Thái Nguyên xây dựng nông thôn mới: Hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng
Trong suốt chặng đường xây dựng nông thôn mới, người dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có sự đóng góp rất tích cực. Nhờ đó, đến nay tỉnh đã hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng trong chương trình mục tiêu quốc gia này, trong đó có khá nhiều chỉ tiêu 'nặng ký'.

Đến nay, Phú Bình đã đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao theo Quyết định số 320/QĐ-TTg ngày 8/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: L.K
Khi người dân đồng lòng
Còn nhớ năm 2011, khi Thái Nguyên bắt tay thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), cả hệ thống chính trị và người dân đều rất bỡ ngỡ. Tuy nhiên, qua 1 năm đầu tiên, việc rà soát 19 tiêu chí về xây dựng NTM tại các xã được hoàn thành, kế hoạch về đích cho các xã “tiềm năng” được xây dựng, Thái Nguyên đã bắt đầu có xã đạt chuẩn NTM.
Đi qua những chặng đường gian nan, phong trào xây dựng NTM đã trở nên rất đỗi quen thuộc. Chính quyền các địa phương vào cuộc tích cực, quyết liệt; người dân chủ động, hào hứng thể hiện vai trò chủ thể trong thực hiện Chương trình.
Giao thông là một trong những tiêu chí rất cần sự tham gia đóng góp của người dân. Với sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con ở các địa phương, nhiều tuyến đường nông thôn đã được mở rộng, cứng hóa.
Đơn cử như tuyến đường ở xóm 11 (xã Cù Vân, Đại Từ) vừa được cứng hóa cách đây chưa lâu. Để hoàn thiện tuyến đường dài gần 1km, cùng với xi măng được tỉnh hỗ trợ, người dân đã đóng góp tiền mua cát, sỏi và ngày công lao động để làm đường.
Từ sự đóng góp đối ứng tích cực của người dân, những năm qua, hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có sự thay đổi ngoạn mục, biến những con đường mòn gồ ghề sỏi đá, lầy thụt thành những cung đường bê tông uốn lượn.
Ông Nguyễn Thành Nam, Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Với sự tiếp sức của nhân dân, riêng năm 2024, các địa phương trong tỉnh đã tập trung xây dựng, cải tạo và nâng cấp được trên 380km đường giao thông nông thôn.
Tương tự, việc thực hiện các tiêu chí như cơ sở vật chất văn hóa, trường học, thủy lợi và phòng chống thiên tai… cũng nhận được sự đóng góp tích cực từ phía người dân. Bà Nguyễn Thị Thùy (ở xóm 6, xã Bình Thuận, Đại Từ) nói: Xây dựng NTM là phục vụ người dân nên chúng tôi luôn ủng hộ các chủ trương đúng đắn của Nhà nước và chính quyền địa phương, nhất là việc đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn…
Chỉ trong giai đoạn 2021-2025, trong số trên 78,2 nghìn tỷ đồng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, người dân đã chủ động vay ngân hàng để đối ứng gần 70,7 nghìn tỷ đồng. Con số này cho thấy sự đóng góp to lớn và tích cực của người dân. Ngoài ra, bà con cùng với doanh nghiệp và cộng đồng cũng đóng góp hiện vật, sức lao động (người dân tham gia được quy đổi ra tiền) xấp xỉ 1,7 nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Thành Nam khẳng định: Chính sự đoàn kết, đồng lòng của người dân đã giúp cho Chương trình lớn này thu được những kết quả ngoài sự mong đợi.

Từ sự đóng góp đối ứng của người dân trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường giao thông đã được cứng hóa.
Những con số ấn tượng
Với sự chung tay, góp sức của người dân - chủ thể xây dựng NTM, đến hết tháng 3 năm 2025, trên địa bàn tỉnh đã có 115/121 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 95,04%); 50/115 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (43,5%); 12/115 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (10,43%); 6 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn NTM. Đây là những con số ấn tượng phản ánh thành quả của quá trình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của Thái Nguyên.
Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, tỉnh vẫn đề ra thêm nhiều mục tiêu cao hơn. Theo đó, đến năm 2025, toàn tỉnh còn 121 xã xây dựng NTM, trong đó mục tiêu đến hết năm, toàn tỉnh có 117/121 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 96,7%; 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao.
Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững; ưu tiên nguồn lực cho các xã, các huyện chưa đạt chuẩn NTM. Đồng thời tập trung xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; hỗ trợ các xã, huyện đã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Theo nhận định của đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Thái Nguyên đang tăng tốc để sớm hoàn thành các mục tiêu sớm hơn kế hoạch đề ra trong năm 2025.
Minh chứng rõ nét nhất là hiện nay tỉnh đã hoàn tất các thủ tục đề nghị Trung ương xét, công nhận huyện Phú Lương đạt chuẩn NTM và Đại Từ được công nhận huyện NTM nâng cao. Như vậy, mục tiêu có 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và 1 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao của tỉnh đã hoàn thành trước kế hoạch hơn nửa năm. Số xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu dự ước cũng vượt mục tiêu đề ra... Những kết quả đã đạt được sẽ là nền tảng vững chắc để Thái Nguyên triển khai hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2026-2030.