Tham gia nhiều kỳ thi để xét tuyển đại học, thí sinh làm gì để không quá tải?

Ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, năm 2023, nhiều trường tổ chức các kỳ thi riêng để xét tuyển đại học. Với mong muốn tăng cơ hội xét tuyển đại học, nhiều thí sinh sẽ tham gia từ 2-3 kỳ thi.

Cấp tốc chạy đua nước rút

Nguyễn Trường Giang (Đống Đa, Hà Nội) có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Ngoại thương cho biết, các ngành dự kiến xét tuyển đều dành phần lớn chỉ tiêu cho phương thức xét kết hợp, xét dựa vào điểm thi đánh giá năng lực, chứng chỉ IELTS, chỉ tiêu dành cho phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT khá thấp. Để tăng cơ hội trúng tuyển, nam sinh đang cấp tốc ôn luyện để thi lấy chứng chỉ IELTS với mục tiêu điểm số từ 7.0 và đăng ký thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Việc tham gia nhiều kỳ thi sẽ tăng cơ hội trúng tuyển vào các trường đại học, song cũng đem lại không ít áp lực. Trung bình mỗi ngày lịch học của Giang sẽ bắt đầu vào khoảng 4-5h sáng và kết thúc vào khoảng 12h đêm, thậm chí có thể muộn hơn.

 Thời điểm này học sinh lớp 12 trên cả nước đang gấp rút ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi riêng để xét tuyển ĐH. (Ảnh minh họa)

Thời điểm này học sinh lớp 12 trên cả nước đang gấp rút ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi riêng để xét tuyển ĐH. (Ảnh minh họa)

“Thời điểm này em vẫn cảm thấy khá lo lắng, chỉ còn vài tháng để vừa học vừa ôn thi cấp tốc cho các kỳ thi xét tuyển đại học, trong khi lượng kiến thức lại rất nhiều. Ngoài việc học chắc các môn để xét tuyển đại học theo điểm thi tốt nghiệp THPT như Toán, Văn, Ngoại ngữ (khối D00), thì em vẫn phải dành thời gian để làm các đề thi minh họa, tự học chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia cũng như chuẩn bị thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ IELTS. Em đang cố gắng học đến đâu chắc đến đó. Ngoài tự học, học online, học theo nhóm cùng bạn bè, em cũng tham gia các lớp luyện thi để được ôn tập tốt hơn”, Giang chia sẻ.

Trịnh Thùy Hương (Đống Đa, Hà Nội) có nguyện vọng xét tuyển vào ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Văn hóa Hà Nội cũng dự kiến sẽ tham gia 3 kỳ thi gồm thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội và thi đánh giá năng lực của ĐH Sư phạm Hà Nội.

“Em cảm thấy khá lo lắng với 2 kỳ thi đánh giá năng lực vì đây là những hình thức thi mới. Qua đề thi minh họa, có thể thấy cách ra đề và nội dung thi khác hoàn toàn với đề thi tốt nghiệp THPT, các trường cũng không tổ chức các khóa ôn tập, nên cách duy nhất để chuẩn bị cho các kỳ thi này là luyện qua các đề thi minh họa và học chắc kiến thức trong chương trình”, Hương chia sẻ.

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học bậc THPT tại Hà Nội cho rằng, hiện nay các kỳ thi riêng đều do các trường top đầu đứng ra tổ chức, xuất phát từ 2 lý do: “Đề thi tốt nghiệp THPT hiện nay chủ yếu để xét tốt nghiệp, không còn phù hợp với các tiêu chí đánh giá năng lực học sinh mà các trường top đầu đặt ra. Thứ 2, các trường muốn chủ động tuyển chọn thí sinh phù hợp với yêu cầu. Việc xuất hiện các kỳ thi riêng cũng mang yếu tố cạnh tranh trong tuyển sinh, vì tuyển được thí sinh là yếu tố sống còn của các trường đại học. Từ đó dẫn đến bùng nổ các kỳ thi riêng. Tuy nhiên sự bùng nổ này đem lại nhiều lợi ích đi kèm với nhiều vấn đề đáng ngại”.

Theo thầy Đinh Đức Hiền, đối với các trường ĐH, khi chủ động tuyển được thí sinh chất lượng, phù hợp, đủ chỉ tiêu, nếu làm tốt, uy tín, nhiều thí sinh tham gia, sẽ có sức ảnh hưởng lớn đến xã hội, được nhiều trường đại học khác sử dụng. Đối với thí sinh cũng sẽ có nhiều sự lựa chọn con đường vào đại học hơn, gia tăng khả năng đỗ đại học.

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học bậc THPT tại Hà Nội.

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên môn Sinh học bậc THPT tại Hà Nội.

Mặt khác, sự cạnh tranh giữa các kỳ thi riêng về sức ảnh hưởng cũng sẽ làm cho các kỳ thi tốt hơn về mặt tổ chức, ra đề. Đặc biệt, đề thi hiện nay của các trường đại học cũng rất phù hợp với chương trình GDPT mới, qua đó góp phần định hướng dạy và học ở cấp phổ thông.

Song song với đó cũng có nhiều vấn đề đáng ngại, trong đó thầy Đinh Đức Hiền băn khoăn về việc để tổ chức một kỳ thi riêng không hề dễ, chưa nói đến kinh phí. “Nhiều câu hỏi được đặt ra đó là ngân hàng câu hỏi đã đủ lớn, đủ chất lượng, tính bảo mật đề thi, minh bạch của kỳ thi hay chưa? Cơ chế giám sát, kiểm tra có đảm bảo, cơ quan nào giám sát việc đó?

Ngoài ra, việc quá nhiều các kỳ thi riêng với nhiều cấu trúc thi, mức độ khó khác nhau giữa các kỳ thi cũng sẽ khiến các thí sinh mệt mỏi đứng giữa ma trận thi cử. Một thực tế là có thi sẽ có luyện thi, điều này không thể tránh khỏi, gây tốn kém về mặt tiền bạc và sức lực là điều thấy rõ, mặc dù các thí sinh có quyền lựa chọn thi hay không thi”.

Từ thực tế này, thầy Đinh Đức Hiền kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có cơ chế quản lý, tiêu chuẩn rõ ràng về các kỳ thi riêng, cơ quan quản lý cần có cơ chế giám sát về việc này. Các trường cũng cần liên kết với nhau để tổ chức kỳ thi để giảm bớt gánh nặng cho thí sinh. Trong tương lai có thể hướng tới hình thành một số các trung tâm khảo thí lớn, chuẩn hóa, có sự quản lý, giám sát từ Bộ GD-ĐT, các trường ĐH có thể sử dụng kết quả từ kỳ thi của các trung tâm này cho việc tuyển sinh, mỗi khối ngành khác nhau có thể sử dụng các tổ hợp thi riêng, đặt hàng từ các trung tâm này.

Thí sinh không nên hoang mang chạy đua theo các khóa luyện thi

Đưa ra lời khuyên cho thí sinh khi tham gia nhiều kỳ thi để xét tuyển đại học, thầy Đinh Đức Hiền lưu ý, hiện nay đề thi hiện nay được ra theo hướng mới, đòi hỏi nhiều năng lực của học sinh hơn, mặc dù kiến thức cơ bản vẫn vậy, tuy nhiên cách hỏi đã thay đổi.

Để đạt kết quả cao trong các kỳ thi, thí sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản, ôn thi tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì phần lớn các trường vẫn sử dụng kết quả này, kể cả trường top trên vẫn có chỉ tiêu cho kỳ thi này.

“Các em không nên hoang mang lao vào nhiều khóa luyện thi khác nhau khi kiến thức thi tốt nghiệp của mình còn chưa tốt.

Để tham gia các kỳ thi riêng, thí sinh có thể luyện các bộ đề để biết được cấu trúc, cách hỏi, cách tư duy. Khi thật sự sắp xếp được thời gian, thì mới tham gia các khóa luyện thi, tránh trường hợp khóa nào cũng ôn nhưng kết quả đều không tốt. Các thí sinh cần ôn thi trọng tâm, biết rõ thế mạnh của mình là phương thức xét tuyển nào để tập trung nhiều nhất cho phương thức đó”, thầy Hiền đưa ra lời khuyên.

Riêng với kỳ thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM cho biết, đề thi đánh giá năng lực bao phủ một lượng kiến thức vừa phải, nhưng yêu cầu thí sinh phải hiểu bản chất và mở rộng vấn đề. Để đạt điểm cao thì việc học thuộc không phải cách làm tốt nhất, mà phải hiểu vấn đề, biết cách hệ thống hóa kiến thức các lớp, kết nối các khoảng kiến thức với nhau và biết ứng dụng kiến thức đó trong thực tế.

Theo thầy Chính, cách học tốt nhất để đạt điểm cao trong kỳ thi đánh giá năng lực là đọc thật kỹ các bài học, sau đó trao đổi với bạn bè và tìm cách ứng dụng. Ngoài ra, một trong những năng lực giúp thí sinh đạt điểm cao là khả năng đọc hiểu. Đề thi đánh giá năng lực rất dài, cung cấp nhiều dữ kiện, số liệu, do đó những em nào có khả năng xử lý thông tin tốt, logic hóa tốt đã có kết quả khá cao.

Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐH Quốc gia TP.HCM cũng lưu ý rằng, hiện nay có rất nhiều các trung tâm luyện thi dựa vào cấu trúc đề thi đánh giá năng lực để xây dựng các đề thi cho thí sinh. Đây là những bài thi chưa được kiểm chứng, có thể quá dễ hoặc quá khó so với đề thi chính thức, thậm chí có thể sai. Nhấn mạnh rằng ĐH Quốc gia TP.HCM không có bất kỳ trung tâm luyện thi đánh giá năng lực nào, đo đó tất cả những quảng cáo trên mạng xã hội đều do các tổ chức, cá nhân khác tự thực hiện, thí sinh cần tỉnh táo khi tham gia ôn luyện./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tham-gia-nhieu-ky-thi-de-xet-tuyen-dai-hoc-thi-sinh-lam-gi-de-khong-qua-tai-post1000293.vov
Zalo