Thách thức, nguy cơ và những giải pháp cho phát triển đất nước - Bài 3: Thực trạng kinh tế Việt Nam và những giải pháp để 'dân giàu, nước mạnh'
Lâu nay, ở nước ta còn tồn tại một nghịch lý là địa phương, ngành và bộ nào cũng đều xây dựng chiến lược phát triển. Nhưng trên thực tế, do chưa có tầm nhìn xa cũng như thiếu những dự báo về sự phát triển khoa học - công nghệ, nên thường mang tính phân tán, không gắn kết với nhau vì mục tiêu phát triển chung của cả nước.
Bước vào thế kỷ 21, sau khi trở thành thành viên chính thức của WTO, thực hiện cam kết Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Mỹ; thị trường nước ta đang được mở rộng, các rào cản thương mại từ những nước thành viên WTO dần được dỡ bỏ và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày một nâng cao, các hoạt động hợp tác kinh tế và đầu tư được mở rộng; thị trường xuất khẩu được củng cố và tăng cường.
Đồng thời, điều quan trọng là nền chính trị ổn định, an ninh-quốc phòng được đảm bảo đã tạo môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài; thế và lực của Việt Nam đã mạnh lên so với nhiều năm trước. Trên 22 năm, kể từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu kinh tế hết sức to lớn, duy trì được tốc độ tăng trưởng cao được cả thế giới thừa nhận.
Trong suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra trên diện rộng, nền kinh tế nước ta với độ mở cao, phụ thuộc không nhỏ vào đầu tư nước ngoài, xuất khẩu đã chịu nhiều tác động và những khó khăn, thách thức được dự báo trong năm 2009 sẽ là không nhỏ. Nét nổi bật là suy giảm tăng trưởng; hầu hết các ngành sản xuất và dịch vụ đều giảm sút, thị trường xuất khẩu thu hẹp, đầu tư nước ngoài và nguồn ngoại hối thu được có nhiều hạn chế. Bên cạnh những khó khăn này, còn nhiều khó khăn nội tại vốn có của nền kinh tế cũng cần được khắc phục.
Trong hơn 10 năm gần đây (từ 2000), đầu tư trong nước và của nước ngoài gia tăng cao đã tạo đà tăng trưởng mạnh về kinh tế, nhưng do kinh tế nước ta chưa có sự chuyển biến đáng kể về năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh tế thấp, nên phát triển chưa bền vững; hiệu quả đầu tư nhiều năm qua được đánh giá vào loại thấp nhất trong khu vực.
Nguồn lực quý nhất được thế giới coi trọng ngày nay là nhân lực, thì ở nước ta lại chưa phát huy có hiệu quả; tài nguyên đất đai bị sử dụng manh mún và đang có xu hướng bị hủy hoại trầm trọng. Đặc biệt, tài nguyên biển, một khu vực có ý nghĩa sinh tử đối với vận mệnh đất nước, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 03- NQ/TW về phát triển kinh tế biển, song dường như còn bị lãng quên .
Sau hơn 20 năm đổi mới, tới 2012, mặc dù có nhiều thành tựu kinh tế to lớn, nhưng GDP theo đầu người của nước ta hiện nay vẫn thấp và còn nằm ở khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực, chưa bằng 1/2 so với Indonesia, dưới 1/3 Thái Lan. Mục tiêu hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020 vẫn còn khá xa, trong khi thời gian còn lại không nhiều. Báo cáo Phát triển Việt Nam 2009 của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra, cho dù Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao trong thời gian dài, nhưng đang còn khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực; bị tụt hậu về kinh tế tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, hầu hết các tiêu chí cạnh tranh trong kinh doanh của Việt Nam đều ở dưới mức trung bình (thấp hơn 5 trong thang điểm 10). Còn theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, Việt Nam được xếp ở 2,6/10 điểm năm 2007 và 2,7/10 điểm trong năm 2008. Chỉ số này cho thấy tham nhũng nước ta vẫn đang ở mức rất cao.
Thực tiễn hiện nay cho thấy lợi thế phát triển của Việt Nam thời gian qua chủ yếu dựa trên lợi thế lao động rẻ và khai thác tài nguyên, đó là phương thức phát triển theo chiều rộng (Extensive Development) đang dần tới ngưỡng không thể vượt qua. Để đảm bảo tốc độ và năng lực cạnh tranh của mình, Việt Nam tất yếu phải chuyển qua một phương thức phát triển mới, phát triển theo chiều sâu (Intensive Development) dựa trên nền sản xuất thâm dụng công nghệ và kỹ thuật, phát huy tối đa những lợi thế cơ bản mà ít nước có thể sánh được về nguồn lực con người, nông nghiệp châu Á nhiệt đới gió mùa và hơn một nửa biên giới quốc gia là biển cả bao quanh.
Trong cuốn Thế giới phẳng, theo Thomas Friedman, “cả thế giới thách thức một người, một người có thể coi cả thế giới là đối tác của mình”, tuổi thọ của sản phẩm ngày một ngắn, thì việc chuyển sang phương thức phát triển theo chiều sâu, đã trở thành đòi hỏi bức bách. Việc chậm chuyển đổi sang phương thức sản xuất theo chiều sâu, dựa trên các lợi thế, để tiến nhanh ra biển, khai thác và làm chủ biển khơi có thể làm lỡ bước của cả dân tộc trong một thế giới đang phát triển nhanh, mà người Nhật đã từng nhìn nhận không phải “Sai một ly, đi một dặm”, mà là “Sai một ly, đi một đời”.
Với phương thức phát triển hiện nay, về thực chất, nền kinh tế Việt Nam đang đi theo con đường phát triển theo chiều rộng. Một khi phương thức phát triển theo chiều rộng tiến đến giới hạn của nó, thì tốc độ phát triển bị giảm sút nhanh và nền kinh tế sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực. Nếu không nhận thức được điều này để có biện pháp đối phó kịp thời, trong 10 năm tới, kinh tế Việt Nam sẽ gặp phải nhiều nan giải.
Đã đến lúc kinh tế Việt Nam phải vươn lên tầm cao mới để có khả năng cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới. Hướng vào phát triển kinh tế đất nước một cách ổn định và bền vững, mỗi bộ ngành và từng địa phương cần xác định được những lợi thế cạnh tranh, thế mạnh của riêng mình. Lâu nay, ở nước ta còn tồn tại một nghịch lý là địa phương, ngành và bộ nào cũng đều xây dựng chiến lược phát triển. Nhưng trên thực tế, do chưa có tầm nhìn xa cũng như thiếu những dự báo về sự phát triển khoa học - công nghệ thế giới và khu vực, nên thường mang tính phân tán, không gắn kết với nhau vì mục tiêu phát triển chung của cả quốc gia. Đến nay, nhận thức về trình độ phát triển công nghiệp, công nghệ, khả năng cạnh quốc gia của Việt Nam trên quy mô thế giới và khu vực vẫn đang còn là bài toán nan giải đối với nền kinh tế .
Để chấn hưng đất nước theo hướng dân giầu nước mạnh, đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong thiên niên kỷ mới, theo chúng tôi, những nội dung lớn của phát triển kinh tế nên tập trung vào việc biến nước ta trở thành: Một cường quốc sản xuất sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới cho thế giới; một cường quốc về kinh tế biển; một cường quốc về nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) có kỹ năng cao.
Thành cường quốc về sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới
Trong một thế giới ngày càng mở rộng, từ tiềm năng và lợi thế của nước nhiệt đới, được thiên nhiên ưu đãi về tài nguyên sinh thái với nhiều sản phẩm mang tính đặc thù, Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn nông - lâm - thủy sản làm mục tiêu để trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Mặc dầu chỉ mới gia nhập thị trường thế giới trong khoảng thời gian không dài, nhưng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản liên tục gia tăng, gần đây (2009) đã đạt 20 tỉ USD/năm và nếu tập trung phát triển mạnh theo hướng này, nhiều dự báo cho rằng Việt Nam có thể đạt trên 40 tỉ USD trong một thời gian không xa. Tiềm năng xuất khẩu có nhiều, những mặt hàng có thể vươn lên dẫn đầu thế giới có thể là lúa gạo, thủy sản, cà phê, cao su, rau quả, hạt điều và sản phẩm gỗ.
- Lúa gạo: Nhìn trên bản đồ thế giới, dễ dàng nhận thấy Việt Nam đã trở thành cường quốc lương thực đứng vị trí thứ 2 (mùa vụ 2011-2012, nước ta xuất khẩu 7,72 triệu tấn gạo trong tổng sản lượng 27,15 triệu tấn, tiếp tục giữ vị trí thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu gạo, sau Ấn Độ). Với truyền thống văn minh lúa nước có lịch sử và kinh nghiệm từ hàng nghìn năm trước, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu công nghệ nông nghiệp trồng lúa cho nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước ở châu Phi và Mỹ Latinh. Trong điều kiện an ninh lương thực bị đe dọa, khả năng này hoàn toàn hiện thực, bởi Việt Nam trồng lúa quanh năm với nhiều giống năng suất cao và thời gian sinh trưởng ngắn (dưới 100 ngày). Lúa gạo Việt Nam trên thị trường thế giới có thể là giải đáp tốt để giải quyết nạn đói, đôi khi khá triền miên ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi.
- Cà phê: Sau Brazil, Việt Nam được cả thế giới biết là một cường quốc xuất khẩu cà phê. Niên vụ cà phê 2011-2012, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,6 triệu tấn cà phê, đạt giá trị gần 3,4 tỉ USD. Thương hiệu "Cà phê Việt" ngày càng được khẳng định ở đẳng cấp cao trên thị trường quốc tế. Hiện nay (2009) cà phê Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 80 nước và vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu chính là các nước Mỹ, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Anh, Pháp, Nhật Bản, Bỉ, Trung Quốc, Hà Lan, Ba Lan..., trong đó Đức và Mỹ luân phiên là 2 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.
- Hạt điều: Trong năm 2012, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam vươn tới kỷ lục mới với khoảng gần 1,5 tỉ USD. Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ, cường quốc điều, để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về xuất khẩu. Chất lượng nhân điều Việt Nam cũng được coi là số 1, thơm ngon hơn hẳn nhân điều Ấn Độ, Brazil hay Tanzania. Thị trường điều Việt Nam ở trên 100 quốc gia, trong đó tập trung chính ở một số nước: Mỹ chiếm 40%; Trung Quốc: 20%; Châu Âu: 20%; Nga, Trung Đông, Nhật Bản...
- Cao su: Cây cao su Hevea Brasiliensis nguồn gốc từ lưu vực sông Amazon (Nam Mỹ) có mặt ở Việt Nam từ năm 1897. Đồn điền cao su đầu tiên ở nước ta có 400 cây giống, năm 1920, diện tích cao su đạt 7.000ha, cho sản lượng 3.000 tấn mủ. Vào năm 1945, diện tích cao su cả nước đạt 138.000ha. Sau ngày đất nước thống nhất, cây cao su đã được mở rộng trồng trên địa bàn cả nước. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam năm 2009 đã dự tính đến năm 2015 đưa diện tích cao su lên 50 vạn hecta, theo hướng phát triển đa ngành nhằm sử dụng triệt để nguồn nguyên liệu sẵn có, gia tăng giá trị sản phẩm và các lợi thế tiềm năng. Hiện nay, ngành cao su Việt Nam đứng thứ 3 thế giới sau Thái Lan và Indonesia (năm 2012 Việt Nam đã xuất khẩu 1,01 triệu tấn cao su tự nhiên, thu về 2,85 tỉ USD) và đang có nhiều hứa hẹn để mở rộng thị trường tiêu thụ đến nhiều nước trên thế giới và trong khu vực.
- Thủy sản: Trong 10 năm vừa qua, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có bước phát triển nhanh, đầy ấn tượng. Từ chỗ không có danh tiếng, đến nay thủy sản Việt Nam đã đứng vào nhóm 10 nước có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất thế giới. Trong năm 2012, xuất khẩu thủy sản đạt 6,09 tỉ đô la Mỹ trong đó Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Hàn Quốc là 4 đối tác lớn nhất nhập khẩu và tiêu thụ hàng thủy sản xuất xứ từ Việt Nam.
- Hồ tiêu: Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), năm 2012 là một năm xuất khẩu thắng lợi của ngành hồ tiêu Việt Nam, là một trong những mặt hàng nông sản có mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong năm qua, tăng tới 10,4% về kim ngạch so với năm 2011, đạt khoảng 119 nghìn tấn với kim ngạch 808 triệu USD.
- Gỗ: Riêng về mặt hàng đồ gỗ, đến nay Việt Nam đã trở thành một trong 5 nước đạt kim ngạch xuất khẩu từ 3 - 5 tỉ USD hằng năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng gỗ 9 tháng đầu năm 2013 đã đạt trên 3,8 tỉ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài những mặt hàng nông sản đạt kim ngạch xuất khẩu cao, nước ta còn có nhiều nông sản xuất khẩu khác phù hợp với những nước ôn đới trong mùa đông lạnh như rau củ quả, chè, v.v.. là các mặt hàng đang phát triển với tốc độ cao.
Là một nước nông nghiệp nhiệt đới, với hơn 71% cư dân làm nông nghiệp; với bản chất cần cù chịu khó và được thiên nhiên ưu đãi về đất đai, khí hậu… Việt Nam đã hình thành được nhiều vùng kinh tế sinh thái từ Tây Nguyên đến đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và tới đây là Tây Bắc và vùng ven biển... Tuy nhiên, nhìn chung sản phẩm nông nghiệp làm ra chủ yếu vẫn là nguyên liệu thô, giá trị gia tăng thấp, chưa có thương hiệu mạnh và thiếu sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của Thái Lan và Trung Quốc. Vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng nông sản xuất khẩu là giống, công nghệ sau thu hoạch và chế biến.
Đối với lúa gạo, tổn thất sau thu hoạch thường từ 9 - 17%, thậm chí 20 - 30%, nghĩa là chúng ta mất khoảng 3.000 tỉ đồng hằng năm, một số tiền lớn hơn nguồn thu ngân sách của nhiều tỉnh hiện nay.
Trong sản xuất rau quả, đến nay cả nước đã có trên 600.000ha với sản lượng 4 - 5 triệu tấn/năm. Do sản phẩm không qua chế biến, tiêu thụ không kịp thời, giá thấp nên thu nhập của nông dân giảm sút từ 15 - 30%. Đất nước có nhiều loại cây quả đặc sản nhưng năng lực chế biến chỉ đạt chừng 2% sản lượng, phần lớn sử dụng dưới dạng tươi sống, thiếu cách thu hoạch và bảo quản thích hợp nên tổn thương cơ học và độ thối rữa rất cao.
Từ thực trạng hiện nay, để nông nghiệp nước ta có thể trở thành cường quốc cung cấp nông sản cho thế giới thì khoa học - công nghệ phải giữ vai trò trung tâm. Chiến lược khoa học công nghệ nông nghiệp cần tập trung tạo những đột biến về giống và công nghệ chế biến sau thu hoạch. Điều này chỉ có thể làm tốt khi có cơ chế chính sách, chế độ thích hợp nhằm thu hút chuyên gia, nhà nông học trong, ngoài nước, và nhất là doanh nghiệp phải đầu tư công sức và trí tuệ vào lĩnh vực này.
Trở thành cường quốc về kinh tế biển
Là một nước thuộc vùng nhiệt đới gió mùa, Việt Nam có bờ biển dài hơn 3.126km, thềm lục địa rộng với hàng ngàn đảo giàu nguồn lợi thủy hải sản, dầu mỏ, khoáng sản, nguyên liệu hydrat, muối… Cùng với tài nguyên biển đảo là hệ thống cảng biển nước sâu (Cam Ranh, Dung Quất, Vân Phong, Vũng Áng...), nhiều vịnh đẹp và bãi biển nổi tiếng, như Hạ Long, Nha Trang, Cam Ranh, Vũng Tàu, Phú Quốc, Mũi Né... Dọc theo bờ biển chạy dài còn biết bao bãi cát đẹp có thể xây dựng thành những trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, các resort, bãi tắm có tầm cỡ quốc tế. Tài nguyên và thế mạnh biển hiện có cho phép chúng ta khẳng định Việt Nam hoàn toàn có điều kiện thuận lợi để trở thành một trong những cường quốc về kinh tế biển.
Nhìn vào bản đồ thế giới có thể thấy, nếu có một con kênh đào, kiểu kênh đào Panama hay kênh Suez, nằm giữa Thái Lan và Malaysia thì nước ta sẽ trở thành một trung tâm trung chuyển với dung lượng hàng hóa vô cùng to lớn. Chắc chắn khi đó, đảo Phú Quốc sẽ thay thế Singapore với năng lực lớn như cảng Amsterdam nổi tiếng của Hà Lan.
Lịch sử phát triển của các thành phố cảng lớn trên thế giới, như Chicago (Mỹ), Amsterdam (Hà Lan), Osaka (Nhật Bản)... giúp cho chúng ta rút ra nhận xét: về vị trí hàng hải ở nước ta thì không nơi nào tốt hơn vịnh Vân Phong. Các thành phố cảng nổi tiếng thế giới nói trên trong giai đoạn đầu đều là những đầu tàu kinh tế của Mỹ, Hà Lan và Nhật Bản. Cùng với sự trỗi dậy của nền kinh tế châu Á, khối lượng hàng hóa giao dịch tăng lên nhanh chóng, trong khi hàng không không đủ sức đảm bảo, thì vận chuyển đường biển ngày càng có vai trò then chốt. Hàng hóa sẽ từ Trung Quốc, Ấn Độ hay Thái Lan, Campuchia, Lào... đi qua Việt Nam để đến với thế giới và ngược lại, sẽ là cơ hội để dịch vụ cảng biển Việt Nam có được những nguồn thu to lớn. Gần đây, sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp đóng tàu cho phép chúng ta tin tưởng rằng Việt Nam đủ sức và có thể chiếm lĩnh được thị phần cao trong dịch vụ cảng biển, cũng như vận tải biển.
Hiện nay (2012), Chính phủ đang tập trung quy hoạch cho việc xây dựng Cụm cảng biển số 5 thuộc TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là cụm cảng lớn nhất nước, chiếm trên 40% lượng hàng hóa xuất nhập cảng của Việt Nam. Quy mô bốc xếp hàng hóa có thể đạt tới 600 triệu tấn/năm, lớn hơn cảng trung chuyển quốc tế Singapore (quy mô 400 triệu tấn hàng hóa/năm) và cảng trung chuyển quốc tế Rotterdam, Hà Lan (quy mô 500 triệu tấn hàng hóa/năm). Theo thông tin mới nhất, tàu của hãng Mal (Hà Lan) với trọng tải 100.000 tấn đã ra vào thành công tại khu vực cụm cảng. Điều này mở ra một triển vọng cho cảng Cái Mép - Thị Vải (cảng lớn nhất thuộc Cụm cảng biển số 5) trở thành một cảng trung chuyển quốc tế hàng đầu trong tương lai. Ngoài Cụm cảng biển số 5, miền Trung và miền Bắc cần lần lượt tập trung phát triển cảng Vân Phong và cảng Lạch Huyện.
Ngành khoa học công nghệ biển của Việt Nam hiện còn rất non trẻ, có thể nói là sơ khai. Số liệu điều tra cơ bản chưa nhiều, thiếu đồng bộ, tản mạn. Vì vậy, cần xây dựng ngành khoa học công nghệ biển để có hiểu biết cơ bản về điều kiện tự nhiên biển, cập nhật những hiểu biết này theo những biến đổi khí hậu toàn cầu. Việc phát triển ngành khoa học biển sẽ góp tiếng nói vào việc quy hoạch sử dụng không gian các vùng duyên hải, cận duyên, đặc biệt là quy hoạch hệ thống cảng biển sao cho phù hợp với quy luật tự nhiên.
Đặc biệt cần chú trọng hướng vào xây dựng và phát triển các ngành kinh tế biển chủ yếu, là: Phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong khảo sát, điều tra, thăm dò tài nguyên biển và đại dương; khai thác và chế biến hải sản; thăm dò và khai thác dầu khí; thăm dò và khai thác khoáng sản biển; du lịch biển; dịch vụ cảng biển và không gian biển; công nghiệp tầu thủy và vận tải biển…
Phải sử dụng công nghệ cao trong hàng loạt các hoạt động thăm dò và khai thác biển như: Công nghệ khai thác năng lượng biển; công nghệ thăm dò và khai thác hải sản xa bờ; công nghệ sinh vật biển, nghiên cứu chủ yếu để tạo ra các giống nuôi trồng mới ưu việt, các giống có tính đột phá để đẩy mạnh quá trình nuôi sản phẩm biển; công nghệ khai thác các loại dược phẩm, nghiên cứu vai trò tính tự nhiên của sinh vật biển, từ trong các sinh vật biển rút ra những chất kháng khuẩn, các chất kháng bệnh, kháng khối u, kháng già hóa, tạo nên những dược phẩm mới và thực phẩm dưỡng sinh tốt; công nghệ thăm dò khai thác tài nguyên khoáng sản đáy biển, nhất là công nghệ khai thác dầu khí, công nghệ khai thác kim loại đáy biển; công nghệ tổng hợp tài nguyên biển, trong đó có công nghệ làm nhạt nước biển, công nghệ tách, rút các nguyên tố K, Br, Li, U từ nước biển; công nghệ thăm dò môi trường biển để tăng khả năng dự báo về môi trường biển, đề phòng thiên tai, tăng năng lực bảo vệ môi trường biển…
Đồng thời, trong quá trình đó, cần có sự đầu tư, phối hợp, nghiên cứu một cách toàn diện để tạo thành sức mạnh tổng hợp, kết hợp được chặt chẽ giữa quốc phòng với khoa học công nghệ biển, kinh tế biển, chính trị trên biển. Quốc phòng trên biển mạnh sẽ là chỗ dựa cho bà con ngư dân, các lực lượng ra làm ăn trên biển.
Lịch sử của ngành đường biển thế giới cho thấy kinh tế biển luôn được coi là ngành mũi nhọn, trong đó vai trò chủ đạo là cảng biển. Nơi nào có cảng biển, nơi đó sẽ là thành phố với kinh tế, công nghiệp và giao thương phát triển. Mặc dù Việt Nam đã có một số cảng “tầm cỡ khu vực”, thậm chí “tầm cỡ thế giới” nhưng trên thực tế (2012), nước ta vẫn chưa có cảng nào có thể tiếp nhận được tàu trọng tải 50.000DWT hoặc tàu container sức chở 3000TEU. Với những cảng biển hiện có, chúng ta đang rất lạc hậu so với một số nước trong khu vực và trên thế giới. Bởi vậy, việc xây dựng và phát triển hệ thống cảng biển quốc gia có vai trò to lớn, quyết định đến kết quả sự phát triển của đất nước.
Hoạt động của một cảng biển có thể đến hàng trăm năm hoặc lâu hơn, chẳng hạn như cảng Rotterdam của Hà Lan - hiện là cảng lớn nhất châu Âu, cảng London của Anh, Hamburg của Đức, Antwerp của Bỉ… Để đáp ứng được tốc độ phát triển cao của Việt Nam trong giai đoạn tiến ra biển tới đây, cần phải nới rộng tầm nhìn trong quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam. Bởi vậy, tiêu chí thời gian để quy hoạch cho hệ thống cảng biển quốc gia không thể là 20 năm, mà phải là 50 năm, hay lâu hơn nữa, nhằm tạo điều kiện cho ngành kinh tế biển của Việt Nam có những bước tiến theo kịp và phù hợp với sự phát triển của thời đại. Trong đó, ngoài việc đang hình thành 5 cảng container liên doanh có cùng quy mô cũng để đón tàu container sức chở 6000TEU cập bến vào năm 2009 - 2010 ở vùng kinh tế trọng điểm phía nam, đặc biệt cần phải tập trung đẩy mạnh đầu tư ngay vào việc xây dựng một cảng trung chuyển tầm cỡ thế giới (gồm cảng container, cảng tổng hợp, cảng chuyển tải nhiên liệu...) ở nước ta.
Nghị quyết về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020" của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 4 khóa 10 đã xác định: “Nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng từ biển, phát triển toàn diện các ngành nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn”. Định hướng chiến lược đồng thời cũng là quan điểm chỉ đạo đối với sự nghiệp phát triển kinh tế biển Việt Nam là: "Xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học và công nghệ, tăng cường cũng cố quốc phòng, an ninh, làm cho đất nước giàu mạnh từ biển, bảo vệ môi trường biển. Phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53 - 55% tổng GDP của cả nước...".
Nhấn mạnh 2 nội dung của định hướng phát triển trên đây, nhiều nhà phân tích cho rằng, nếu “Phát triển nước ta thành cường quốc nông nghiệp và cường quốc kinh tế biển của thế giới” thì mọi vấn đề về phát triển đất nước đều đã tập trung vào khu vực chiếm hơn 80% dân số cả nước với phần lớn là nông dân. Nếu làm tốt 2 nội dung này, chúng ta sẽ giải quyết cơ bản vấn đề an sinh xã hội, giải quyết được cả 3 vấn đề lớn, mang tính sống còn mà toàn thế giới đang hết sức quan tâm, đó là: An ninh lương thực; An ninh năng lượng và An ninh môi trường. Đảm bảo được những vấn đề an ninh nêu trên, cũng là đã giải quyết được những mục tiêu nêu trong chiến lược phát triển bền vững trong những thập niên tới của quốc gia.
Và điều cực kỳ quan trọng, Việt Nam phải tranh thủ mọi thời cơ và nguồn lực để trở thành một cường quốc về công nghệ thông tin (nói riêng) và khoa học công nghệ (nói chung), bởi đó là những chìa khóa quan trọng nhất cho sự phát triển đột phá trong thời đại ngày nay. Chúng tôi sẽ trao đổi ở phần sau. (còn tiếp)
TS Nguyễn Văn Lạng - Chủ tịch Hội Thông tin KH-CN Việt Nam, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ