Thách thức với nỗ lực cứu vãn lệnh ngừng bắn ở Gaza

Các nhà trung gian Arab đang nỗ lực cứu vãn lệnh ngừng bắn tại Gaza khi quân đội Israel tăng cường triển khai quân đội và xe tăng đến khu vực xung quanh dải đất này, trước lo ngại lệnh ngừng bắn sẽ bị phá vỡ vào cuối tuần này.

Người tị nạn Palestine trở về nhà tại Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Người tị nạn Palestine trở về nhà tại Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Theo trang The Guardian (Anh), hôm 12/2 một phái đoàn Hamas đã đến Cairo để thảo luận về cách chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện tại. Trong khi đó, các nhà trung gian Ai Cập và Qatar đang tích cực làm việc để buộc Israel đáp ứng các yêu cầu mới của Hamas trước khi ba con tin Israel được trả tự do theo dự kiến vào ngày 15/2 tới, đài truyền hình nhà nước al-Qahera của Ai Cập đưa tin.

Ông Mahmoud Mardawi, quan chức cấp cao của Hamas, cho biết có những tín hiệu tích cực rằng việc trao trả con tin sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Hamas chưa nhận được cam kết chính thức từ Israel về việc thực hiện đầy đủ các điều khoản của thỏa thuận, đặc biệt là về vấn đề nhân đạo. Hiện chính quyền Israel chưa bình luận về thông tin trên.

Tương lai của thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 3 tuần đã bị đe dọa vào ngày 10/2, khi cánh vũ trang của Hamas tuyên bố sẽ hoãn việc thả nhóm tù nhân tiếp theo. Hamas cáo buộc Israel đã vi phạm lệnh ngừng bắn, bao gồm các hành động giết hại người Palestine, chặn viện trợ, và sự chậm trễ trong việc cho phép những người phải di dời trở về phía Bắc Dải Gaza.

Hamas cho biết họ đã công khai lập trường của mình sớm để các bên trung gian có đủ thời gian gây sức ép buộc Israel tuân thủ thỏa thuận trước khi thực hiện việc trao đổi tù binh vào cuối tuần.

Israel phủ nhận các cáo buộc của Hamas, nhưng nhận trách nhiệm về một cuộc không kích ở Rafah vào ngày 12/2 khiến hai người thiệt mạng, mà theo Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), họ đã sử dụng thiết bị bay không người lái.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Washington, D.C., ngày 4/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Washington, D.C., ngày 4/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Giới chuyên gia cho rằng, tuyên bố bất ngờ của Tổng thống Donald Trump tuần trước về việc Mỹ sẽ “tiếp quản” và “phát triển” Dải Gaza dường như là trọng tâm trong quyết định của Hamas, mặc dù họ không trực tiếp đề cập đến điều này trong tuyên bố của mình. Một số nguồn tin cho biết phong trào này không còn tin vào sự đảm bảo ngừng bắn của Washington và không nghĩ Israel nghiêm túc trong việc thực hiện thỏa thuận.

Cuộc khủng hoảng leo thang mạnh mẽ sau khi ông Trump đe dọa sẽ “địa ngục sẽ mở ra”, nếu Hamas không thả tất cả các con tin Israel theo đúng kế hoạch.

Sau cuộc họp nội các kéo dài hôm 11/2, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu, dường như vẫn giữ nguyên lựa chọn tiếp tục lệnh ngừng bắn, dù tuyên bố từ văn phòng của ông không rõ ràng ủng hộ yêu cầu của ông Trump về việc thả tất cả 76 con tin còn lại vào cuối tuần này.

Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz, cho biết: “Nếu Hamas không thả các con tin Israel vào ngày Shabbat, cánh cổng địa ngục sẽ mở ra với họ, giống như lời cam kết của Tổng thống Mỹ. Cuộc chiến mới ở Gaza sẽ khác về cường độ so với trước khi ngừng bắn - và sẽ không kết thúc cho đến khi Hamas bị đánh bại và tất cả các con tin được trả tự do”.

Phát ngôn viên của phong trào Hamas, ông Hazem Qassem, cùng ngày tuyên bố rằng Israel đang né tránh việc thực hiện một số điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn. Ông đồng thời khăng định lập trường của phong trào này rằng các con tin chỉ có thể được thả thông qua các biện pháp ngoại giao.

“Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng và chúng tôi sẽ không chấp nhận những lời lẽ đe dọa của Mỹ và Israel”, ông cho hay.

Trước đó, các cuộc đàm phán về giai đoạn thứ hai của lệnh ngừng bắn, dự kiến bắt đầu vào đầu tháng 3, đã diễn ra vào tuần trước. Song phái đoàn Israel do Thủ tướng Netanyahu cử đến Qatar không được giao nhiệm vụ thảo luận về các vấn đề liên quan đến giai đoạn 2 và đã trở về vào đêm ngày 9/2.

Một nguồn tin ngoại giao Palestine nói rằng các nhà trung gian Ai Cập và Qatar đang cố gắng thuyết phục Israel đáp ứng các yêu cầu mà Hamas đưa ra - bao gồm thực hiện các vấn đề liên quan tới nhân đạo và bắt đầu đàm phán cho giai đoạn thứ hai.

Người tị nạn Palestine trở về nhà tại miền Bắc Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Người tị nạn Palestine trở về nhà tại miền Bắc Dải Gaza. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã thúc giục Hamas tiến hành việc trả tự do các con tin theo kế hoạch và tránh tiếp tục các hành động thù địch ở Gaza bằng mọi giá.

Giai đoạn đầu tiên của lệnh ngừng bắn, trong đó các tù nhân Israel được thả theo từng đợt để đổi lấy người Palestine đang bị Israel giam giữ, đã trở nên căng thẳng hơn khi cả hai bên cáo buộc nhau kia vi phạm thỏa thuận.

Việc thả ba con tin gầy gò vào tuần trước đã gây ra làn sóng phẫn nộ ở Israel và nhiều nơi khác. Theo Bộ Y tế Gaza, hỏa lực của Israel đã giết chết ít nhất 92 người Palestine và làm bị thương hơn 800 người kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực từ ngày 19/1.

Trong khi đó, ông Trump đã tăng cường đề xuất xây dựng “Riviera của Trung Đông” tại Gaza và di dời 2,3 triệu người dân Gaza đến Ai Cập và Jordan. Các quốc gia Arab đã ngay lập tức bác bỏ ý tưởng này, cho rằng nó có thể gây mất ổn định khu vực và đe dọa các hiệp ước hòa bình giữa Israel với Ai Cập và Jordan.

Ngày 11/2, Quốc vương Abdullah II của Jordan đã gặp ông Trump tại Nhà Trắng và tái khẳng định lập trường của Jordan phản đối việc di dời người Palestine. Vào ngày 12/2, Ai Cập cho biết sẽ trình bày một kế hoạch thay thế được các quốc gia Arab ủng hộ để tái thiết lãnh thổ Palestine, đảm bảo rằng cư dân Gaza sẽ ở lại trên lãnh thổ của họ.

Lệnh ngừng bắn đã chấm dứt 15 tháng giao tranh ở Gaza, khiến khoảng 48.000 người Palestine thiệt mạng và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo tàn khốc. Cuộc chiến bắt đầu sau cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào ngày 7/10/2023, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng và 250 người khác bị bắt làm con tin.

Có thể thấy rằng nỗ lực cứu vãn lệnh ngừng bắn ở Gaza của các nhà đàm phán Arab là một hành động đầy thách thức trong bối cảnh căng thẳng gia tăng và những vi phạm nghiêm trọng từ cả hai phía. Mặc dù có tín hiệu tích cực từ Hamas và các bên trung gian như Ai Cập và Qatar, nhưng những yêu cầu chưa được Israel đáp ứng và các hành động quân sự liên tiếp từ cả hai bên khiến tình hình trở nên khó lường.

Tuy nhiên, sự kiên trì của các nhà đàm phán Arab thể hiện cam kết mạnh mẽ nhằm ngăn chặn một cuộc chiến mới và bảo vệ quyền lợi của người dân Gaza, đồng thời duy trì sự ổn định trong khu vực. Bất chấp những khó khăn, nỗ lực này không chỉ là để cứu vãn lệnh ngừng bắn mà còn là cơ hội để tái khởi động các cuộc đàm phán, thúc đẩy các giải pháp hòa bình lâu dài, và giảm thiểu thiệt hại nhân đạo.

Hải Vân/BáoTin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/thach-thuc-voi-no-luc-cuu-van-lenh-ngung-ban-o-gaza-20250213094814039.htm
Zalo