'Thảm họa bảo mật' ở Nhà Trắng tiếp diễn

Các cố vấn từ Hội đồng An ninh Mỹ tiếp tục gây lo ngại về bảo mật thông tin, trước nghi vấn sử dụng email công cộng để trao đổi công việc.

 Ông Waltz giải thích về vụ thêm nhầm nhà báo vào nhóm chat. Ảnh: Washington Post.

Ông Waltz giải thích về vụ thêm nhầm nhà báo vào nhóm chat. Ảnh: Washington Post.

Theo Washington Post, các thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống Donald Trump, bao gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Michael Waltz, đã sử dụng tài khoản Gmail cá nhân để trao đổi công việc chính phủ

Trước đó, những quan chức này đang bị chỉ trích vì vô tình đưa một nhà báo vào nhóm chat thảo luận về kế hoạch quân sự trên Signal. Trong khi đó, Gmail còn là một phương thức kém an toàn hơn nhiều so với ứng dụng nhắn tin mã hóa Signal.

Cho dù chưa có tài liệu nhạy cảm nào được truyền tải qua Gmail, việc này vẫn tiềm ẩn rủi ro cao bị đánh cắp thông tin, đồng thời cho thấy tình trạng bảo mật thiếu trách nhiệm của các viên chức cấp cao.

Thất vọng từ phía Nhà Trắng

Cụ thể, theo Washington Post, một trợ lý cấp cao của Waltz đã sử dụng Gmail để trao đổi về các vấn đề kỹ thuật cao với đồng nghiệp tại các cơ quan chính phủ khác, bao gồm các vị trí quân sự nhạy cảm và hệ thống vũ khí mạnh mẽ liên quan đến một cuộc xung đột đang diễn ra.

Trong khi đó, quan chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) sử dụng tài khoản Gmail cá nhân. Các đồng nghiệp liên ngành của Waltz lại sử dụng tài khoản do chính phủ cấp, theo tiêu đề từ thư điện tử.

 Michael Waltz, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, tiếp tục gây thất vọng về vấn đề bảo mật. Ảnh: Reuters.

Michael Waltz, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, tiếp tục gây thất vọng về vấn đề bảo mật. Ảnh: Reuters.

Người phát ngôn của NSC, Brian Hughes, cho biết ông không thấy bằng chứng nào cho thấy Waltz sử dụng email cá nhân như mô tả. Ông cũng nói rằng Waltz vẫn luôn đảm bảo chuyển tiếp thông tin vào email chính phủ khi nhận được tài liệu công việc từ các liên hệ cũ.

"Waltz chưa từng và sẽ không bao giờ gửi thông tin mật qua một tài khoản không bảo mật," Hughes khẳng định.

Hughes cũng là người trước đó cho biết rằng Signal không được sử dụng cho tài liệu mật. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao trong chính quyền cho biết Waltz cũng đã tạo và quản lý các nhóm chat Signal khác, cùng các thành viên trong nội các thảo luận về những chủ đề nhạy cảm, bao gồm tình hình tại Somalia và cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

Sự cố mời nhầm nhà báo vào nhóm chat Signal của Waltz đã khiến ông Trump nổi giận và gây ra sự thất vọng trong nội các. Ông Trump công khai lên tiếng bảo vệ nhưng sau đó đã họp với Phó tổng thống và Chánh văn phòng về việc có giữ Waltz lại hay không.

Hiện tại, ông Waltz vẫn được giữ lại nhưng chủ yếu là vì ông Trump không muốn trao chiến thắng đến cho giới truyền thông tự do, theo một quan chức cấp cao trong chính quyền.

Ảnh hưởng chính trị từ vụ rò rỉ

Các chuyên gia an ninh dữ liệu bày tỏ quan ngại rằng các hệ thống mã hóa bảo mật của chính phủ vẫn chưa được tận dụng để trao đổi công việc. Điều lo ngại nhất là việc sử dụng email sẽ là kẽ hở cho tấn công mạng, lừa đảo giả mạo và các hình thức xâm phạm dữ liệu kỹ thuật số khác.

"Nếu không sử dụng GPG (một phần mềm mã hóa), email sẽ không được mã hóa đầu cuối và nội dung tin nhắn có thể bị chặn và đọc tại nhiều điểm, kể cả trên máy chủ email của Google”, Eva Galperin, Giám đốc An ninh mạng tại Electronic Frontier Foundation, cho biết.

Trong nhóm chat Signal về cuộc tấn công của chính quyền Trump vào các chiến binh Houthi ở Yemen vào tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã chi tiết hóa quá trình, thời gian và các hệ thống vũ khí. Việc này có thể gây nguy hiểm cho các phi công Mỹ trong cuộc chiến.

Cuộc trò chuyện cũng đã công khai khả năng giám sát của quân đội Israel được chia sẻ với Mỹ. Chính quyền Israel cũng bày tỏ sự thất vọng với điều này.

Các quan chức Mỹ cho biết Trump lo lắng về việc một nhà báo tự do được đưa vào nhóm chat hơn là tiết lộ bí mật cho các đối thủ nước ngoài. Đồng thời, họ cũng cho rằng các lời phủ nhận của Waltz ngày càng khó tin.

“Anh ấy (Waltz) nói với mọi người rằng anh ấy chưa bao giờ gặp tôi hoặc nói chuyện với tôi”, Jeff Goldberg, Tổng biên tập tạp chí The Atlantic, người được thêm vào nhóm chat cho biết. Ông cũng cho rằng các số điện thoại không tự nhiên “bị hút” vào một chiếc điện thoại khác.

 Ông Trump kiềm chế không sa thải Waltz sau vụ rò rỉ. Ảnh: Reuters.

Ông Trump kiềm chế không sa thải Waltz sau vụ rò rỉ. Ảnh: Reuters.

Mặc dù phần lớn các quan chức trong chính quyền Trump đã giảm nhẹ sự cố rò rỉ thông tin trên Signal công khai, một số người, như Ngoại trưởng Marco Rubio, đã thừa nhận rằng đây là một sai lầm nghiêm trọng.

Ngoài ra, việc làm của Waltz đã tạo cơ hội cho các phe phái khác chỉ trích. Các thành viên đảng Dân chủ đã sử dụng sự việc này như một ví dụ về sự bất tài và quản lý kém của chính quyền. Trong khi một số người trong phe MAGA của Đảng Cộng hòa cho rằng Waltz là một nhà bảo thủ có liên kết với George W. Bush.

Michael Waltz có nhiều năm hoạt động trong giới an ninh quốc gia của Đảng Cộng hòa, và là cựu đặc nhiệm. Ông cũng là người lên tiếng từ lâu về tầm quan trọng của bảo mật thông tin.

Nhật Tường

Nguồn Znews: https://znews.vn/tham-hoa-bao-mat-o-nha-trang-tiep-dien-post1542638.html
Zalo