. Tương tự, Jacob Soboroff của NBC đã có những chia sẻ xúc động khi đứng trước ngôi nhà thời thơ ấu bị tàn phá. Anh đã gọi điện cho mẹ mình và chia sẻ những cảm xúc chân thật về mất mát này.

Skalij, một nhiếp ảnh gia của tờ LA Times, đã chia sẻ về những trải nghiệm đáng sợ của mình khi làm việc tại hiện trường cháy rừng.

Anh miêu tả: "Có một lần, tôi đang làm việc trên Đường cao tốc Bờ biển Thái Bình Dương thì mọi thứ tối sầm lại giữa làn khói đen ngột ngạt. Tôi ngồi đó khoảng mười, mười lăm giây, chỉ ngồi đó trong bộ đồ đen, và tôi sợ lắm, vì tôi không biết liệu có hỏa hoạn sắp xảy ra hay có thứ gì đó sắp rơi xuống".

Lời chia sẻ của Skalij cho thấy những nguy hiểm mà các phóng viên phải đối mặt để mang đến cho chúng ta những hình ảnh chân thực về thảm họa.

Hoàng Anh (theo CIR, LA Times, Rolling Stone)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tham-hoa-chay-rung-los-angeles-lam-lo-ra-mot-vung-dat-hoang-thong-tin-post330562.html
Zalo