Thái Bình quyết tâm nâng cao chất lượng dân số
Xác định công tác dân số có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Sở Y tế tỉnh Thái Bình luôn quan tâm sát sao chỉ đạo với việc ban hành kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động, kế hoạch về công tác dân số, nhờ đó chất lượng dân số trong tỉnh từng bước được nâng lên.
Chất lượng dân số từng bước được nâng lên
Với quyết tâm đưa công tác DS-KHHGĐ ngày một nâng lên, từ đầu năm đến nay, trên cơ sở các văn bản của tỉnh mà trọng tâm là Chỉ thị số 22/CT-UBND, ngày 19/9/2024 của UBND tỉnh Thái Bình về việc tăng cường thực hiện công tác dân số trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh Thái Bình, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh tham mưu Sở Y tế ban hành nhiều văn bản triển khai các hoạt động, các chương trình, dự án, đề án như: Chương trình củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; Chương trình Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; Đề án Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển; Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; Chương trình củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số; Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác dân số các cấp và nâng cao năng lực truyền thông, giám sát đánh giá thực hiện chương trình...
Cùng với đó, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức hàng trăm buổi truyền thông, in ấn hàng trăm nghìn tờ rơi, pano.... tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng. Bộ máy tổ chức làm công tác DS-KHHGĐ cơ bản được củng cố, mạng lưới cộng tác viên dân số duy trì.
Việc triển khai đồng bộ các hoạt động trong công tác dân số, góp phần quan trọng thay đổi nhận thức nhận thức của nhân dân, ngày càng có nhiều người kết hôn, sinh con phù hợp với lứa tuổi, sức khỏe, hoàn cảnh kinh tế; tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được khống chế; tuổi thọ bình quân năm 2023 của tỉnh là 75,4 tuổi; chất lượng dân số dần được cải thiện. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi là 8,4%; trên 95% thai phụ được sàng lọc, chẩn đoán trước sinh; hơn 78% trẻ sơ sinh được tầm soát, chẩn đoán sơ sinh. Đã có tới 90% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
Những kết quả trên của công tác dân số đã đóng góp một phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác DS-KHHGĐ còn những tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục: Kết quả giảm sinh tuy có giảm nhưng chưa ổn định; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao, 11 tháng năm 2024 các tỷ số lần lượt là 21,7%, 118,1 trẻ trai/100 trẻ gái. Cơ cấu dân số có sự chuyển dịch từ già hóa dân số sang dân số già(theo hệ thống báo cáo của dân số): số trẻ em từ 0-14 tuổi là 359.195 cháu, chiếm tỷ lệ 17% dân số; số người trong độ tuổi lao động 15-59 là 1.234.645 người, chiếm tỷ lệ 60% dân số; số người cao tuổi cao từ 60 tuổi trở lên là 467.789 người, chiếm tỷ lệ 23% dân số.
Nhân lực làm công tác dân số tại tỉnh mỏng trong khi đó nhiệm vụ tăng thêm; đội ngũ cán bộ dân số cấp xã chưa được vào viên chức dân số thuộc Trạm Y tế các xã, thị trấn; cộng tác viên y tế - dân số thôn/tổ dân phố còn thiếu so với quy định, phụ cấp còn thấp trong khi thực hiện nhiều nhiệm vụ. Nhiều địa phương đội ngũ này có tuổi đời cao nên ít nhiều ảnh hưởng tới hiệu quả công việc. Tư tưởng trọng nam hơn nữ, thích con trai còn khá phổ biến kể cả một số cán bộ đảng viên. Người dân, trong đó có cả lãnh đạo đảng, chính quyền đôi khi chưa có nhận thực đúng đắn, đầy đủ về chủ trương, chính sách của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới.
Các kỹ thuật chuyên môn y tế thực hiện nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số như: Khám sức khỏe trước khi hôn; tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; khám và quản lý sức khỏe người cao tuổi... chưa được bảo hiểm chi trả nên tỷ lệ đối tượng thực hiện còn thấp. Việc cung cấp các dịch vụ KHHGĐ/SKSS cho đối tượng nam nữ trong độ tuổi sinh đẻ còn gặp khó khăn do tỷ lệ không nhỏ nhóm đối tượng này hiện đang làm việc tại các công ty, xí nghiệp...Việc triển khai các dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân, khám và quản lý sức khỏe người cao tuổi... còn nhiều bất cập do thiếu nhân lực chuyên môn, thiếu trang thiết bị và vật tư.
Nguồn lực tài chính cho công tác DS - KHHGĐ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ; đặc biệt là việc triển khai thực hiện các Nghị quyết 21-NQ/TW của Đảng, Nghị quyết 137-NQ/CP của Chính phủ, Kế hoạch số 61 của Tỉnh ủy và các kế hoạch của UBND tỉnh về công tác dân số trong tình hình mới...
Khắc phục hạn chế, đẩy mạnh thành tựu
Thời gian tới Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh Thái Bình tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, tiếp tục tham mưu cho Sở Y tế, BCĐ công tác Dân số và Phát triển tỉnh trình HĐND, UBND tỉnh các văn bản chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ trong tình hình mới. Phối hợp với các ngành thành viên BCĐ công tác Dân số và Phát triển, các đơn vị trong ngành triển khai các hoạt động truyền thông, vận động và cung cấp dịch vụ Dân số/KHHGĐ/SKSS... Tổ chức truyền thông, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật về công tác dân số trong tình hình mới, trong đó tập trung vào tổ chức các sự kiện truyền thông dân số, nói chuyện chuyên đề về dân số.
Đặc biệt, triển khai có hiệu quả hoạt động các chương trình, đề án, dự án thuộc lĩnh vực DS-KHHGĐ; phối hợp với các ban ngành, đoàn thể thực hiện hợp đồng trách nhiệm về công tác dân số; đặc biệt quan tâm đến các đối tượng là công nhân tại các khu công nghiệp, học sinh, sinh viên tại các trường đại học và cao đẳng, trường trung học phổ thông..., các xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao, xã vùng khó khăn, xã ven biển, xã có tỷ số giới tính khi sinh cao, tỷ lệ người cao tuổi cao.
Phối hợp Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức cung cấp các dịch vụ Dân số/KHHGĐ/SKSS: Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp, nói chuyện chuyên đề, tư vấn; cung cấp dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS; triển khai mô hình, đề án.
Với những quyết tâm của đội ngũ cán bộ ngũ làm công tác DS-KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở, hy vọng trong những năm tiếp theo công tác dân số tỉnh ta tiếp tục đạt được nhiều thành tựu, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số, qua đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.
ThS Đặng Văn Hơn
(Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Thái Bình)