Thái Lan phấn đấu đứng đầu châu Á về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra mới đây khẳng định, Thái Lan đặt mục tiêu đứng đầu châu Á trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sau khi nước này đứng đầu ASEAN 6 năm liền trong lĩnh vực này.

Thủ tướng Thái Lan phát biểu trong diễn đàn Phát triển công nghiệp Thái Lan hướng tới tương lai ngày 14/2, tại Bangkok. (Ảnh: Thanh Nhàn)

Thủ tướng Thái Lan phát biểu trong diễn đàn Phát triển công nghiệp Thái Lan hướng tới tương lai ngày 14/2, tại Bangkok. (Ảnh: Thanh Nhàn)

Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra nhấn mạnh, việc Liên hợp quốc đánh giá Thái Lan 6 năm liền (2019-2024) đứng đầu ASEAN và năm 2024, đứng thứ 3 châu Á về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đã tạo động lực lớn để Thái Lan tiếp tục hướng tới xây dựng một xã hội phát triển bền vững và lấy người dân là trung tâm trong việc đưa ra các chính sách của chính phủ.

Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cảm ơn các ban, ngành đã chung sức vì mục tiêu phát triển xã hội và kinh tế bền vững, thịnh vượng và toàn diện, coi người dân là trung tâm để phát triển.

Liên quan việc nước này đang lên kế hoạch để tham gia các tổ chức lớn trên thế giới, Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra cho biết, năm 2024, Thái Lan được Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) mời tham gia một số hoạt động của tiến trình để chuẩn bị trở thành thành viên chính thức của OECD, Thái Lan đã có nhiều nỗ lực với các dự án hợp tác khác nhau cùng OECD như các dự án về khuyến khích hợp tác kinh doanh có trách nhiệm và Chính phủ Thái Lan đã có hỗ trợ chiến lược đối với các dự án về khoa học, công nghệ và đổi mới.

Các sản phẩm công nghệ xanh, hướng tới phát triển bền vững của tập đoàn SCG.

Các sản phẩm công nghệ xanh, hướng tới phát triển bền vững của tập đoàn SCG.

Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra cũng tuyên bố về tầm nhìn của Thái Lan đối với nền kinh tế phát triển bền vững và linh hoạt mà Chính phủ Thái Lan mong muốn, từ việc phát triển kinh tế từ mô hình cũ trở thành mô hình bền vững với việc ủng hộ mô hình kinh tế Sinh học-Tuần hoàn-Xanh (BCG), trong đó chú trọng việc sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả, đổi mới và bền vững về mặt môi trường, trong đó bao quát tới các ngành chủ đạo như nông nghiệp, thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, công nghệ sinh học, năng lượng, kinh tế sáng tạo.

Thủ tướng Thái Lan cũng khẳng định, Thái Lan có thế mạnh trong việc phát triển kinh tế một cách bền vững và hiện nay tập trung áp dụng công nghệ vào phát triển nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh lên cấp độ toàn cầu; khẳng định các chiến lược phát triển bền vững của Thái Lan cũng nhằm mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050 và giảm phát thải khí nhà kính bằng 0 vào năm 2065.

Trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, ngay từ nhiều năm qua, Thái Lan đã có chiến lược phát triển với tất cả nguồn lực trong hệ thống xã hội. Đầu tiên là khối nhà nước với sự cam kết của chính phủ bằng cơ chế thành lập Ủy ban vì sự phát triển bền vững do một Phó Thủ tướng phụ trách; thứ hai là khối tư nhân với sự tham gia tích cực của hơn 10 tập đoàn lớn có tính chất toàn cầu như Charoen Pokphand, Tesco, SCG, PTT và Pracharat Rak Samakkhi; thứ ba là khối các tổ chức xã hội với vai trò là một công cụ giám sát hiệu suất hoạt động của cả hai khu vực công và tư, đặc biệt trong vấn đề phản ánh các thách thức mà Thái Lan gặp phải ngoài các báo cáo của chính phủ tại các tổ chức, diễn đàn quốc tế và thế giới; và cuối cùng là của giới chuyên môn, học giả với các trung tâm và viện nghiên cứu, cũng như các quỹ khác nhau.

Xuân Sơn Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Thái Lan

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thai-lan-phan-dau-dung-dau-chau-a-ve-thuc-hien-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-post860209.html
Zalo