Thái Nguyên phát triển các sản phẩm gắn với vùng chè, thu hút khách du lịch
Hoạt động du lịch cộng đồng, nông nghiệp, sinh thái gắn với văn hóa trà tại Thái Nguyên ngày càng được đầu tư, nâng cao chất lượng để thu hút du khách.
Tỉnh Thái Nguyên đang tập trung xây dựng và phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm.
Trong đó, du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà là sản phẩm du lịch đặc trưng tại Thái Nguyên - địa phương có diện tích trồng và sản lượng chè lớn nhất cả nước.
Những năm gần đây, nhiều hợp tác xã, cơ sở sản xuất đã đầu tư phát triển dịch vụ lưu trú, ăn uống, xây dựng khu vực chế biến, giới thiệu và bán các sản phẩm cũng như không gian thưởng trà rộng rãi phục vụ du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Các điểm đến nổi bật có thể kể đến như: Không gian văn hóa trà và vùng chè đặc sản Tân Cương (thành phố Thái Nguyên); khu bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải (thành phố Thái Nguyên); làng văn hóa du lịch Bản Quyên (huyện Định Hóa)..., thu hút được nhiều du khách tới tham quan, trải nghiệm.
"Vùng chè Tân Cương đang ngày càng được du khách biết tới nhiều hơn. Có thời điểm, gia đình chúng tôi đón đoàn hàng chục khách. Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư mở rộng không gian đón tiếp, xây thêm nhà nghỉ cộng đồng, phòng nghỉ khép kín để tăng sức chứa, phục vụ khách có nhu cầu ăn uống, nghỉ đêm...
Du khách rất thích được trải nghiệm hái chè, tìm hiểu, tham gia quy trình sản xuất, đóng gói trà và trải nghiệm văn hóa bản địa", ông Bùi Trọng Đại - Giám đốc Hợp tác xã trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên chia sẻ.
Một số mô hình du lịch cộng đồng mới được hình thành như ở xã La Bằng (huyện Đại Từ), xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai), xã Tức Tranh (huyện Phú Lương), xã Phú Đình (huyện Định Hóa)…
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên phối hợp với Hiệp hội Du lịch Thái Nguyên tích cực kết nối với nhiều tỉnh, thành trên cả nước để quảng bá du lịch cộng đồng gắn với vùng chè như một sản phẩm du lịch đặc trưng tại Thái Nguyên.
Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch Thái Nguyên còn đón các đoàn doanh nghiệp, truyền thông đến khảo sát sản phẩm để từng bước hoàn thiện các tour, tuyến du lịch vùng chè, tìm ra hướng đi phù hợp cho từng địa phương, tránh đơn điệu, trùng lặp.
Ông Trần Bá Phúc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Bình cho rằng, các vùng chè ở Thái Nguyên cần tạo thêm điểm nhấn, trải nghiệm cho khách du lịch, ví dụ như đầu tư không gian thưởng trà, trà nương, câu chuyện để chạm tới cảm xúc của du khách, khiến họ ấn tượng sâu sắc.
Ông Dương Hồng Tuấn, chuyên gia du lịch cũng cho rằng, tour du lịch lên thăm đồi chè, chụp ảnh, uống trà đơn thuần sẽ khiến khách nhàm chán.
"Có thể tạo ra một tour trải nghiệm các vùng trà với sự khác biệt về hương vị và lịch sử nghề chè tại đó, sau đó đến cuối chương trình sẽ có các trò chơi, thử thách về nhận diện hương vị trà của từng vùng...
Ngoài ra, lưu trú homestay thì du khách sẽ muốn giao lưu với gia chủ, đôi khi chính người chủ nhà sẽ khiến du khách nhớ mãi với những câu chuyện, lòng hiếu khách hoặc đơn giản là bộ trang phục truyền thống, thay vì chỉ đơn thuần mời khách uống trà", ông Tuấn hiến kế.
Các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp lữ hành cũng đề xuất ngành du lịch "xứ trà" sáng tạo thêm các món ăn, sản phẩm quà tặng gắn với cây chè.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên cho biết, tới đây, tỉnh sẽ công bố 100 món ăn tiêu biểu về chè Thái Nguyên, dùng vật liệu từ cây chè Thái Nguyên, ví dụ tôm hùm sốt trà xanh May Plaza, tan biến hương trà (kết hợp đậu phụ Nhật), panna cotta trà xanh, cá kho trà xanh...
Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên ra mắt cuốn sách "Ai đem giăng sáng giãi trên đồi chè" - ấn phẩm quảng bá vùng đất, con người, văn hóa Thái Nguyên, góp phần truyền cảm hứng cho du khách đến với xứ trà.