Thái Nguyên: Người dân khổ vì tuyến đường tỉnh toàn 'ao' với 'hố'
Tuyến đường được Báo Đại Đoàn Kết phản ánh là đường tỉnh 272 ở huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên. Đoạn đường từ xã Hòa Bình đến quốc lộ 1B, đi qua 2 xã Tân Long, Quang Sơn đã hư hỏng mặt đường hoàn toàn từ nhiều năm nay khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Đoạn đường tỉnh 272 từ xã Hòa Bình - xã Tân Long - QL1B có chiều dài chưa tới 10 km, đã được rải nhựa từ những năm 2000. Sau năm 2010, tuyến đường bắt đầu xuống cấp do hoạt động của các loại xe tải lớn nhỏ ra vào vùng mỏ đá Quang Sơn, Tân Long.
Ông Dương Quý Tài, xóm Lân Quan, xã Tân Long bức xúc nói: Gần 10 năm nay mặt đường tỉnh 272 đã hư hỏng hoàn toàn, gây ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của người dân chúng tôi. Chỉ có xe tải chở đá ra vào các mỏ hoạt động suốt ngày đêm, còn xe ô tô du lịch hoặc xe thùng chở hàng thông thường không thể đi lại được do đường quá xấu. Ngay cả đi xe máy cũng rất khó khăn, nên việc trao đổi hàng hóa bị tăng về chi phí, nhưng giảm giá thành; đưa con, cháu đi học cũng rất khổ, mưa thì đường toàn bùn với hố nước, nắng thì bụi không trắng trời.
Để kiểm chứng thực tế việc lưu thông trên tuyến đường tỉnh 272, phóng viên đã lựa chọn vị trí giáp ranh giữa xóm Phố Hích và xóm Tân Đô, xã Hòa Bình. Chỉ khoảng thời gian từ 8h15 - 9h30 (ngày 14/8), có hơn 60 lượt xe tải từ loại nhỏ 5 tấn, cho tới xe đầu kéo 4 chân qua lại vào các mỏ đá ở xã Tân Long và Quang Sơn. Còn người dân di chuyển bằng xe máy giữa 2 xã Hòa Bình - Tân Long rất ít và không có phương tiện khác đi lại.
Bà Trần Thị Hậu, là người bán hàng vật tư nông nghiệp đã 30 năm nay tại xóm Phố Hích chia sẻ: Từ những năm 2000, chợ Hích không chỉ là chợ phiên lớn nhất của huyện Đồng Hỷ, mà còn tập trung người từ các xã lân cận và lái buôn từ khắp nơi (trong và ngoài tỉnh Thái Nguyên) tới đây mua bán chè. Tới năm 2010 trở lại đây, đường khó đi, người đến chợ không còn như trước nữa khiến cho việc buôn bán trở lên khó khăn. Lái buôn, người sản xuất chè giờ tập trung nhiều hơn ở chợ phiên xã Minh Lập để mua bán, do ở đó đường giao thông thuận lợi.
Trước đây bà Hậu chỉ chuyên bán phân bón, các loại vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, nhưng nay hàng hóa ế ẩm do có sự cạnh tranh và đường xấu đã hạn chế việc phát triển sản xuất của người dân. Vì vậy gia đình bà phải nhập thêm rất nhiều mặt hàng khác như đồ nội thất, điện tử, điện lạnh... để da dạng sản phẩm, tăng doanh thu.
Ông Hoàng Hồng Nhật, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình thông tin, đường tỉnh 272 xuống cấp từ cách đây hơn 10 năm, nhưng hư hỏng hoàn toàn mặt đường thì xảy ra khoảng 6 năm nay. Đó là thời điểm đường tỉnh 273 từ xã Hòa Bình đến QL1b (Hóa Thượng - Minh Lập - Hòa Bình) được xây dựng và đưa vào sử dụng. Lúc này đoạn đường 272 từ vùng mỏ (Quang Sơn, Tân Long) đến đường 273 đã không thể chịu nổi với sức nặng của hàng trăm xe ô tô chở vật liệu đi lại hàng ngày nữa.
Nhiều năm nay, cử tri và lãnh đạo địa phương liên tục kiến nghị lên các cấp, ngành để được quan tâm đầu tư nâng cấp đường tỉnh 272. Địa phương cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp tu sửa đường, cho máy móc san gạt để người dân đi lại thuận lợi hơn, nhưng hiệu quả của việc này chưa được như mong muốn do đường san lấp tạm thời chỉ được ít ngày lại lồi lõm như cũ.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Ngô Xuân Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ cho biết, tuyến đường 272 xuống cấp đã xảy ra từ nhiều năm nay, nhưng địa phương không có nguồn lực để đầu tư. Huyện đã báo cáo vấn đề này lên UBND tỉnh Thái Nguyên và cũng đã được xem xét phương án đầu tư, nhưng do còn vướng mắc nên chưa biết khi nào có thể triển khai dự án.
Trong quá trình chờ nguồn vốn, UBND huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn và các xã có tuyến đường tỉnh 272 đi qua đã chủ động vận động người dân hiến đất, sẵn sàng tạo điều kiện về mặt bằng để dự án khi triển khai sẽ thuận lợi nhất.