Thái Nguyên dồn lực xóa nhà tạm, nhà dột nát

Với quyết tâm cao nhất trong việc chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt là các hộ nghèo, gia đình chính sách và người có công, Thái Nguyên đang khẩn trương triển khai chương trình xóa 4.979 căn nhà tạm, nhà dột nát tại 37 xã, phường khu vực phía Bắc của tỉnh. Phóng viên Báo và Phát thanh, Truyền hình Thái Nguyên phỏng vấn đồng chí Đinh Quang Tuyên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, về nội dung này.

Đồng chí Đinh Quang Tuyên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên.

Đồng chí Đinh Quang Tuyên, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên.

P.V: Trước hết, xin đồng chí chia sẻ cụ thể về kết quả triển khai chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại?

Đồng chí Đinh Quang Tuyên: Theo rà soát, toàn tỉnh có 4.979 hộ dân đang sinh sống trong nhà tạm, nhà dột nát, tập trung tại 37 xã, phường thuộc khu vực phía Bắc (trước đây là địa bàn tỉnh Bắc Kạn). Trong đó, có 4.176 hộ cần xây dựng mới và 803 hộ cần sửa chữa nhà ở.

Tính đến ngày 8/7/2025, đã có 4.170 hộ khởi công hoặc hoàn thành nhà ở. Cụ thể, 2.174 hộ đã hoàn tất xây dựng và 1.996 hộ đang trong quá trình thi công. Còn lại 809 hộ chưa khởi công. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, phản ánh tinh thần quyết tâm cao và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị và người dân.

Đáng chú ý, trong số các hộ được hỗ trợ, có hàng trăm trường hợp là gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Tỉnh đặc biệt ưu tiên nhóm đối tượng này và chỉ đạo các địa phương hoàn thành hỗ trợ trước ngày 25-7 - nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7).

P.V: Để hoàn thành mục tiêu xóa 100% nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31-8, tỉnh đã triển khai những giải pháp trọng tâm nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Đinh Quang Tuyên: Ngay từ đầu, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã xác định đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài trong bảo đảm an sinh và phát triển kinh tế - xã hội.

Tỉnh đã thành lập 16 đoàn công tác liên ngành để trực tiếp kiểm tra, giám sát tại cơ sở, đồng thời tổ chức các hội nghị chuyên đề để bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.

Tại Hội nghị làm việc đầu tiên giữa UBND tỉnh và 37 xã, phường phía Bắc sau sáp nhập, lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp lắng nghe, chỉ đạo và giải quyết những vướng mắc phát sinh từ thực tiễn. Các địa phương được yêu cầu cam kết hoàn thành đúng tiến độ, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ kịp thời cho các gia đình chính sách. Cùng với đó, tỉnh bảo đảm đầy đủ nguồn lực (bao gồm ngân sách, nguồn xã hội hóa và hỗ trợ kỹ thuật) để mỗi ngôi nhà sau khi hoàn thành đều đạt chuẩn, bền vững và an toàn.

Cán bộ Phòng Kinh tế xã Tân Kỳ nắm tình hình xây dựng nhà của gia đình ông Nông Văn Trong. Ảnh: Văn Lạ

Cán bộ Phòng Kinh tế xã Tân Kỳ nắm tình hình xây dựng nhà của gia đình ông Nông Văn Trong. Ảnh: Văn Lạ

P.V: Trong quá trình thực hiện, tỉnh gặp phải những khó khăn gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Đinh Quang Tuyên: Thực tế triển khai có nhiều khó khăn. Thứ nhất là việc huy động nguồn lực tại chỗ ở một số địa phương còn hạn chế. Nhiều hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không thể đóng góp tiền bạc hay ngày công. Thứ hai, một số tập quán, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số khiến người dân ngại xây nhà mới vào thời điểm nhất định. Thứ ba, là những vướng mắc pháp lý về đất đai, như chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở nằm trong vùng quy hoạch... Từ đó, gây khó khăn trong thẩm định, triển khai hỗ trợ.

Bên cạnh đó, các xã vùng sâu, vùng xa phải đối mặt với điều kiện giao thông khó khăn, nhất là vào mùa mưa bão, ảnh hưởng tới việc vận chuyển vật liệu và tiến độ xây dựng.

P.V: Trước những khó khăn đó, tỉnh có các giải pháp gì để bảo đảm tiến độ, thứ đồng chí?

Đồng chí Đinh Quang Tuyên: Tỉnh xác định tuyên truyền là chìa khóa. Các tổ chức chính trị - xã hội, MTTQ, UBND các xã được giao bám sát địa bàn để vận động người dân hiểu, đồng thuận và tích cực tham gia.

Về nguồn lực, tỉnh đã vận động xã hội hóa rất hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ kinh phí, vật liệu, ngày công. Chính quyền cơ sở cũng huy động lực lượng dân quân, thanh niên hỗ trợ hộ khó khăn xây dựng nhà.

Về thủ tục, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chuyên môn rút gọn quy trình, hướng dẫn cụ thể cho từng hộ. Những vấn đề về giấy tờ pháp lý được xem xét kỹ, tháo gỡ từng bước nhưng vẫn tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Tỉnh cũng phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát - Vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân", tạo khí thế sôi nổi, quyết tâm cao trong toàn hệ thống chính trị.

P.V: Xin đồng chí chia sẻ thêm về thông điệp mà chương trình lần này mang lại?

Đồng chí Đinh Quang Tuyên: Việc xóa bỏ 4.979 căn nhà tạm, nhà dột nát không đơn thuần là công trình xây dựng, mà còn là biểu tượng của sự hồi sinh niềm tin, là nền tảng cho cuộc sống ổn định, phát triển bền vững.

Chúng tôi muốn lan tỏa mạnh mẽ tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau". Qua đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền tỉnh Thái Nguyên đối với từng người dân - nhất là người nghèo, người yếu thế, người có công. Đây cũng là hành động thiết thực khẳng định quyết tâm chính trị sau sáp nhập, góp phần xây dựng Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững và nhân văn.

P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thảo Nguyên

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202507/thai-nguyen-don-luc-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-2921ded/
Zalo