Thách thức tài khóa đè nặng lên triển vọng phục hồi kinh tế Nhật Bản
Trước áp lực nợ công kỷ lục và lãi suất tăng cao, Nhật Bản đang tính đến việc giảm phát hành trái phiếu kỳ hạn dài để ổn định thị trường. Kế hoạch xem xét giảm phát hành trái phiếu kỳ hạn dài được xem là biện pháp phản ứng ngắn hạn, không đủ để giải quyết những rủi ro về tài chính công

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Ảnh: Bank of Japan
Kinh tế Nhật Bản đang bộc lộ nhiều dấu hiệu suy yếu trong năm 2025. Theo Văn phòng Nội các, GDP quý I chỉ tăng 0,7%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. Trong khi đó, tiêu dùng hộ gia đình, chiếm hơn một nửa quy mô nền kinh tế đã giảm ba quý liên tiếp, phản ánh sự suy giảm sức mua trong dân cư.
Xuất khẩu, vốn là động lực chính của nền kinh tế, cũng chịu ảnh hưởng từ tăng trưởng toàn cầu chậm lại và các biện pháp thuế mới từ Mỹ. Lạm phát lõi tháng 4 ghi nhận ở mức 3,5%, với giá thực phẩm tăng hơn 7% so với cùng kỳ, gây áp lực trực tiếp lên đời sống người dân. Đồng Yên trượt giá khiến chi phí nhập khẩu tăng, kéo theo làn sóng tăng giá đầu vào. Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp nhỏ buộc phải cắt giảm kế hoạch đầu tư, còn người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu.
Theo các nguồn tin, Bộ Tài chính Nhật Bản đang cân nhắc điều chỉnh cơ cấu phát hành trái phiếu cho năm tài khóa 2025, bao gồm khả năng cắt giảm lượng trái phiếu chính phủ có kỳ hạn dài 20, 30 hoặc 40 năm. Động thái này nhằm đối phó với việc lãi suất nhóm trái phiếu này tăng mạnh do nhu cầu từ các nhà đầu tư dài hạn như công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí suy giảm. Quyết định cuối cùng dự kiến được đưa ra vào tháng 6 sau khi tham vấn thị trường.
Ngay sau khi thông tin này được lan truyền, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm của Nhật Bản đã giảm 12,5 điểm cơ bản xuống còn 2,91%, trong khi trái phiếu kỳ hạn 40 năm cũng giảm 24 điểm về mức 3,295%. Đồng Yên trượt giá so với đô la Mỹ, và thị trường trái phiếu toàn cầu ghi nhận phản ứng dây chuyền – đặc biệt là lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn dài cũng sụt giảm.
Tổng nợ công của Nhật Bản hiện đã vượt mốc 260% GDP, mức cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Trong khi đó, nhu cầu trái phiếu kỳ hạn dài ngày càng yếu do sự dịch chuyển trong danh mục đầu tư và tâm lý lo ngại về rủi ro. Giới phân tích quốc tế cảnh báo rằng biến động tại thị trường trái phiếu Nhật Bản, vốn là một trong những thị trường lớn và thanh khoản cao có thể gây ảnh hưởng lan tỏa tới hệ thống tài chính toàn cầu.
“Thị trường đang kỳ vọng Bộ Tài chính Nhật Bản sẽ hành động để giảm bớt tình trạng mất cân đối cung - cầu ở kỳ hạn dài. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp ngắn hạn”, một chiến lược gia tại một ngân hàng đầu tư lớn nhận định. Một số ý kiến cho rằng nếu giảm phát hành ở nhóm kỳ hạn 20–40 năm, chính phủ sẽ phải tăng cường phát hành trái phiếu ngắn hạn để bù đắp, qua đó làm thay đổi cấu trúc rủi ro của danh mục nợ.
Trong khi Bộ Tài chính tạm thời xử lý phần ngọn, thì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) lại đang phải giải bài toán phức tạp hơn: làm sao duy trì ổn định lãi suất trong bối cảnh lạm phát vẫn cao, đồng thời tránh đẩy nền kinh tế vào suy thoái khi chính sách thuế quan của Mỹ và giá cả tiêu dùng tăng gây áp lực lên sức mua trong nước.
BOJ đã nâng lãi suất vào tháng 3 sau gần hai thập kỷ giữ mức gần 0%, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có động thái mới. Giới quan sát cho rằng BOJ sẽ duy trì sự thận trọng, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát lõi tháng 4 đạt 3,5%, chủ yếu do giá thực phẩm tăng.
Đáng chú ý, các ngân hàng Trung ương lớn đang theo dõi sát diễn biến tại Nhật Bản. Tại hội nghị chính sách tiền tệ toàn cầu tổ chức ở Tokyo tuần này, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng bất ổn chính sách từ phía Mỹ, bao gồm cả các mức thuế mới và chiến lược thương mại khó đoán đang khiến các ngân hàng trung ương như BOJ bị đặt vào tình thế khó khăn khi phải cân bằng giữa mục tiêu kiềm chế lạm phát và duy trì tăng trưởng.
Mặc dù thị trường phản ứng tích cực trước tín hiệu điều chỉnh phát hành nợ, nhiều chuyên gia cảnh báo Nhật Bản cần một chiến lược tài khóa rõ ràng và có tính hệ thống. “Các gói hỗ trợ tạm thời hay biện pháp kỹ thuật như thay đổi kỳ hạn trái phiếu không đủ để làm dịu lo ngại của thị trường quốc tế. Điều quan trọng là cam kết cải cách dài hạn, từ chi tiêu công đến cấu trúc thuế,” một chuyên gia kinh tế tại Washington nhấn mạnh.