Tham gia chuỗi cung ứng, DN nội - ngoại chưa tìm được tiếng nói chung

Các DN FDI và DN nội địa hiện chưa có sự kết nối chặt chẽ nên không tìm được đối tác, nhà cung ứng tại chỗ, trong khi DN phụ trợ trong nước lại khá lúng túng khi tham gia chuỗi cung ứng này.

Tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành đối tác cung ứng của các DN, tập đoàn FDI là cơ hội lớn cho các DN nội địa phát triển, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các DN FDI và DN nội địa hiện chưa có sự kết nối chặt chẽ, nhiều DN FDI không tìm được đối tác, nhà cung ứng tại chỗ, trong khi DN phụ trợ trong nước lại khá lúng túng khi tham gia chuỗi cung ứng này.

Hải Phòng được biết đến là địa phương có nhiều ngành công nghiệp phát triển, như cơ khí chế tạo, lắp ráp, điện, điện tử… Những năm gần đây, với ưu thế vượt trội về địa hình, giao thông và chính sách, Hải Phòng tiếp tục là điểm sáng trong thu hút đầu tư nước ngoài. Chỉ tính riêng trong các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) của Hải Phòng hiện đã có hơn 400 DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và hơn 200 DN trong nước (DDI).

Hải Phòng tổ chức Triển lãm kết nối DN phụ trợ và DN FDI nhằm tạo cơ hội hợp tác

Hải Phòng tổ chức Triển lãm kết nối DN phụ trợ và DN FDI nhằm tạo cơ hội hợp tác

Mặc dù kết quả thu hút đầu tư cũng như giá trị sản xuất công nghiệp luôn giữ vị trí cao, nhưng theo Ban quản lý KKT Hải Phòng, sự kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và DN công nghiệp hỗ trợ trong nước còn khá rời rạc, chưa tạo thành mối quan hệ cộng sinh, tương hỗ bền vững.

Ông Hajimoto Naoyuki, Giám đốc vật tư Công ty TNHH Công nghệ máy văn phòng Kyocera (KCN VSIP Hải Phòng) cho biết, DN có quan hệ đối tác với 109 công ty chuyên cung ứng linh kiện máy văn phòng, nhưng chỉ có 18 công ty của Việt Nam. Trong khi đó, DN mong muốn được tìm kiếm các nhà cung cấp nội địa để có thể giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Để mở rộng phát triển, DN đang tìm kiếm các đối tác để có thể đủ sức cạnh tranh. Về lĩnh vực máy photo copy, máy in văn phòng, Kyocera đang cố gắng tăng tỉ lệ nội địa hóa khuôn cho sản xuất linh kiện nhựa, linh kiện đồ dập bằng kim loại. Tới đây, Kyocera sẽ cần nội địa hóa cụm linh kiện cho linh kiện điện tử cũng như chất bán dẫn. Hiện Kyocera cũng đang nỗ lực tìm kiếm các đối tác địa phương, đủ năng lực để cùng hợp tác và phát triển”, ông Hajimoto Naoyuki cho biết.

Các DN nước ngoài khi đầu tư, sản xuất tại Việt Nam cũng gặp khó khăn là tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm còn thấp; các DN nước ngoài và DN nội địa Việt Nam chưa có nhiều hoạt động liên kết trong việc cung ứng nguyên vật liệu, trao đổi công nghệ, dịch vụ… Theo ông Ko Tae Yeon, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), nâng cao liên kết qua các hoạt động kết nối sẽ mở ra cơ hội hợp tác, phát triển và gia tăng lợi ích cho các bên khi cùng tham gia vào chuỗi cung ứng.

Ông Ko Tae Yeon, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, nâng cao liên kết qua các hoạt động kết nối sẽ mở ra cơ hội hợp tác, phát triển và gia tăng lợi ích cho các DN

Ông Ko Tae Yeon, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, nâng cao liên kết qua các hoạt động kết nối sẽ mở ra cơ hội hợp tác, phát triển và gia tăng lợi ích cho các DN

“Cần tăng tỉ lệ nội địa hóa trong quy trình sản xuất là vấn đề các nhà đầu tư rất quan tâm. Cùng với đó, các DN Việt Nam khi tham gia vào chuỗi sản xuất của DN nước ngoài, cũng phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe mà các DN đưa ra. Bản thân các DN phụ trợ cũng phải đầu tư và thay đổi việc vận hành sản xuất cho tương ứng; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm với các nhà đầu tư nước ngoài để hiểu hơn về những tiêu chuẩn, quy định của họ”, ông Ko Tae Yeon nêu định hướng.

Những năm gần đây, DN nội địa của Hải Phòng không ngừng gia tăng về số lượng, quy mô, chất lượng sản phẩm. Các DN đều nhận thấy, việc tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn không chỉ là cơ hội để khẳng định chính mình, mở rộng thị trường mà còn tiếp cận gần hơn với quy trình sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông Phạm Trung Tình, Giám đốc Công ty CP Công nghiệp phụ trợ SKV Việt Nam, các DN FDI và DN phụ trợ tại Hải Phòng đều có nhu cầu hợp tác nhưng lại chưa tìm được tiếng nói chung.

“DN phụ trợ mong muốn được FDI cho khảo sát xưởng căn cứ theo tiêu chuẩn bảo mật thông tin, từ đó tạo ra cơ hội để DN phụ trợ tiếp cận môi trường sản xuất, từ đó có thể nghiên cứu, đưa ra sản phẩm và quyết định đầu tư sản xuất sản phẩm cung cấp cho doanh nghiệp FDI. Hiện nay DN phụ trợ không dám đầu tư bởi vì không biết có đáp ứng được tiêu chuẩn hay không, có bán được hàng hay không khi chưa có cam kết hay đảm bảo nào”, ông Tình băn khoăn.

Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, các DN nội địa cũng cần nâng cao hơn nữa năng lực nội tại, trong đó chú trọng đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, thường xuyên cập nhật các quy định trong hợp tác, các quy chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng cho rằng, các DN trong nước phải nâng cao năng lực, đặc biệt là tự giới thiệu về DN mình, năng lực thương thảo hợp đồng, năng lực trao đổi để tìm hiểu cơ hội và làm tốt công tác phát triển thương hiệu của DN. “Lợi thế của các DN trong nước là sản xuất tại các cụm công nghiệp, có thể thu hút được lao động với mức chi phí nhân công, tiền lương thấp hơn. Các DN nên mạnh dạn đầu tư, phát triển thương hiệu và thường xuyên có trao đổi nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp FDI”, ông Thành khuyến nghị.

Với sự kết nối của BQL Khu Kinh tế Hải Phòng, vừa qua, một số DN FDI và DN phụ trợ trên địa bàn đã bước đầu có sự hợp tác trong sản xuất

Với sự kết nối của BQL Khu Kinh tế Hải Phòng, vừa qua, một số DN FDI và DN phụ trợ trên địa bàn đã bước đầu có sự hợp tác trong sản xuất

Tại Hội nghị đối thoại với DN diễn ra vào tháng 8/2023, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho biết, trong năm 2023, Hải Phòng sẽ ban hành Nghị quyết về hỗ trợ, tạo điều kiện để các DN của thành phố phát triển, nhất là hỗ trợ kết nối chuyển giao công nghệ, tham gia chuỗi cung ứng, sản xuất các sản phẩm phụ trợ cho DN FDI, tạo mối liên kết hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp trong nước và DN nước ngoài.

Theo Bí Thư Thành ủy Hải Phòng, tham gia chuỗi liên kết, hệ sinh thái sản xuất của DN FDI đầu tư tại thành phố, là cách tốt nhất để có thể nhận chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quản trị của các DN.

Thanh Nga/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tham-gia-chuoi-cung-ung-dn-noi-ngoai-chua-tim-duoc-tieng-noi-chung-post1051454.vov
Zalo