Thăm bản du lịch cộng đồng gắn với nông thôn mới ở Sơn La

Còn lưu giữ nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái, kết hợp với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bản Khá (xã Sập Vạt, Yên Châu, Sơn La) đã và đang được đầu tư để phát triển mô hình du lịch cộng đồng kiểu mẫu gắn với xây dựng nông thôn mới. Đây là một trong những điểm đến hấp dẫn với du khách trên cung đường khám phá Tây Bắc.

Bản Khá nằm ngay gần trục Quốc lộ 6, cách thị trấn Yên Châu (huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) gần 10 km. Bản có hơn 90 hộ, hơn 420 nhân khẩu, gần như 100% dân tộc Thái sinh sống.

Đến với bản Khá, du khách hòa mình trong không gian yên ả thanh bình, tự nhiên của một bản Thái cổ xưa, với hầu hết các gia đình đều ở trong các nếp nhà sàn cổ, xung quanh là vườn cây xoài, cây me cổ thụ rợp bóng mát, có dòng suối Vạt uốn quanh...

Người dân bản Khá tổ chức lễ hội "Đông Sửa" tại khu rừng của bản

Người dân bản Khá tổ chức lễ hội "Đông Sửa" tại khu rừng của bản

Ông Quàng Văn Phanh, 80 tuổi, người dân bản Khá cho biết, bà con trong bản hiện vẫn đang lưu giữ và phát huy nhiều nét văn hóa đặc trưng độc đáo của đồng bào Thái, như hát dân ca, biểu diễn nhạc cụ dân tộc; duy trì các nghề thủ công truyền thống dệt vải, thêu khăn piêu, đan lát các vật dụng sinh hoạt hằng ngày, cùng các lễ hội như “Xên bản”, “Xên lẩu nó”, “Đông sửa”… Đây là các nghi lễ truyền thống có ý nghĩa cầu mong sức khỏe, mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu.

"Hàng năm đến mùng 10 là chúng tôi phải cúng một lần. Cúng cho dân bản khỏe khoắn, làm ăn phát đạt, ruộng nương bội thu, trâu bò khỏe mạnh, không bị dịch bệnh", ông Quàng Văn Phanh cho biết.

Từ những lợi thế, tiềm năng sẵn có, huyện Yên Châu đã triển khai thực hiện Đề án phát triển mô hình du lịch nông thôn tại bản Khá; lộ trình xây dựng sản phẩm du lịch trong 5 năm, với tổng mức đầu tư khoảng 43 tỷ đồng, tập trung xây dựng các hạng mục chính, như: Cổng chào vào bản; xây dựng điểm đón tiếp khách tại bãi đỗ xe; điểm đỗ xe và hệ thống xe điện trung chuyển du khách vào bản đảm bảo môi trường; các điểm bán hàng và trò chơi trải nghiệm; xây dựng lộ trình trải nghiệm; chỉnh trang cảnh quan bản, xây dựng các điểm vệ sinh...

Luyện tập văn nghệ chuẩn bị đón và phục vụ du khách

Luyện tập văn nghệ chuẩn bị đón và phục vụ du khách

Về phía bản Khá, triển khai thực hiện Đề án đã lựa chọn 5 gia đình có khả năng cải tạo nâng cấp thành homestay; 3 gia đình có khả năng mở nhà hàng ẩm thực dân tộc; 3 gia đình có khả năng dệt vải, thêu khăn piêu, đan mây tre thủ công phục vụ đón khách du lịch. Nhiều hộ dân ở bản Khá đã được tập huấn kiến thức làm du lịch cộng đồng. Bản cũng thành lập 2 đội văn nghệ dân gian, thường xuyên tổ chức tập luyện và biểu diễn các chương trình dân ca, dân vũ, dân nhạc để phục vụ khách du lịch.

Chị Vì Thị Thanh, người dân bản Khá chia sẻ: "Gia đình tôi có đăng ký tham gia làm du lịch, gia đình đã mua sắm chăn đệm mới để sẵn sàng đón khách. Khi khách đến, chúng tôi thường chế biến các món ăn của người Thái, như rau đu đủ, canh bon, măng luộc, gà cá nướng… để phục vụ khách".

Giữ nghề đan lát

Giữ nghề đan lát

Ông Quàng Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND xã Sặp Vạt cũng cho biết: "Tỉnh, huyện quan tâm có chủ trương xây dựng bản Khá là điểm du lịch cộng đồng, xã chúng tôi rất phấn khởi. Chúng tôi đã cùng huyện và đơn vị tư vấn làm công tác khảo sát, quy hoạch lại các công trình đường làng, ngõ xóm, thành lập hợp tác xã du lịch để bà con cùng nhau làm và biết được làm du lịch thế nào".

Thêu khăn piêu truyền thống

Thêu khăn piêu truyền thống

Theo ông Lù Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, để xây bản Khá trở thành bản du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Yên Châu đã chỉ đạo ngành chức năng xây dựng và hướng dẫn áp dụng bộ tiêu chí về môi trường văn hóa tại điểm du lịch cộng đồng bản Khá; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, nâng cao nhận thức về môi trường văn hóa, xây dựng những chuẩn mực về lối sống, hành vi trong giao tiếp, trong ứng xử cũng như trong các hoạt động kinh doanh du lịch khác.

Bà con gìn giữ nghề dệt thổ cẩm

Bà con gìn giữ nghề dệt thổ cẩm

"Hiện nay chúng tôi đã xây dựng kế hoạch đưa các hộ dân đi tham quan học hỏi ở các khu, điểm du lịch có nét tương đồng với điều kiện thực tế của bà con ở bản Khá. Cùng với đó, chúng tôi cũng đưa bà con đến các điểm mà người ta đang có chương trình hướng dẫn làm du lịch để bà con tiếp cận, học hỏi. Chúng tôi cũng đã báo cáo tỉnh và được tỉnh chỉ đạo đưa vào xây dựng bản Khá thành bản du lịch văn hóa kiểu mẫu, sử dụng các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia và các nguồn ngân sách hợp pháp, phát triển bản Khá thành bản du lịch văn hóa cộng đồng đã được tỉnh phê duyệt", ông Lù Văn Cường cho biết.

Chủ tịch UBND huyện Yên Châu cũng cho biết, ngoài bản du lịch cộng đồng dân tộc Thái, địa phương cũng xây dựng Kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa một số dân tộc như Mông, Xinh Mun..., nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với du lịch; từ đó, tạo bước đột phá thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng mà huyện đưa vào dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2026 - 2030 sẽ diễn ra vào năm tới.

Thu Thùy/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/check-in/tham-ban-du-lich-cong-dong-gan-voi-nong-thon-moi-o-son-la-post1141574.vov
Zalo