Thái Nguyên: Triển khai các hoạt động thực chất, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS).
Thái Nguyên với dân số trên 1,3 triệu người gồm có 51 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó có 50 dân tộc thiểu số với dân số là 384.379 người, chiếm 29,87% dân số toàn tỉnh.
Đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh sinh sống chủ yếu ở 5 huyện miền núi, vùng cao gồm: Định Hóa, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ và Đại Từ.
Theo Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16/9/2021 của Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh còn 142 thôn đặc biệt khó khăn.
Triển khai hiệu quả các đề án, dự án
Việc phát triển kinh - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Thái Nguyên quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả; các ngành chức năng thường xuyên rà soát, bổ sung, cân đối nguồn lực để triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS, huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư, phát triển, ưu tiên công tác giảm nghèo, nâng cao mức sống và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh và bền vững.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên Trần Kim Dung cho biết: Cùng với các cấp, các ngành trong tỉnh, Hội LHPN tỉnh đã tập trung triển khai nhiều chương trình, đề án, dự án mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, phụ nữ vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Dự án được triển khai thực hiện tại các xã đặc biệt khó khăn, xã ATK chưa đạt chuẩn Nông thôn mới và các xóm đặc biệt khó khăn thuộc 6/6 huyện trên địa bàn tỉnh. Sau gần 4 năm triển khai thực hiện Dự án, đã có 7/9 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch giai đoạn, 4 nội dung của Dự án 8 với những chỉ tiêu trọng tâm cũng được triển khai đồng bộ, góp phần thay đổi "nếp nghĩ, cách làm", nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em.
Các hoạt động của Dự án 8 bước đầu tác động đến đời sống của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho từng địa phương được hưởng lợi và được các cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận.
Tuy nhiên, khoảng cách giới và bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại, phần lớn nghiêng về phía phụ nữ, nhất là đối với phụ nữ DTTS. Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn tới bất bình đẳng giới là định kiến giới về vai trò làm chủ kinh tế và gánh nặng vai trò chăm sóc gia đình của phụ nữ. Tư tưởng trọng nam, kinh nữ và quan điểm ủng hộ vai trò làm kinh tế của nam giới khiến hầu hết chị em phụ nữ DTTS mang tâm lý tự ti, mặc cảm. Họ chú trọng nhiều hơn đến vai trò chăm sóc con cái, chăm sóc gia đình, ít tham gia các hoạt động xã hội và ít động lực phát huy vai trò làm chủ kinh tế.
Trước thực trạng trên, để tiếp tục triển khai tổ chức các hoạt động đi vào thực chất, góp phần giải quyết vấn đề bình đẳng giới, nâng cao quyền năng cho phụ nữ DTTS, Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên tổ chức Diễn đàn "Bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số", với mong muốn tạo được điểm nhấn, thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong xây dựng, thực thi chính sách pháp luật, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS, góp phần thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về thực trạng, những khó khăn, vướng mắc tác động đến việc thực hiện công tác bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số; những kết quả, kinh nghiệm và giải pháp của các cấp Hội LHPN trong hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao quyền năng, phát triển kinh tế.
Đại diện các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác và chị em phụ nữ cũng mạnh dạn đề xuất với tổ chức Hội và các ngành chức năng nhiều nội dung như: hỗ trợ các thủ tục pháp lý để đảm bảo các hộ dân vùng đồng bào DTTS đều có đất ở, đất sản xuất, an cư lạc nghiệp; hỗ trợ vốn để phát triển kinh tế, mua sắm trang thiết bị, đầu tư công nghệ mới phục vụ sản xuất; mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, tập huấn ứng dụng công nghệ số trong phát triển kinh tế; tập huấn kỹ năng bán hàng, kinh doanh online, tham gia thương mại điện tử; hỗ trợ các mô hình hợp tác, tổ hợp tác xây dựng thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm…
Tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên Trần Kim Dung tiếp thu các kiến nghị của chị em và đề nghị Hội LHPN các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về bình đẳng giới, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số; tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia các hoạt động tại cộng đồng dân cư; phối hợp tổ chức tập huấn và đào tạo nghề cho hội viên phụ nữ; tiếp tục phối hợp với các ngân hàng, tổ chức tín dụng tín chấp cho hội viên phụ nữ vay vốn đầu tư phát triển kinh tế; hỗ trợ các mô hình sinh kế, khởi nghiệp. Đồng thời huy động, khai thác các nguồn lực, tạo việc làm và giúp phụ nữ DTTS phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
Các đại biểu chia sẻ tại diễn đàn
Trong thời gian tới, các cấp Hội sẽ tiếp tục quan tâm, nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của chị em; những đề xuất, kiến nghị, hỗ trợ giải quyết những vấn đề cấp thiết của hội viên phụ nữ; tổ chức các diễn đàn để hội viên phụ nữ có cơ hội chia sẻ những cách làm hay, mô hình phát triển kinh tế hiệu quả và kiến nghị, đề xuất những vấn đề liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới… Qua đó giúp phụ nữ tự tin, vượt qua các rào cản về giới, chủ động trong phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, vì sự phát triển của phụ nữ.