Thái Lan lo mất an toàn vì phi công trả tiền để được bay

Tại Thái Lan, nhiều hãng hàng không đang đưa ra chương trình 'trả tiền để được bay' nhằm thu hút phi công mới hoặc người muốn nâng cấp nghề nghiệp. Tuy nhiên, điều này gây ra nhiều lo ngại mất an toàn bay.

Vì sao phải trả tiền để được bay?

Yêu cầu trả tiền để được bay là một quy định phổ biến trong ngành hàng không, theo đó thay vì nhận lương, một số phi công có thể phải trả tiền để được lái máy bay.

Thái Lan hiện có khoảng 3.000 phi công.

Thái Lan hiện có khoảng 3.000 phi công.

Chương trình này có lợi cho những phi công muốn có nhiều giờ bay hơn để tích lũy kinh nghiệm và xếp hạng trên các loại máy bay cụ thể, qua đó làm đẹp hồ sơ xin việc, tăng khả năng tuyển dụng.

Phi công cũng có thể trả tiền để được bay trong một số giờ nhất định dưới sự giám sát của cơ trưởng để đủ điều kiện làm cơ phó.

Thái Lan, một phi công có thể trả tới 6 triệu baht (hơn 181 nghìn USD) bao gồm chi phí huấn luyện lấy giấy phép bay và huấn luyện chuyển loại tàu bay để đủ điều kiện vận hành một mẫu máy bay cụ thể.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dư thừa phi công trong ngành hàng không ở Thái Lan, một số hãng hàng không trong nước đã bổ sung các chương trình trả tiền để được bay vào chương trình tuyển dụng nhằm bù đắp lợi nhuận.

Một số hãng hiện yêu cầu phi công phụ nếu muốn có đủ giờ bay để trở thành cơ trưởng phải đóng ít nhất 870.000 baht, còn người không có khả năng chi trả số tiền sẽ phải xếp hàng chờ.

Không bị cấm

Ông Damrong Phaspipatkul, người đứng đầu điều hành hoạt động bay của hãng hàng không Thai Air Asia cho biết, hãng này không áp dụng chương trình như vậy, nhưng thừa nhận một số hãng hàng không ở Thái Lan có hình thức tuyển dụng đó.

"Các hãng sẽ điều chỉnh kế hoạch tuyển dụng phi công khác nhau vì mỗi hãng có tỷ lệ phục hồi không đồng đều về đường bay và chuyến bay. Đối với các hãng sử dụng chương trình trả tiền để bay, những phi công mới được tuyển dụng có thể bị tính phí đào tạo bằng cách khấu trừ vào lương hàng tháng hoặc trả góp", ông Damrong nói.

Ông Damrong chỉ ra, do ngành hàng không chưa phục hồi hoàn toàn nên các phi công mới ra trường khó kiếm việc làm. Đặc biệt là những người đã tốt nghiệp và lấy bằng trước đại dịch nhưng không có đủ giờ bay hoặc không có giấy phép lái máy bay cùng loại các hãng hàng không đang sử dụng.

Cùng ý kiến, ông Teerawat Angkasakulkiat, Chủ tịch Hiệp hội Phi công Thái Lan cho hay, thông thường các hãng hàng không sẽ cung cấp học bổng hoặc hợp tác với các trường đào tạo phi công để sắp xếp các khóa đào tạo mà không tính thêm phí.

Nhưng nhiều hãng hàng không đang cố gắng cắt giảm chi phí hoạt động do phải vật lộn để tăng chuyến bay và kiếm doanh thu như mức trước đại dịch. Trong khi đó, do chương trình trả tiền để bay không phải là bất hợp pháp nên nhiều hãng hàng không tận dụng nhằm tạo thêm doanh thu bù đắp.

Lo ngại mất an toàn

Trước thực trạng này, Hiệp hội Phi công Thái Lan kêu gọi chính phủ rà soát và kiểm tra việc các hãng hàng không của nước này bắt buộc phi công phải trả một khoản tiền lớn để có thể nhận việc hoặc đủ điều kiện để nâng cấp bậc.

Phi công của Thai Airways (ảnh minh họa).

Phi công của Thai Airways (ảnh minh họa).

Theo hiệp hội, yêu cầu này đang dẫn đến tình trạng tuyển dụng không công bằng và có thể ảnh hưởng tới an toàn trên các chuyến bay.

Chủ tịch Hiệp hội Phi công Thái Lan Teerawat Angkasakulkiat cho biết: "Giống như bác sĩ, phi công là một nghề đòi hỏi trình độ kỹ năng cao vì liên quan đến tính mạng và sự an toàn của con người.

Chương trình trả tiền để bay là không công bằng đối với những người vốn đã có kỹ năng thực hành, trải nghiệm thực tế, đáp ứng các tiêu chuẩn cao, chỉ có điều không thể tuân thủ yêu cầu nộp tiền. Tệ hơn nữa, nó có thể làm tăng áp lực lên các phi công".

Theo báo Bangkok Post, thu nhập trung bình của một phi công làm việc toàn thời gian tại một hãng hàng không giá rẻ ở Thái Lan hiện đang ở mức thấp hơn nhiều so với năm 2019. Chẳng hạn, một phi công phụ có mức lương không quá 200.000 baht/tháng trong khi mức lương trước đại dịch là khoảng 280.000 baht/tháng.

Do đó, nhiều phi công đã chuyển sang nước ngoài, đầu quân cho các hãng quốc tế có mức lương cạnh tranh hơn. Rất đông phi công Thái Lan đã chuyển đến các nước ở Trung Đông do nơi đây ngành hàng không đang phát triển sôi động kể từ sau đại dịch.

Với những phi công không muốn rời đất nước để làm việc cho các hãng hàng không quốc tế, họ chấp nhận chương trình trả tiền để đảm bảo việc làm trong nước hoặc để tích lũy kinh nghiệm trước khi chuyển sang các hãng khác.

"Sở dĩ nghề phi công là công việc có thu nhập cao bởi công việc này ưu tiên an toàn. Để đảm bảo điều đó, điều quan trọng nhất là tình trạng tinh thần của phi công. Chúng tôi cần làm việc mà không phải chịu căng thẳng về tài chính", ông Teerawat nói.

Tuy nhiên, việc các hãng hàng không Thái Lan tăng cường thực hiện chương trình trả tiền để bay có thể phá hủy nguyên tắc này.

Chủ tịch Hiệp hội Phi công Thái Lan Teerawat Angkasakulkiat chỉ trích Cục Hàng không Dân dụng Thái Lan đã nhận thức được vấn đề này nhưng chưa có bất cứ cơ chế nào để ngăn các hãng hàng không thu tiền từ phi công.

Chủ tịch Hiệp hội Phi công Thái Lan Teerawat Angkasakulkiat cảnh báo, nếu Thái Lan không thay đổi, giúp 1.736 phi công thất nghiệp có việc làm, về lâu dài khoảng 4-5 năm tới, Thái Lan có thể sẽ thiếu phi công vì ngành hàng không đang dần hồi phục, nhu cầu tăng cao.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thai-lan-lo-mat-an-toan-vi-phi-cong-tra-tien-de-duoc-bay-192241007224513803.htm
Zalo