Thái Nguyên nỗ lực chăm sóc sức khỏe người dân sau bão số 3

Mưa bão, lũ lớn chưa từng có diễn ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên uy hiếp tính mạng, sức khỏe người dân khi nhiều người bị thương, nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan. Với tinh thần chủ động, ngành y tế Thái Nguyên đã triển khai các giải pháp cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bệnh và phòng chống dịch, bệnh sau lũ để bảo vệ sức khỏe người dân.

Toàn bộ các vùng bị lũ lụt, nhà cửa người dân, trường học, công sở bị ngập, nơi tập trung đông người, chợ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều được phun khử khuẩn để phòng ngừa dịch bệnh.

Toàn bộ các vùng bị lũ lụt, nhà cửa người dân, trường học, công sở bị ngập, nơi tập trung đông người, chợ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều được phun khử khuẩn để phòng ngừa dịch bệnh.

Lường trước bão số 3 và hoàn lưu sau bão sẽ có mưa lớn, sạt lở giao thông, lũ lụt trên diện rộng, Sở Y tế Thái Nguyên chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn chuẩn bị vật tư, thuốc điều trị, phương tiện, thành lập các tổ cấp cứu lưu động để kịp xử lý các tình huống xảy ra.

Mưa bão, lũ lụt diện rộng trên địa bàn huyện Định Hóa làm nhiều trạm y tế xã, bệnh viện huyện bị chia cắt. Thời gian này ở Định Hóa có một số trường hợp bị gãy chân, rắn cắn, vật liệu bay trong bão, kính nhà rơi làm bị thương cần cấp cứu, điều trị gấp.

Do đã được chuẩn bị từ trước, ngay sau khi nhận được tin có người bị gẫy chân do sạt lở, cán bộ y tế xã, người dân địa phương và đội cấp cứu lưu động bệnh viện huyện Định Hóa khẩn trương dùng thuyền vận chuyển qua đường bị lũ lụt đến chỗ ô-tô cấp cứu chờ sẵn để đưa đến bệnh viện xử trí kịp thời, không để xảy ra biến chứng.

Trên địa bàn tỉnh có gần 60 trường hợp bị gẫy chân, bị thương, rắn cắn trong đợt mưa lũ vừa qua đều được ứng cứu, tiếp nhận, xử trí kịp thời nhờ các đội cấp cứu lưu động. Các bệnh viện tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận, điều trị kịp thời các trường hợp bị tai nạn, ốm đau.

Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên, Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy cho biết: Trước, trong và sau lũ, chúng tôi huy động đội ngũ cán bộ y tế phối hợp với chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động người dân vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm để phòng ngừa dịch bệnh phát sinh.

Hầu hết các gia đình ở vùng lũ, chưa có nước máy đều được phát Cloramin B và các loại hóa chất, hướng dẫn sử dụng đúng liều lượng, đúng cách để làm sạch, làm trong nước sinh hoạt. Sở Y tế thành lập các đoàn kiểm tra phòng ngừa dịch bệnh, kịp thời nhắc nhở một số trường hợp trẻ em chơi đùa trong lũ có thể xảy ra đuối nước, bệnh ngoài da, đau mắt đỏ.

Ngành y tế Thái Nguyên huy động toàn bộ số Cloramin B dự trữ tại các huyện chưa dùng đến, nguồn dự trữ của tỉnh, Bộ Y tế cấp, các nguồn tài trợ để tiến hành phun tiêu độc, khử trùng tại tất cả những nơi bị lũ lụt.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên Phan Bích Hòa, thành phố Thái Nguyên tổ chức 6 đội với hơn 50 cán bộ y tế, 90 lượt sinh viên Đại học Y-Dược Thái Nguyên phối hợp với đoàn hỗ trợ của tỉnh Bình Định tiến hành phun khử khuẩn tại 27 xã, phường bị lũ lụt, trong đó đặc biệt chú trọng phun khử khuẩn tại 23 xã, phường bị ngập sâu, hơn 20 nghìn hộ gia đình với phương châm nước rút đến đâu, tiến hành phun khử khuẩn, vệ sinh môi trường đến đó.

Quân khu I cấp vật tư, điều 3 xe đặc chủng phun khử khuẩn trên địa bàn thành phố Thái Nguyên trong vòng ba ngày liên tục sau lũ. Ở các xã, phường dọc sông Cầu trên địa bàn huyện Phú Bình, thành phố Phổ Yên bị ngập sâu, ngay trong lũ người dân được ngành y tế cấp hóa chất, hướng dẫn phương pháp sử dụng làm sạch nguồn nước, sau lũ tiến hành phun khử khuẩn, trong đó đặc biệt coi trọng những hộ bị ngập, nơi từng xuất hiện ổ dịch.

Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên, Tiến sĩ Đặng Ngọc Huy chia sẻ: Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị về phương tiện, vật tư, nhân lực ứng phó mưa bão, lũ lớn nên ngành y tế tỉnh đã hoàn thành việc phun khử khuẩn, vệ sinh môi trường trong thời gian ngắn. Do đó, đến nay trên địa bàn tỉnh không phát sinh dịch bệnh sau lũ, sức khỏe người dân được bảo vệ.

Tuy nhiên, Sở Y tế Thái Nguyên khuyến cáo, người dân ở các vùng bị lũ lụt, ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không được chủ quan với dịch dịch bệnh sau lũ, thực hiện vệ sinh nước sinh hoạt đúng cách, ăn chín, uống sôi, vệ sinh an toàn thực. Khi người dân bị các loại bệnh về đường ruột, sốt xuất huyết, sốt rét, ngoài da, đau mắt đỏ, da liễu thì cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí, điều trị kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

NGUYỄN THẮNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thai-nguyen-no-luc-cham-soc-suc-khoe-nguoi-dan-sau-bao-so-3-post832080.html
Zalo