Thách thức sau thỏa thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine

Thỏa thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine được kỳ vọng mở ra kỷ nguyên hợp tác chiến lược, nhưng xung đột, rủi ro và thiếu hạ tầng đang biến cơ hội thành thách thức lớn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Washington ngày 28/2/2025. Ảnh: AP/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại cuộc gặp ở Washington ngày 28/2/2025. Ảnh: AP/TTXVN

Theo Wall Street Journal ngày 1/5, Mỹ và Ukraine đã ký kết thỏa thuận khoáng sản được kỳ vọng mang lại lợi ích chiến lược cho cả hai quốc gia, nhưng con đường đến khai thác thực tế còn nhiều trở ngại khó lường.

Tiềm năng khổng lồ từ Ukraine

Ukraine sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng với giá trị ước tính lên đến hàng nghìn tỷ USD. Nước này có trữ lượng ít nhất 20 trong số 50 loại khoáng sản mà Mỹ coi là quan trọng, bao gồm lithium, than chì, titan, uranium và các nguyên tố đất hiếm - nhóm 17 nguyên tố thiết yếu cho công nghệ hiện đại từ điện thoại di động đến trang thiết bị quốc phòng.

Trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra năm 2022, Ukraine đã sản xuất khoảng 6% titan của thế giới, một kim loại chiến lược được sử dụng trong chế tạo tên lửa, máy bay và tàu hải quân, theo số liệu từ Trường Kinh tế Kiev. Bên cạnh đó, Ukraine cũng sở hữu khoảng 3% trữ lượng lithium toàn cầu, một nguyên tố được Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ đánh giá là "quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia Mỹ", với nhu cầu dự kiến tăng mạnh trong thập kỷ tới.

Giấc mơ khoáng sản và thực tế phũ phàng

Mặc dù tiềm năng to lớn, quá trình khai thác khoáng sản tại Ukraine phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Roman Opimakh, cựu Tổng Giám đốc Cơ quan Khảo sát Địa chất Ukraine, chỉ ra rằng phần lớn thông tin về vị trí các mỏ khoáng sản dựa trên các nghiên cứu từ thời Liên Xô và nhiều mỏ chưa từng được khai thác.

"Có cảm giác như có ai đó đang muốn cầm xẻng và bắt đầu đào tiền từ lòng đất vậy", Denys Aloshyn, Giám đốc chiến lược của UkrLithiumMining, công ty đang phát triển mỏ lithium đầu tiên của Ukraine tại khu vực Kirovohrad ở miền Trung nước này, mô tả về những kỳ vọng không thực tế. Ông nhấn mạnh rằng để các mỏ hoạt động thương mại được, chủ sở hữu phải tiến hành một loạt nghiên cứu kỹ lưỡng và đầu tư lớn.

Kể từ năm 2017, công ty của ông Aloshyn đã chi hơn 20 triệu USD để xin giấy phép và tiến hành nghiên cứu. Tuy nhiên, ông ước tính cần thêm ít nhất 350 triệu USD để hoàn thành nghiên cứu cuối cùng và xây dựng cơ sở hạ tầng khai thác, chế biến đá - trong đó lithium chỉ chiếm một phần nhỏ.
"Tôi không ảo tưởng rằng điều đó sẽ xảy ra trước khi xung đột kết thúc, hoặc trước khi có những đảm bảo an ninh thực sự vững chắc", ông Aloshyn thừa nhận.

Về phần mình, George Ingall, nhà phân tích giá tại Benchmark Minerals Intelligence, cho rằng khoảng 20% đến 40% trữ lượng khoáng sản quan trọng của Ukraine hiện nằm trong khu vực do Nga kiểm soát. Hai trong bốn mỏ lithium đã được phát hiện của Ukraine nằm dưới sự kiểm soát của Nga, và tình hình tương tự cũng xảy ra với gần một nửa trữ lượng đất hiếm của nước này.

"Nếu giao tranh kết thúc vào ngày mai, lithium sẽ là ưu tiên hàng đầu", chuyên gia Ingall nhận định, đồng thời lưu ý rằng hai dự án lithium giai đoạn đầu đã được tiến hành, trong đó một dự án nằm trong vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát.

Nga dường như nhận thức rõ về giá trị chiến lược của các mỏ khoáng sản này. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã công khai sử dụng các mỏ khoáng sản như lý do để Moskva không rút quân khỏi các vùng chiếm đóng: "Chúng tôi có nên để lại kim loại đất hiếm ở đó và rời đi hay không?"

Một mỏ khoáng sản ở Kirovohrad, Ukraine. Ảnh: AP/TTXVN

Một mỏ khoáng sản ở Kirovohrad, Ukraine. Ảnh: AP/TTXVN

Thỏa thuận Mỹ-Ukraine: Động lực và kỳ vọng

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ca ngợi thỏa thuận khoáng sản như một bước tiến quan trọng hướng tới việc kết thúc đàm phán cho cuộc chiến và khởi đầu cho quá trình tái thiết Ukraine. Đáng chú ý, trong các cuộc đàm phán, chính quyền Trump đã từ bỏ yêu cầu thu hồi hàng tỷ USD viện trợ quân sự trước đây.

Trọng tâm của thỏa thuận là thành lập Quỹ đầu tư tái thiết Mỹ - Ukraine, do cả hai nước đóng góp và giám sát. Thỏa thuận này đảm bảo Mỹ và các đồng minh sẽ đóng vai trò dẫn đầu trong các hoạt động tái thiết.

Chính quyền Trump cũng coi thỏa thuận này như một phương tiện cung cấp an ninh cho Ukraine trước nguy cơ bị tấn công trong tương lai. Các quan chức Mỹ lập luận rằng sự hiện diện của doanh nghiệp Mỹ tại Ukraine sẽ làm Nga e ngại việc tấn công nước này một lần nữa.

Tổng thống Trump cũng đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến các nguyên tố đất hiếm của Ukraine trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào nguồn cung từ Trung Quốc - quốc gia hiện đang thống trị thị trường này. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các mỏ đất hiếm của Ukraine như gali tương đối nhỏ và chưa được thăm dò đáng kể.

"Các mỏ đất hiếm đòi hỏi một khoản chi phí vốn khổng lồ để đưa vào hoạt động. Có rất nhiều mỏ ở Mỹ đang phải vật lộn để có được khoản đầu tư để bắt đầu khai thác. Điều này có vẻ giống một kế hoạch địa chính trị hơn là một mục tiêu thực sự để kiểm soát nhiều hơn nguồn cung cấp đất hiếm", chuyên gia Ingall lưu ý

Trữ lượng đất hiếm lớn nhất của Ukraine trải dài trên tiền tuyến ở khu vực Donetsk - một trong những điểm nóng của cuộc xung đột, khiến việc tiếp cận và khai thác trong tương lai gần trở nên cực kỳ khó khăn.

Có thể thấy thỏa thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine mở ra cơ hội hợp tác kinh tế, nhưng rõ ràng, con đường từ thỏa thuận đến khai thác thực tế còn rất dài. Ngoài những khó khăn về mặt kỹ thuật và tài chính, diễn biến của cuộc chiến sẽ là yếu tố quyết định đến việc Ukraine có thể khai thác được bao nhiêu phần trong "kho báu" khoáng sản của mình.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/thach-thuc-sau-thoa-thuan-khoang-san-my-ukraine-20250501172224854.htm
Zalo