Thái Bình thông qua 2 đề án lớn về tổ chức hành chính và sáp nhập tỉnh

Ngày 19/4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình tổ chức hội nghị cho ý kiến và biểu quyết thông qua Nghị quyết về hai đề án lớn: sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và phương án sáp nhập Hưng Yên với Thái Bình.

Theo dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, toàn tỉnh Thái Bình sẽ tiến hành sắp xếp 242 đơn vị hành chính cấp xã hiện có, bao gồm 223 xã, 10 phường và 9 thị trấn, thành 65 đơn vị hành chính cấp xã mới, trong đó có 60 xã và 5 phường. Với việc giảm 177 đơn vị, tương đương khoảng 73%, đề án không chỉ góp phần tinh giản đầu mối tổ chức, mà còn hướng tới hiệu quả quản trị cao hơn.

Việc lựa chọn tên gọi và vị trí trụ sở chính cho các đơn vị hành chính mới được thực hiện theo nguyên tắc của Chính phủ và Trung ương, bảo đảm yếu tố gần dân, thuận tiện cho quản lý, có hạ tầng đồng bộ và kết nối liên vùng chặt chẽ.

Ông Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Khắc Thận, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình phát biểu tại hội nghị

Đối với dự thảo Đề án sắp xếp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình, phương án đề xuất là thành lập tỉnh Hưng Yên mới trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 930,20 km2 và dân số 1.474.894 người của tỉnh Hưng Yên với toàn bộ diện tích tự nhiên 1.584,61 km2 và dân số 2.093.049 người của tỉnh Thái Bình.

Tỉnh mới có tổng diện tích tự nhiên 2.514,81 km2 và quy mô dân số gần 3,6 triệu người, với 104 đơn vị hành chính cấp xã. Việc sáp nhập hai địa phương có nhiều điểm tương đồng về vị trí địa lý, văn hóa, truyền thống và định hướng phát triển kinh tế - xã hội sẽ mở ra dư địa lớn trong việc quy hoạch, quản lý thống nhất và khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm là phương án tổ chức bộ máy sau sáp nhập. Theo đó, toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp của hai tỉnh sẽ được giữ nguyên trạng. Việc sắp xếp, bố trí lại nhân sự, biên chế sẽ được thực hiện theo quy định hiện hành, có lộ trình rõ ràng và đảm bảo không gây xáo trộn, tạo tâm lý ổn định cho đội ngũ cán bộ.

Toàn cảnh hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình

Toàn cảnh hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Bình

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Khắc Thận khẳng định việc sắp xếp đơn vị hành chính và sáp nhập tỉnh là yêu cầu khách quan và cấp thiết, nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết số 37-NQ/TW và 18-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Để triển khai thành công các nghị quyết vừa được thông qua, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc đồng bộ, quyết liệt. Các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu cần sâu sát cơ sở, nắm chắc tình hình nhân dân, lắng nghe ý kiến, giải quyết kịp thời những vướng mắc có thể nảy sinh trong quá trình thực hiện. Trong đó, công tác tuyên truyền cần được triển khai hiệu quả, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lấy ý kiến nhân dân, dự kiến tổ chức vào ngày 22/4/2025 phải được tiến hành công khai, minh bạch, dân chủ, đúng quy định pháp luật.

Hồ sơ, đề án sau khi hoàn thiện sẽ được báo cáo Trung ương và trình Chính phủ trước ngày 1/5/2025. Trong suốt quá trình triển khai không được để gián đoạn hoạt động của các cơ quan, đơn vị, phải bảo đảm sự liên tục, ổn định và thông suốt trong điều hành phát triển kinh tế 0- xã hội, chăm lo đời sống người dân.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/thai-binh-thong-qua-2-de-an-lon-ve-to-chuc-hanh-chinh-va-sap-nhap-tinh-d269378.html
Zalo