Thái Lan thúc đẩy quyền lực mềm qua dự án 'Mỗi làng một đầu bếp ẩm thực Thái'
Trong chuyến thăm gần đây tới Davos (Thụy Sĩ) để tham dự Hội nghị thường niên năm 2025 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã nhấn mạnh đến sự sẵn sàng của 'xứ sở Chùa Vàng' để trở thành 'Nhà bếp của Thế giới'.
Bà chỉ ra rằng ẩm thực là một điểm đặc trưng của đất nước Thái Lan giàu tài nguyên thiên nhiên và vương quốc này đang thúc đẩy lĩnh vực ẩm thực như một trong những quyền lực mềm quan trọng.

Bếp trưởng Chumphol Jangprai - Đại sứ toàn cầu về ẩm thực Thái Lan, chia sẻ với chiến lược nâng tầm công nghiệp thực phẩm Thái Lan. Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVNẢnh: Đỗ Sinh/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, để thúc đẩy chính sách quyền lực mềm trong lĩnh vực ẩm thực, Chính phủ Thái Lan đã triển khai dự án “Mỗi làng một đầu bếp ẩm thực Thái”, cung cấp kỹ năng nấu nướng cho những người tham dự từ hơn 75.000 ngôi làng trên khắp Thái Lan để giúp họ trở thành những đầu bếp chuyên nghiệp, nhờ đó có thêm thu nhập.
Chia sẻ tại sự kiện “Hương vị Thái Lan tuyệt vời thế giới”, do Cục Quan hệ Công chúng (PRD) Thái Lan tổ chức ngày 24/2, Bếp trưởng Chumphol Jangprai, Đại sứ toàn cầu về ẩm thực Thái Lan, cho biết việc thực hiện dự án cũng là một chiến lược để nâng tầm và phát triển bền vững ngành công nghiệp thực phẩm Thái Lan.

Đầu bếp Supinya Junsuta chế biến món trứng đúc cua bể huyền thoại của quán Jay Fai - quán ăn đường phố nổi tiếng nhất Bangkok được nhận sao Michelin 8 năm liên tục. Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN
Thông qua dự án “Mỗi làng một đầu bếp ẩm thực Thái”, nước này đặt mục tiêu nâng cao kỹ năng và đào tạo lại cho 75.086 người để họ trở thành đầu bếp chuyên nghiệp về ẩm thực Thái Lan, với chương trình đào tạo chuyên sâu trong giai đoạn 2024 - 2027. Thống kê cho thấy có 1.300 người được đào tạo theo dự án này vào năm ngoái và dự kiến sẽ tăng lên 17.000 người vào năm nay, 26.786 người vào năm 2026 và 30.000 người vào năm 2027.
Các khóa đào tạo và nâng cấp kỹ năng ẩm thực Thái Lan trong khuôn khổ dự án được tổ chức theo hình thức cả trực tuyến, trực tiếp và hoàn toàn miễn phí, do các viện giáo dục cao học trên khắp các khu vực ở Thái Lan cung cấp bằng nguồn tài trợ của chính phủ. Tại thủ đô Bangkok, các khóa học được tổ chức tại Trung tâm học tập Di sản ẩm thực Thái Lan nằm trong khuôn viên Viện Thực phẩm Quốc gia (NFI). Bà Yuwapha Jaiboon, Giám đốc NFI, cho biết một khóa học tại Trung tâm sẽ bao gồm 90 giờ học lý thuyết và 150 giờ thực hành. Các học viên sẽ học được bí quyết nấu ăn theo truyền thống, từ các công thức nấu ăn hoàng gia cổ xưa đến các đặc sản vùng miền, cũng như nhiều kỹ thuật chế biến món ăn ngon và lựa chọn nguyên liệu thô có chất lượng tốt. Các học viên sẽ nhận được chứng chỉ sau khi hoàn thành các buổi đào tạo để chứng minh rằng họ đã đạt được tiêu chuẩn cao trong nấu ăn.

Các học viên tham gia dự án "Mỗi làng một đầu bếp ẩm thực Thái" trong một buổi học nấu ăn tại Trung tâm học tập Di sản ẩm thực Thái Lan ở Bangkok. Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN
Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Bangkok, anh Jojo, một học viên của dự án tại Trung tâm học tập Di sản ẩm thực Thái Lan, hào hứng cho biết đây thực sự là một dự án hữu ích của chính phủ bởi những người như anh được học nấu ăn một cách bài bản để gìn giữ tinh hoa ẩm thực nước nhà hoặc có thêm sinh kế.
Còn theo Bếp trưởng Chumphol, dự án đào tạo thêm nhiều đầu bếp chuyên về ẩm thực Thái còn giúp mở ra nhiều cơ hội hơn cho các đầu bếp Thái Lan làm việc ở nước ngoài và sử dụng ẩm thực Thái như một đại sứ văn hóa để Thái Lan được biết đến nhiều hơn.

Một món ăn nhẹ của Thái kết hợp nhiều nguyên liệu quen thuộc như hạt sen, tôm khô, gừng, chanh, tỏi, ớt xanh ăn kèm với cánh hoa sen. Ảnh: Đỗ Sinh/TTXVN
Các số liệu do Cục xúc tiến thương mại quốc tế tổng hợp năm 2023 cho biết có 17.478 nhà hàng Thái ở nước ngoài, trong đó có 6.850 nhà hàng đặt tại Mỹ. Thái Lan cũng là nước xuất khẩu thực phẩm lớn thứ 12 trên thế giới.
Thái Lan đang thúc đẩy hình ảnh là “Nhà bếp của Thế giới” nhờ thế mạnh của mình trong ngành công nghiệp thực phẩm. Ẩm thực và văn hóa ẩm thực cũng là một yếu tố quan trọng giúp quảng bá hình ảnh có lợi cho Thái Lan, đất nước có 2 Thành phố sáng tạo về ẩm thực của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) là Phuket vào năm 2015 và Phetchaburi vào năm 2021.