Thách thức trong phát huy giá trị kinh tế từ tài nguyên văn hóa
Dựa trên lợi thế, tiềm năng di sản văn hóa to lớn, ngành văn hóa, du lịch từng bước phát huy thế mạnh này để phát triển du lịch, mang về nguồn thu đáng kể, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng, đất nước. Phát huy giá này ra sao cũng là một trong những vấn đề được các chuyên gia, đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên chất vấn tư lệnh ngành văn hóa ngày 21/8.
Đánh thức tài nguyên văn hóa…
Là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của cả nước và là điểm đến hấp dẫn với du khách quốc tế, Thủ đô Hà Nội ngày càng chú trọng phát triển du lịch, trong đó, du lịch văn hóa tiếp tục khẳng định dấu ấn đậm nét.
Thời gian qua, thành phố đã tập trung chỉ đạo phát triển các tuyến du lịch thu hút du khách hiệu quả, gồm: khu di sản Hoàng thành Thăng Long gắn với khu Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Văn Miếu - Quốc Tử Giám là chuỗi sản phẩm quan trọng của Thủ đô Hà Nội, thực hiện kết nối chuỗi địa điểm trên với các di tích Thăng Long tứ trấn, khu vực hồ Tây, đặc biệt là khu vực phố cổ, phố cũ, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; Chú trọng khai thác loại hình du lịch nghệ thuật gắn với di sản…
Theo Sở Du lịch Hà Nội, trên cơ sở tiềm năng lợi thế sẵn có, ngành Du lịch Hà Nội đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp có hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố.
Đây là minh chứng rất rõ cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của văn hóa trong phát triển kinh tế, cụ thể là qua du lịch mà ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) và các địa phương đang hướng đến hiện nay.
Năm 2016, chỉ riêng các di sản thế giới ở Việt Nam đã đón 14,3 triệu khách, doanh thu khoảng 1.776 tỷ đồng; năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19) tăng lên khoảng 18,2 triệu khách, doanh thu khoảng 2.322 tỷ đồng
Theo Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL), Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng, lợi thế trong xây dựng, phát triển các sản phẩm và dịch vụ du lịch văn hóa với hơn 40.000 di tích, trong đó có hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, hơn 3.600 di tích quốc gia, 128 di tích quốc gia đặc biệt, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh...
Trên cơ sở khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa, nhiều địa phương trên cả nước đã và đang hình thành, phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa khá đa dạng, như tuyến du lịch kết nối di sản thế giới, tuyến du lịch di sản miền Trung, festival Huế, festival biển Nha Trang, lễ hội carnaval biển Hạ Long, festival hoa Đà Lạt; các chương trình nghệ thuật đặc sắc, như “Ký ức Hội An”, “Tinh hoa Bắc Bộ”... Bên cạnh đó, các tuyến du lịch làng nghề thời gian qua cũng là sự lựa chọn hàng đầu đối với khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển xã hội. Sự thống nhất trong đa dạng văn hóa Việt Nam với những giá trị đặc sắc đã và đang trở thành nguồn lực vô tận để phát triển du lịch.
Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn
Theo Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh, du lịch Việt Nam được đánh giá cao với nhiều giải thưởng quốc tế. Trong đó, Việt Nam liên tiếp nhận danh hiệu “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á”, “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á”...
Đặc biệt, danh hiệu “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” do Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới bình chọn trao cho Việt Nam mới đây chính là minh chứng sống động cho việc phát huy giá trị của di sản trong phát triển du lịch, khẳng định đóng góp tích cực, hiệu quả của văn hóa trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế cho cộng đồng nơi có di sản, thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Yêu cầu về phát triển bền vững…
Bên cạnh những kết quả tích cực, các chuyên gia cho rằng, phát triển du lịch ở nước ta thời gian qua đã và đang đặt ra thách thức không nhỏ trong việc cân bằng với việc bảo tồn giá trị di sản văn hóa truyền thống.
Có thể thấy, hoạt động du lịch, một mặt, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng; mặt khác, cũng có nguy cơ làm thay đổi bản sắc văn hóa và lối sống truyền thống của cộng đồng nếu người làm du lịch không có cái nhìn hài hòa, có trách nhiệm trong vấn đề này.
“Những thách thức đặt ra đối với cơ quan làm công tác quản lý về văn hóa, du lịch, đòi hỏi phải có cách ứng xử phù hợp để không làm giảm cơ hội cho du lịch, nhưng cũng giúp bảo tồn bền vững giá trị văn hóa cộng đồng” - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam Nguyễn Thị Thu Phương cho biết.
Đây cũng là vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ngày 21/8.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về các giải pháp để phát triển du lịch bền vững mà vẫn bảo tồn được bản sắc văn hóa dân tộc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, lĩnh vực du lịch và văn hóa có mối quan hệ tương hỗ với nhau.
“Du lịch phát triển để hỗ trợ cho văn hóa, văn hóa phát triển sẽ làm du lịch thăng hoa” - Bộ trưởng cho biết.
Theo đó, trong chiến lược phát triển du lịch và chiến lược phát triển văn hóa đều lưu ý đến việc phát triển sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa.
Trong mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch thì chúng ta phát huy giá trị văn hóa để phát triển du lịch chứ không phải khai thác văn hóa. Đây là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng nêu những ví dụ cụ thể về các địa phương đã làm tốt việc phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh về văn hóa như tỉnh Hòa Bình hay tỉnh Điện Biên, đã kết hợp giữa 2 lĩnh vực này để tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, đồng thời vẫn giữ được bản sắc, văn hóa cộng đồng của địa phương.
“Các địa phương nên phát huy cách làm sáng tạo để tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo và riêng biệt, có bản sắc. Đây là vấn đề của địa phương, Bộ VHTTDL không thể làm thay” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, khi đề cập đến cách làm cụ thể, dựa trên đặc thù, thế mạnh của địa phương.
Dẫn chứng Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các chuyên gia cho rằng, Nghị quyết đề ra 5 quan điểm chỉ đạo, trong đó có quan điểm: Phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Từ đó, các chuyên gia cho rằng, phát triển du lịch không vì mục tiêu kinh tế mà làm phương hại đến bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa của dân tộc. Điều này đòi hỏi các địa phương cần sáng tạo lựa chọn cách làm riêng, như Hà Nội gắn với di tích, di sản, hay một số địa phương vùng cao như Hà Giang, Lào Cai với không gian chợ phiên vùng cao, lễ hội dân gian hay các bản làng văn hóa dân tộc… đang khá thành công trong việc phát triển du lịch bền vững, văn hóa cộng đồng.