Thái Nguyên đặt mục tiêu thu hút 100 nghìn người tham gia tập võ cổ truyền
Ngày 25-2, UBND tỉnh tổ chức cuộc họp báo cáo tiến độ triển khai Kế hoạch phát triển Võ cổ truyền Việt Nam tại Thái Nguyên năm 2025. Đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chỉ đạo cuộc họp. Tham dự có lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan và các võ sư, trưởng các võ đường.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại cuộc họp.
Theo kế hoạch, tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, 30% trường tiểu học, THCS, THPT, cao đẳng và đại học trên địa bàn sẽ thành lập và đưa vào hoạt động các câu lạc bộ (CLB) võ cổ truyền, hướng tới đạt 100% vào năm 2030. Đồng thời, 50% lực lượng vũ trang trên địa bàn ứng dụng võ cổ truyền vào huấn luyện.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu có ít nhất 100 nghìn người tham gia tập luyện tại các CLB và võ đường võ cổ truyền. Về thể thao, đoàn vận động viên của tỉnh phấn đấu lọt vào tốp 10 tại Giải vô địch Võ cổ truyền toàn quốc năm 2025, với từ 2-3 vận động viên (VĐV) đạt kiện tướng quốc gia, 3-5 VĐV đạt cấp I quốc gia vào cuối năm 2025.
Bên cạnh đó, hệ thống nhà luyện tập và thi đấu võ cổ truyền sẽ được phát triển mạnh tại các cơ sở giáo dục, mở rộng cộng đồng người tập luyện trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng lên kế hoạch tổ chức sự kiện Đêm thượng đài và đưa biểu diễn võ cổ truyền vào các địa điểm du lịch, tạo ra những sự kiện võ thuật mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế...

Các võ sư võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh tham luận tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh phong trào võ cổ truyền, nhấn mạnh việc đào tạo đội ngũ huấn luyện viên, bảo đảm chất lượng giảng dạy và phát triển phong trào. Việc xây dựng đội ngũ huấn luyện viên và võ sư có trình độ cao, giàu kinh nghiệm là yếu tố then chốt để duy trì và phát triển phong trào võ cổ truyền.
Công tác tổ chức cũng cần được nâng cao tính chuyên nghiệp qua việc thành lập các ban chuyên môn, ban truyền thông và ban vận động tài trợ, từ đó nâng tầm các giải đấu võ cổ truyền.
Ngoài ra, việc đưa võ cổ truyền vào giáo dục được đề xuất thông qua việc tích hợp bộ môn này vào chương trình học thể chất, tạo sân chơi rèn luyện cho học sinh, sinh viên...
UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Liên đoàn Võ thuật tỉnh cùng các cơ quan liên quan tham mưu và triển khai kế hoạch kiện toàn Liên đoàn Võ thuật tỉnh, các ban chuyên môn, Ban Trọng tài, Ban Vận động tài trợ, Ban Truyền thông. Mục tiêu đặt ra là nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức và phát triển phong trào võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ ký kết các thỏa thuận hợp tác về võ cổ truyền với các đối tác, nhằm tạo sự hỗ trợ mạnh mẽ trong phát triển phong trào võ cổ truyền tại Thái Nguyên... Việc triển khai đồng bộ các kế hoạch này không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của võ cổ truyền mà còn tạo động lực thúc đẩy sự phát triển về thể thao, văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh.