Thải bỏ phương tiện giao thông, hãng xe đề xuất hỗ trợ tài chính cho chủ xe
Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thải bỏ phương tiện giao thông đang được lấy ý kiến.
Xe hết niên hạn hoặc không đảm bảo an toàn phải thải bỏ
Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thải bỏ phương tiện giao thông (TBPTGT), chủ phương tiện giao thông hết niên hạn sử dụng hoặc không bảo đảm quy chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật có trách nhiệm thải bỏ theo hình thức chuyển giao cho cơ sở được phép tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ (trừ trường hợp hoãn trách nhiệm TBPTGT).
Dự thảo cũng nêu rõ, cơ sở được phép tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ bao gồm: Cơ sở tháo dỡ, tái chế, xử lý phương tiện giao thông thải bỏ đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô đã được cấp giấy chứng nhận hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe máy của nhà sản xuất, nhập khẩu do nhà sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế phương tiện giao thông công bố đủ điều kiện tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ.
Sau khi tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ, các cơ sở nêu trên có trách nhiệm chuyển giao cho cơ sở tháo dỡ, tái chế, xử lý phương tiện giao thông thải bỏ đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để tái chế, xử lý theo quy định của pháp luật.
Nhà sản xuất, nhập khẩu chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc công bố các cơ sở tiếp nhận PTGTTB.
Cơ sở được phép tiếp nhận phương tiện giao thông thải bỏ có trách nhiệm thực hiện thủ tục thu hồi đăng ký, biển số đối với phương tiện giao thông thải bỏ với cơ quan có thẩm quyền sau khi được chuyển giao thay cho chủ PTGTTB.
Ngoài hồ sơ đề nghị thu hồi đăng ký, biển số theo quy định của pháp luật, cơ sở được phép tiếp nhận PTGTTB còn phải bổ sung hợp đồng, giấy tờ hợp pháp về chuyển giao phương tiện giao thông thải bỏ để được thu hồi đăng ký, biển số.
Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Công Quyết, Trưởng tiểu ban truyền thông, Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, VAMA cùng Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) đều ủng hộ chủ trương TBPTGT. Hai hiệp hội cũng đã lập dự án và có một số đề xuất với cơ quan quản lý nhà nước.
Đề xuất thực hiện mô hình tái chế bền vững
Cũng theo ông Quyết, cả VAMA và VAMM đều nhất trí đề xuất thực hiện mô hình tái chế bền vững các phương tiện.
Đầu tiên, tập kết các phương tiện bị thải bỏ/ phương tiện cũ tại điểm thu hồi. Sau đó làm tuần tự theo quy trình tại các cơ sở tháo dỡ, phân loại phụ tùng tái sử dụng, vật liệu tái sử dụng, cắt nhỏ và tái chế các vật liệu phi kim, kim loại hoặc sản xuất mới. Áp dụng cách làm này sẽ giúp tiết kiệm được nhiều chi phí và giảm rác thải.
Tuy nhiên, đại diện một nhà sản xuất vẫn lo ngại việc làm sao để có thể khuyến khích hoặc bắt buộc người dân đưa phương tiện giao thông thải bỏ đến đúng điểm tiếp nhận, xử lý theo đúng quy định.
Đại diện VAMA cho biết, cả hai hiệp hội đề xuất, để đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện hiện thu gom tái chế phương tiện thải bỏ cần xây dựng chính sách ưu đãi tạo động lực cho người dân thải bỏ đúng cách, thông qua cung cấp một khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người dân khi phương tiện được thải bỏ tại các cơ sở được ủy quyền; Giảm chi phí trước bạ, phí đăng ký và biển số hoặc hỗ trợ tài chính khi người dân mua xe mới và thải bỏ xe cũ.
Cùng với đó, ban hành các cơ chế ràng buộc trách nhiệm của chủ phương tiện cho đến khi phương tiện được thải bỏ đúng cách. Các nhà sản xuất phải thu hồi được xe thải bỏ thì mới đảm bảo mô hình EPR phương tiện giao thông vận hành hiệu quả.