Thái Bình - Nam Định nỗ lực hợp tác khởi công dự án cao tốc gần 20 nghìn tỷ đồng
Dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Hiện nay, hai tỉnh Thái Bình - Nam Định đang nỗ lực hợp tác để khởi công Dự án.
Phấn đấu khởi công dự án đúng thời hạn
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc CT.08, đoạn qua tỉnh Nam Định và tỉnh Thái Bình được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP) với 4 làn xe hoàn chỉnh, vận tốc thiết kế 120km/h. Tuyến đường có chiều dài khoảng 60,9km. Điểm đầu dự án tại Km19+300 tại đầu cầu vượt sông Đáy phía Nam Định, thuộc địa bàn xã Nghĩa Thái (huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định); điểm cuối tại khoảng Km80+200 tại nút giao giữa quốc lộ 37 và đường ven biển, thuộc địa bàn xã Thụy Trình (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).
Theo báo cáo, các sở, ngành chức năng của hai tỉnh Thái Bình, Nam Định đã tham mưu hoàn thiện tờ trình trình Hội đồng thẩm định liên ngành, các Bộ, ngành Trung ương rà soát lại Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08) đoạn qua Nam Định và Thái Bình; trong đó, tập trung hoàn thiện các nội dung đã được hội đồng thẩm định liên ngành nêu ra.
Đến nay, các nội dung tiếp thu, giải trình được các sở, ngành của tỉnh cơ bản thống nhất, còn một số nội dung đang tiếp tục hoàn thiện. Về báo cáo đánh giá tác động môi trường, đến nay nhà đầu tư đã nộp Bộ Tài nguyên và Môi trường hồ sơ hoàn thiện chính thức theo ý kiến của hội đồng thẩm định.
Về phía tỉnh Nam Định, lãnh đạo tỉnh khẳng định, tỉnh đang nỗ lực thực hiện tốt các công việc thuộc thẩm quyền của tỉnh, trong đó tập trung phối hợp với tỉnh Thái Bình hoàn thiện các quy trình, thủ tục, nỗ lực cùng với tỉnh Thái Bình sớm khởi công dự án.
Về phía tỉnh Thái Bình, lãnh đạo tỉnh đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý dự án các công trình giao thông tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát toàn diện toàn bộ các nội dung, ý kiến của Hội đồng thẩm định liên ngành, đặc biệt là các nội dung liên quan đến chi phí, tổng mức đầu tư, hạ tầng kỹ thuật, nút giao... trước khi trình phê duyệt dự án.
Hai tỉnh tập trung triển khai thực hiện các công việc với quyết tâm cao nhất theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ Tướng Phạm Minh Chính “Chỉ bàn làm không bàn lùi”, kịp thời bám sát thực tiễn, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án để có thể khởi công đúng thời hạn.
Kỳ vọng hoàn thiện hành lang đường bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc CT.08 đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình dự kiến thực hiện từ 2023 - 2027 với tổng mức đầu tư 19.784,55 tỷ đồng..
Mục tiêu Dự án nhằm từng bước hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kết nối đường bộ cao tốc các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đến TP Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh.
Dự án cũng sẽ tạo động lực phát triển các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ; làm cơ sở để thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại và dịch vụ; đáp ứng kịp thời khi có sự cố thiên tai, biến đổi khí hậu trong khu vực; tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh.
Dự án khi đưa vào sử dụng được kỳ vọng sẽ góp phần tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô.
Tuyến đường cao tốc CT.08 hoàn thành sẽ kết nối với hệ thống các tuyến tốc trong khu vực như: tuyến cao tốc Bắc Nam, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; các tuyến Quốc lộ: 10, 1A, 21, 37, 39, tuyến đường bộ ven biển, các trục phát triển kinh tế của các tỉnh như: Trục phát triển kinh tế tỉnh Nam Định, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần, tuyến đường Thái Bình - Cồn Vành; kết nối với cảng hàng không quốc tế Cát Bi, Sân bay quốc tế Vân Đồn, các cảng biển và cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Với tính chất vai trò là đường liên vùng, việc đầu tư đưa vào khai thác đồng bộ tuyến đường cao tốc CT.08 sẽ hoàn thiện hành lang vận tải đường bộ của tam giác tăng trưởng kinh tế cho Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình; góp phần tăng khả năng kết nối giao thông với các tuyến đường bộ trong khu vực, giữa các địa phương của Vùng duyên hải Bắc Bộ./.