Thách thức từ quá trình chuyển đổi năng lượng của Đức
Bài viết trên báo Die Welt nhận định mục tiêu trung hòa khí hậu vào năm 2045 của Đức, như đã nêu trong Luật cơ bản (Hiến pháp của Đức), đang gặp nhiều khó khăn.

Công nhân làm việc tại một công trường ở Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngoài ra, áp lực thời gian để đạt các mục tiêu đó lại đang tác động tiêu cực đến sức mạnh kinh tế và sự thịnh vượng của nước Đức.
* Mục tiêu không tưởng
Quá trình chuyển đổi nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và lớn nhất châu Âu thành một quốc gia bền vững dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 20 năm tới. Điều này không chỉ được nêu trong các luật liên bang mà còn được ghi nhận trong bản Hiến pháp sửa đổi ngày 25/3 vừa qua. Tuy vậy, hiện tại tỷ trọng dầu mỏ, than đá và khí đốt tự nhiên trong tổng nguồn năng lượng sơ cấp tiêu thụ ở Đức là 77,3%. Với việc Đức đặt mục tiêu phát thải bằng 0 vào năm 2045, thời gian đưa mức sử dụng 77,3% năng lượng hóa thạch về 0 chỉ là 20 năm. Liệu nước Đức có có thể làm được điều này?
Ngoài ra còn cần có các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghiệp có khả năng điều chỉnh hoạt động sản xuất theo sự thay đổi của thời tiết. Và cần một "hệ sinh thái" của những người tiêu dùng cá nhân, từ các sản phẩm như ô tô điện đến máy bơm nhiệt, có thể ứng phó với bất kỳ dạng thời tiết nào, từ u ám không có nắng và gió (thiếu hụt điện Mặt trời và điện gió) đến quá nhiều nắng và gió (dư thừa điện xanh).
Hầu hết các mục tiêu trước mắt đều không như mong đợi. Hiện tại, ở Đức chỉ có việc mở rộng năng lượng Mặt trời là đang đi đúng hướng. Đến năm 2030, công suất năng lượng Mặt trời có thể tăng gấp đôi theo đúng yêu cầu của đạo luật về năng lượng tái tạo. Năng lượng gió trên bờ cũng có thể thực hiện điều này. Nhưng các mục tiêu khác hầu như không đạt được. Ví dụ, theo kế hoạch của Chính phủ Đức, gần 40 nhà máy điện chạy bằng khí đốt mới có công suất 500 megawatt sẽ phải được xây dựng trong 5 năm tới.
Các chuyên gia cho rằng việc xây dựng một số lượng lớn nhà máy điện trong thời gian ngắn như vậy là điều không thể. Về hệ thống mạng lưới truyền tải điện, trong tổng số 16.808 km đường dây điện mới cần được xây dựng, đến cuối năm ngoái chỉ hoàn thành được 3.085 km, chưa đạt 1/5 kế hoạch. Cơ quan Kiểm toán liên bang cho biết việc mở rộng mạng lưới điện đang chậm hơn 7 năm và 6.000 km so với kế hoạch.
Quá trình chuyển đổi năng lượng cũng đòi hỏi một lượng lớn hydro. Liên minh "Đèn giao thông" đã đặt mục tiêu xây dựng các nhà máy điện phân nước có công suất 10.000 megawatt để sản xuất hydro vào năm 2030. Tuy nhiên cho đến nay, các nhà máy đã đi vào hoạt động mới chỉ đạt công suất 66 megawatt, quá nhỏ so với mục tiêu đề ra. Trong vòng 5 năm tới, công suất các nhà máy điện phân nước mới sẽ phải tăng gấp 150 lần.
Về nguồn kinh phí đầu tư, các nhà phân tích ước tính quá trình chuyển đổi năng lượng của Đức sẽ cần khoản đầu tư khổng lồ 1.100 tỷ euro trong 10 năm tới. Cho đến nay chưa rõ ai sẽ là người cung cấp tiền, ai sẽ nhận được khoản tiền hoàn lại nào và gánh nặng xã hội nào sẽ cần phải được bù đắp.