Thái Nguyên 'chơi lớn' với phim trường số

Tại Thái Nguyên, một phim trường số đầu tiên của Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động. Nơi đây không chỉ là một cơ sở hiện đại để sản xuất phim mà còn là nơi chắp cánh giấc mơ điện ảnh cho hàng nghìn sinh viên trẻ đam mê sáng tạo.

Các sinh viên đang tìm hiểu về tạo hình nhân vật trong phim Dế Mèn

Các sinh viên đang tìm hiểu về tạo hình nhân vật trong phim Dế Mèn

Trong bối cảnh chuyển đổi số đang len lỏi vào mọi lĩnh vực của đời sống, ngành Điện ảnh Việt Nam cũng đang chứng kiến một sự thay đổi mang tính cách mạng.

Trong đó, có thể kể đến phim trường số đầu tiên của Việt Nam, được đầu tư hiện đại đã chính thức đi vào hoạt động tại Thái Nguyên.

Êkip sản xuất phim điện ảnh 3D "Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội"

Êkip sản xuất phim điện ảnh 3D "Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội"

Bộ phim Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội – sản phẩm điện ảnh đầu tiên ra đời từ Phim trường số – chính là minh chứng sống động.

Với sự đầu tư bài bản về hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, phim trường tạo ra môi trường đào tạo thực tế, giúp sinh viên công nghệ và truyền thông có cơ hội trực tiếp tham gia các khâu sản xuất – từ biên kịch, thiết kế bối cảnh, dựng phim đến kỹ xảo hình ảnh.

Mô hình này được triển khai và ứng dụng hiệu quả, với sự hợp tác chặt chẽ giữa Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICTU - thuộc Đại học Thái Nguyên) và CinePlus.

PGS.TS Phùng Trung Nghĩa, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Thái Nguyên (ICTU) cho biết: “Dự án phim trường số là một trong những dự án trọng điểm, nhận được sự quan tâm đặc biệt từ lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên.

Tính đến hiện tại, dự án đã xây dựng được đội ngũ nhân lực thường xuyên khoảng 50–60 giảng viên và sinh viên tham gia trực tiếp vào các khâu sản xuất, đặc biệt là trong các mảng kỹ thuật như mô hình 3D và kỹ xảo hình ảnh”.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Đặng Trần Cường nhận định: Việc CinePlus lựa chọn đưa Dế Mèn phiêu lưu ký thành phim hoạt hình 3D là một bước đi đáng kỳ vọng. Bộ phim có thể được xem là biểu tượng cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực phim hoạt hình 3D”.

Với đội ngũ sản xuất gồm chuyên gia của CinePlus cùng giảng viên và sinh viên ICTU, bộ phim không chỉ là một sản phẩm nghệ thuật mà còn là một “bài giảng sống” về ứng dụng công nghệ vào sáng tạo nội dung.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Dế Mèn: Cuộc phiêu lưu tới xóm Lầy Lội được tạo nên từ những bạn trẻ, tôi đánh giá rất cao việc này. Đây là tiềm năng rất lớn để tạo ra giá trị mới cho sự phát triển bền vững của đất nước”.

Từ một mô hình giáo dục – sản xuất, Phim trường số đã bước sang một vai trò lớn hơn: cú hích cho kinh tế văn hóa địa phương. Những hoạt động phụ trợ như liên hoan phim, workshop, du lịch trải nghiệm, truyền thông quảng bá… sẽ là “đòn bẩy” kéo theo sự phát triển dịch vụ, mở ra chuỗi giá trị sáng tạo dài hạn.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Đặng Trần Cường nhấn mạnh: “Khi công nghệ giúp rút ngắn thời gian sản xuất và tự động hóa nhiều quy trình, thì ý tưởng và sự sáng tạo sẽ trở thành giá trị cốt lõi”. Chính vì vậy, đầu tư cho các sản phẩm văn hóa như Dế Mèn không chỉ là chuyện nghệ thuật mà còn là chiến lược phát triển kinh tế tri thức trong dài hạn.

Mô hình “văn hóa + công nghệ + giáo dục = tăng trưởng” mà Thái Nguyên đang áp dụng có thể trở thành hình mẫu cho nhiều địa phương.

Từ một giấc mơ điện ảnh, Phim trường số đang hiện thực hóa kỳ vọng lớn hơn: đưa văn hóa trở thành tài sản chiến lược của nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên số.

BẢO NGÂN

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/thai-nguyen-choi-lon-voi-phim-truong-so-130816.html
Zalo