Thăm 'đại bản doanh' hãng xe điện BYD tại Trung Quốc: Thật đáng nể!

Trực tiếp thăm trụ sở, trung tâm nghiên cứu, trực tiếp lái thử sản phẩm của hãng xe điện BYD ngay trên đất Trung Quốc, tôi chỉ biết thốt lên: 'Những gì họ làm được thật đáng nể!'.

Nhận được lời mời từ BYD Việt Nam, những ngày giữa tháng 9 vừa qua, phóng viên Cartimes đã có cơ hội trực tiếp thăm quan “những thành tựu” mà hãng BYD đã và đang làm được ở quốc gia tỷ dân. Có đi mới trả lời được câu hỏi vì sao BYD vươn lên trở thành nhà sản xuất xe điện số 1 thế giới. Đi mới thấy được cách làm bài bản, bền vững của hãng xe điện Trung Quốc.

Đoàn truyền thông chúng tôi gồm 40 người, di chuyển quãng đường khá xa từ Hà Nội và Tp.HCM sang sân bay Thâm Quyến mất gần trọn 1 ngày nhưng tôi không thấy bất cứ ai mệt mỏi. Có lẽ họ cũng giống tôi, đang háo hức khám phá nơi “khai sinh” ra hãng xe điện lớn nhất thế giới.

Tận mục sở thị “đại bản doanh” BYD tại Thâm Quyến

Sau bữa tối thưởng thức những món ngon của ẩm thực Trung Hoa lên tới hàng chục món, sau một đêm ngủ ngon giấc tại khách sạn, sáng hôm sau, chúng tôi lên xe buýt bắt đầu chuyến công tác. Địa điểm đầu tiên chính là Trụ sở chính của BYD nằm cách khách sạn chỉ khoảng 10 cây số. Ngồi trên xe buýt, đi trên các tuyến đường trên cao cắt nối nhau loằng ngoằng như mạng nhện. Xe cộ nhìn trực quan cũng phải đến 60-70% là xe điện, và trong đó có rất nhiều xe gắn thương hiệu BYD. Thế mới thấy cơ sở hạ tầng hiện đại và độ phổ biến của xe điện của nước bạn.

Trụ sở chính của hãng xe điện BYD tại thành phố Thâm Quyến

Trụ sở chính của hãng xe điện BYD tại thành phố Thâm Quyến

Trụ sở chính – “ngôi nhà” của BYD là một tòa kiến trúc hình lục giác nằm trong quần thể BYD rộng tới 706.000 m2. Nơi đây cũng được mệnh danh là “Khu công nghiệp không phát thải carbon”. Trụ sở chính BYD gồm nhiều khu vực với chức năng khác nhau như phòng thử nghiệm, phòng nghiên cứu và phát triển, khối văn phòng…

Đến với tòa nhà trung tâm của Trụ sở chính BYD, đầu tiên là chúng tôi đi tham quan bảo tàng BYD. Tại đây, trưng bày tất cả thành tựu nổi bật của thương hiệu trong lĩnh vực xe năng lượng mới như công nghệ Blade Battery, nền tảng e-Platform 3.0, công nghệ CTB (Cell To Body), hệ thống kiểm soát thân xe DiSus... Đây đều là những công nghệ độc quyền giúp BYD trở thành hãng xe năng lượng mới dẫn đầu toàn cầu.

Một công nghệ độc quyền của Hãng BYD

Một công nghệ độc quyền của Hãng BYD

Có tận mắt quan sát, nghe thông tin giới thiệu mới thấy được thành tựu đáng nể của hãng xe điện Trung Quốc. Sau hơn 20 năm liên tục đầu tư cho việc nghiên cứu và phát triển, ngành công nghiệp ô tô của BYD hiện có 4 thương hiệu gồm BYD, DENZA, FANGCHENGBAO và YANGWANG. Dải sản phẩm ô tô của BYD trải rộng nhiều phân khúc, từ phổ thông đến cao cấp, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn được phương tiện di chuyển “xanh” theo nhu cầu. Trong năm 2023, BYD đã bán được hơn 3,02 triệu xe năng lượng mới. Doanh số ấn tượng này đã giúp BYD trở thành thương hiệu xe năng lượng mới bán chạy nhất trên toàn cầu.

BYD đã đầu tư hơn 5,6 tỷ USD cho riêng việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm trong năm 2023

BYD đã đầu tư hơn 5,6 tỷ USD cho riêng việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm trong năm 2023

Được biết, BYD đã đầu tư hơn 5,6 tỷ USD cho riêng việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm trong năm 2023. Đặc biệt, BYD là thương hiệu ô tô có đội ngũ kỹ sư nghiên cứu và phát triển nhiều nhất trên toàn cầu với hơn 102.800 kỹ sư. Tại Trụ sở chính BYD, khu vực bức tường bằng sáng chế lớn nhất thế giới là minh chứng rõ nét cho điều này. Bức tường trưng bày 1.250 bằng sáng chế được hãng lựa chọn kỹ lưỡng trong hơn 30.000 bằng sáng chế đã được cấp. Trung bình mỗi ngày thương hiệu nộp đơn xin cấp 32 bằng chế trên toàn cầu. Quá ấn tượng!

Bức tường sáng chế tại Trụ sở BYD

Bức tường sáng chế tại Trụ sở BYD

BYD không chỉ tập trung vào công nghệ đổi mới mà còn rất tôn trọng hiền tài. Với đội ngũ kỹ sư đông đảo, công ty lấy việc phát triển làm yếu tố cốt lõi, thương hiệu hiện có tổng cộng 11 cơ quan nghiên cứu, bao gồm các lĩnh vực như điện tử, vật liệu, pin, năng lượng mới, ô tô, giao thông đường sắt.

Quy trình sản xuất của BYD

Quy trình sản xuất của BYD

Không chỉ ghi dấu ấn trong lĩnh vực ô tô chở khách, BYD còn lan tỏa “dấu chân xanh” đến lĩnh vực xe thương mại. Tính đến hiện tại, hãng đã xuất xưởng hơn 85.000 xe buýt điện, khoảng 20.000 xe tải và xe chuyên dụng năng lượng mới ra thị trường. BYD hiện dẫn đầu trong việc cung cấp các dòng xe năng lượng mới, đặc biệt là xe buýt và xe taxi điện tại thị trường nước ngoài. “Dấu chân xanh” của BYD trong lĩnh vực xe thương mại đang bao phủ hơn 400 thành phố tại gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đến “nơi những chiếc xe bị va chạm”

Chúng tôi cứ gọi vui Trung tâm thử nghiệm xe BYD là “nơi những chiếc xe bị va chạm”. Nằm cách trụ sở chừng 1km, Trung tâm thử nghiệm xe BYD không chỉ thử va chạm xe như cách chúng tôi nói đùa vì nó có tới 3 phòng thử nghiệm phương tiện. Đây là nơi nghiên cứu, thử nghiệm các sản phẩm của BYD nhằm đảm bảo đạt các tiêu chuẩn bắt buộc trước khi giới thiệu ra thị trường.

BYD có 3 phòng thử nghiệm sản phẩm với các chức năng khác nhau

BYD có 3 phòng thử nghiệm sản phẩm với các chức năng khác nhau

Đầu tiên là Phòng thử nghiệm EMC tại BYD. Phòng này được đầu tư hơn 9 triệu USD với mục đích phục vụ công tác nghiên cứu, thử nghiệm và phân tích thiết kế về khả năng tương thích điện từ của toàn bộ xe. Khi điện hóa và trí thông minh nhân tạo trở thành xu hướng, phòng thử nghiệm EMC không chỉ nằm trong quy định của pháp luật mà còn là tiêu chí quan trọng liên quan đến trải nghiệm người dùng và sự an toàn của phương tiện. Phòng thử nghiệm EMC của BYD có thể tạo ra các bài kiểm tra EMC đạt chứng nhận xuất khẩu trên toàn cầu.

Phòng thử nghiệm NVH là nghiên cứu và kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến sự thoải mái khi sử dụng phương tiện như độ rung, tiếng ồn và các âm thanh nhỏ gây khó chịu

Phòng thử nghiệm NVH là nghiên cứu và kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến sự thoải mái khi sử dụng phương tiện như độ rung, tiếng ồn và các âm thanh nhỏ gây khó chịu

Tiếp theo là Phòng thử nghiệm NVH được xây dựng với diện tích 6.000 m2, tổng số vốn đầu tư hơn 21 triệu USD. Chức năng chính của phòng thử nghiệm NVH là nghiên cứu và kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng đến sự thoải mái khi sử dụng phương tiện như độ rung, tiếng ồn và các âm thanh nhỏ gây khó chịu. Phòng thử nghiệm gồm có các khu vực khác nhau như phòng bán phản xạ phương tiện, kiểm soát âm vang, thử nghiệm Modal…

Cuối cùng mới là “nơi những chiếc xe bị va chạm” mang tên Phòng thử nghiệm an toàn thụ động. Cơ sở này được xây dựng với tổng số vốn đầu tư hơn 42.1 triệu USD. Phòng thử nghiệm được thiết kế với 3 mục đích gồm thử nghiệm va chạm, giả lập va chạm và kiểm tra khả năng bảo vệ người đi bộ. Tại đây cung cấp đầy đủ các thử nghiệm nhằm phát triển hệ thống an toàn bị động trên ô tô con, xe thương mại cũng như tàu điện trên cao, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và quy định của nhiều quốc gia và khu vực khác nhau.

Phòng thử nghiệm an toàn thụ động

Phòng thử nghiệm an toàn thụ động

Chưa hết bất ngờ với khả năng thử nghiệm toàn diện từ BYD, gần trưa, chúng tôi được đưa tới khu vực lái thử xe. Đây là phần chương trình có lẽ là hấp dẫn nhất trong chuyến công tác lần này. Chúng tôi được trực tiếp cầm lái những mẫu xe mà trước kia chỉ nhìn qua ảnh hay xem qua video như BYD HAN, BYD SEAL, DENZA D9, YANGWANG U8…

Chúng tôi được trực tiếp cầm lái nhiều mẫu xe BYD

Chúng tôi được trực tiếp cầm lái nhiều mẫu xe BYD

Không chỉ nổi bật với công nghệ cốt lõi pin Blade, các mẫu xe của BYD còn có những ưu điểm riêng để phù hợp với nhiều mục đích sử dụng khác nhau. Chẳng hạn như YANGWANG U8 là mẫu SUV đầu bảng của thương hiệu, trang bị hàng loạt tính năng nổi bật như xoay tại chỗ 3600 Tank Turn, nổi trên mặt nước… Với khối động cơ mạnh 1.200 mã lực, YANGWANG U8 chỉ mất 3,6 giây để tăng tốc 0-100 km/h. Không gian bên trong xe ấn tượng với những trang bị như da Nappa cao cấp, 6 màn hình kỹ thuật số, hệ thống âm thanh cao cấp Dynaudio 22 loa… Khó mà có thể kể hết những tính năng độc, lạ của mẫu xe này.

Hay như DENZA D9, BYD HAN, BYD M6, mỗi mẫu xe là cả một “bầu trời công nghệ”, mà nếu như không trực tiếp lái thử hay ngồi vào trong để “mày mò”, chắc khó ai tưởng tượng được BYD lại có thể làm được như thế.

Sau khi lái thử xe, chúng tôi ăn trưa nhanh để ra sân bay bay tới Trùng Khánh – nơi đặt nhà máy pin nổi tiếng của thương hiệu BYD. Đó cũng là một điểm đến vô cùng thú vị mà tôi sẽ “để dành” rồi kể cho các bạn ở phần sau.

Trần Huy Thắng (từ Thâm Quyến)

Thắng Trần

Nguồn Cartimes: http://cartimes.tapchicongthuong.vn/tham--dai-ban-doanh--hang-xe-dien-byd-tai-trung-quoc--that-dang-ne-16189.htm
Zalo