Thái Nguyên: Góp ý vào nội dung bản thảo Lịch sử từ khởi nguồn đến năm 1945
Ngày 22/11, Tỉnh ủy Thái Nguyên và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học góp ý vào nội dung bản thảo Lịch sử tỉnh Thái Nguyên tập 1 (từ khởi nguồn đến năm 1945).
Tiến sĩ Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên và PGS.TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Thường trực Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Duy Bắc nhấn mạnh: Thái Nguyên đã sớm thu hút sự quan tâm nghiên cứu của giới sử học, nhưng các công trình nghiên cứu đã công bố chưa có tính hệ thống, chuyên sâu. Do đó, việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử tỉnh Thái Nguyên là rất cần thiết. Công trình nghiên cứu cũng góp phần bổ sung nguồn tư liệu có giá trị, đảm bảo độ chính xác cao nhằm phục vụ cho công tác giáo dục, tuyên truyền lịch sử và truyền thống văn hóa đối với cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là phục vụ các chuyên đề giáo dục lịch sử địa phương trong trường học.
Theo đó, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã phân công các cán bộ có trình độ chuyên môn sâu phối hợp với một số nhà khoa học tiêu biểu trong giới Sử học của các cơ quan nghiên cứu đầu ngành như: Viện Sử học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và của tỉnh Thái Nguyên tiến hành nghiên cứu, biên soạn. Sau hơn 6 tháng tập trung nghiên cứu, Ban Chủ nhiệm đề tài đã hoàn thành bản thảo tập 1 giai đoạn từ khởi nguồn đến năm 1945.
Bản thảo Lịch sử tỉnh Thái Nguyên tập 1 gồm 7 chương: Thái Nguyên vùng đất và con người; Thái Nguyên thời tiền sử, sơ sử và Nhà nước Văn Lang - Âu Lạc; Thái Nguyên thời Bắc thuộc và đấu tranh chống Bắc thuộc (179 TCN - 938); Thái Nguyên từ năm 939 đến năm 1427; Thái Nguyên từ thời Lê Sơ đến Tây Sơn (1428-1802); Thái Nguyên từ thời Nguyễn đến trước khi thực dân Pháp đô hộ (1802-1884); Thái Nguyên thời Pháp thuộc (1884-1945).
Tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào từng nội dung, bố cục cuốn lịch sử, tên gọi của Thái Nguyên và các địa phương qua các thời kỳ lịch sử tương ứng với giai đoạn, thời kỳ, cách diễn đạt, chính tả, dùng từ, logic trong văn bản…
Với vị trí và vai trò quan trọng của mình, Thái Nguyên là một trong số ít các địa phương được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ lựa chọn là nơi hoạt động và lãnh đạo kháng chiến nhiều năm, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 129 điểm di tích, trong đó có Khu di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, đây chính là chất liệu có giá trị lịch sử to lớn cần tiếp tục nghiên cứu, tập hợp, bổ sung vào cuốn lịch sử Thái Nguyên tập 1 (từ khởi nguồn đến năm 1945) và tập 2 từ năm 1946 đến nay.
Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Trịnh Việt Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, tâm huyết của Ban chủ nhiệm đề tài, ban soạn thảo, ban biên tập trong việc hoàn thiện bản thảo đảm bảo chất lượng và tiến độ.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhấn mạnh: Với tầm vóc và ý nghĩa quan trọng của công trình khoa học, cuốn lịch sử tỉnh Thái Nguyên phải khơi dậy lòng tự hào về truyền thống và khát vọng cống hiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên. Đồng chí mong rằng, khi đọc mỗi người đều thấy mình ở trong đó để tiếp tục kế thừa và viết lên truyền thống tự hào hơn, vẻ vang hơn của Thái Nguyên trong thời kỳ mới.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cũng đề nghi ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến, nghiên cứu bổ sung các lĩnh vực lịch sử đặc thù, đặc trưng, đặc sắc riêng có của tỉnh như lịch sử hình thành và phát triển cây chè, nghề chè và văn hóa trà của Thái Nguyên. Đặc biệt là xin ý kiến đóng góp rộng rãi hơn nữa của cán bộ, đảng viên và nhân dân kể cả về nội dung, hình thức cách thể hiện các vấn đề lịch sử để đảm bảo cuốn lịch sử tỉnh Thái Nguyên sau khi hoàn thành vừa là công trình khoa học, chính xác, khách quan vừa là cuốn sách lôi cuốn, hấp dẫn.