Thách thức trong lĩnh vực kinh tế cho tổng thống Mỹ tiếp theo
Một loạt tin tức kinh tế khả quan trong tuần qua có thể tạo ra nhiệm vụ khó khăn cho bất kỳ ứng viên nào trở thành tổng thống Mỹ tiếp theo, đó là không phá hỏng nó.
Trước thềm Ngày Bầu cử 5/11, lạm phát dự kiến sẽ giảm hơn nữa so với mức đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, khu vực tư nhân Mỹ tạo thêm 233.000 việc làm trong tháng 10 vượt ước tính, dữ liệu giao dịch nhà đang chờ hoàn tất tăng lên, tâm lý người tiêu dùng theo hướng lạc quan và tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đang tăng nhanh, mặc dù hơi thấp hơn một số kỳ vọng. Ngoài ra, Chỉ số S&P 500 đã tăng hơn 50% kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng 1/2021 và tăng 24% tính riêng trong năm nay.
Ngày 29/10, phát biểu tại một sự kiện ở cảng Baltimore, Tổng thống Biden chia sẻ: “Còn nhớ lúc trước chúng ta sắp suy thoái kinh tế và đủ thứ chuyện không? Đoán xem? Giờ chúng ta có nền kinh tế mạnh nhất thế giới đấy”.
Theo kênh CNBC (Mỹ), cả Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump đều tự coi bản thân là người quản lý tốt nhất cho sức khỏe tương lai của nền kinh tế Mỹ. Song song đó, cả hai ứng cử viên đều đang cố gắng thể hiện mình như những người muốn thay đổi hiện trạng, bởi họ nhận ra rằng cử tri vẫn chưa hài lòng với tình hình kinh tế, cho dù các số liệu vĩ mô đang rất tốt.
Có 44% người trưởng thành Mỹ tham gia khảo sát của YouGov vào tháng 10 đã trả lời rằng họ tin có khả năng xảy ra “sụp đổ kinh tế toàn diện”. Cuộc thăm dò đã khảo sát 1.113 công dân trưởng thành của Mỹ từ ngày 17/10 đến ngày 19/10 và có biên độ sai số là cộng/trừ 3,8 điểm phần trăm.
Tâm trạng bi quan về kinh tế trong cử tri khiến cả ứng cử viên đảng Cộng hòa Trump và đối thủ đảng Dân chủ Harris đưa ra một loạt đề xuất chính sách hứa hẹn tương lai kinh tế mới cho người Mỹ.
Ông Trump cam kết áp dụng thuế quan phổ quát đối với tất cả hàng nhập khẩu từ mọi quốc gia, trục xuất người nhập cư, cắt giảm thuế doanh nghiệp sâu hơn và nhiều biện pháp khác. Các nhà kinh tế học lưu ý rằng các biện pháp áp dụng thuế quan phổ quát, trục xuất người nhập cư hàng loạt và cắt giảm thuế mà ông Trump đề xuất có thể gây ra cú sốc lớn cho nền kinh tế.
Trong khi đó, Phó Tổng thống Harris muốn tăng thuế doanh nghiệp, ban hành lệnh cấm liên bang đối với hành vi “thổi giá” trong lĩnh vực tạp hóa, trợ cấp và tín dụng thuế cho phát triển nhà ở, chăm sóc trẻ em... Tuy nhiên, các nhà kinh tế học không ủng hộ lệnh cấm thổi giá và kế hoạch tăng thuế đối với các tập đoàn.
Giáo sư Justin Wolfers tại Đại học Michigan cho rằng nền kinh tế ổn định sẽ là cơ hội để tổng thống tiếp theo thực sự tập trung vào các chính sách mà họ đã vận động tranh cử.
Ngược lại, cả cựu Tổng thống Barack Obama và ông Biden đều nhậm chức vào thời điểm mà việc ổn định nền kinh tế phải được ưu tiên. Giáo sư Wolfers phân tích: “Những gì họ phải hành động là dập tắt ngọn lửa suy thoái thay vì theo đuổi các chương trình của họ. Nếu bạn đang ở giữa thời kỳ suy thoái, cho dù bạn là đảng viên Dân chủ hay Cộng hòa, bạn chỉ có một nhiệm vụ: Giải quyết suy thoái”.
Và thực tế kinh tế hiện tại khiến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024 mang tính quyết định hơn. Vị tổng thống Mỹ tiếp theo sẽ cần thực hiện các cam kết cải tổ nền kinh tế mà không làm chệch hướng quỹ đạo tăng trưởng kinh tế hiện tại.
Nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody ngày 30/10 đăng trên mạng xã hội X: “Thật khó để thấy nền kinh tế có thể hoạt động tốt hơn. Tất nhiên, nhiều người Mỹ có thu nhập thấp và trung bình chưa được hưởng lợi như họ nên có. Thay đổi điều này là điều mà tổng thống và Quốc hội sắp tới cần tập trung”.