Thách thức lớn nhất với Quảng trường Thời đại trước chợ Bến Thành

Không dễ để tìm một không gian đặc biệt như khu vực trước chợ Bến Thành, vì vậy việc quy hoạch và phát triển cần được thực hiện kỹ càng để tạo thành một công trình để đời của TP.HCM.

Đó là nhận định của một chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc khi được hỏi về ý tưởng phát triển quảng trường trung tâm trước chợ Bến Thành (quận 1, TP.HCM).

Theo vị này, khu vực trước chợ Bến Thành không chỉ là một không gian xanh rộng lớn hiếm hoi còn sót lại ngay trung tâm quận 1, mà còn là đầu mối giao thông quan trọng nơi ga ngầm metro Bến Thành kết nối 4 tuyến đường sắt đô thị.

Tuy nhiên, cũng vì tầm vóc của công trình và những kỳ vọng của người dân, đây sẽ là một dự án khó và đầy thách thức.

Cần quy hoạch đồng bộ toàn khu vực trung tâm kết nối với Thủ Thiêm

Thách thức đầu tiên nhưng cũng là yêu cầu tiên quyết đối với công trình này, theo các chuyên gia, là sự đồng bộ trong quy hoạch và phát triển cùng với toàn bộ khu vực trung tâm quận 1 và khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).

Bởi nếu muốn tạo ra một khu vực tương tự Quảng trường Thời đại, TP.HCM không chỉ cần tập trung vào không gian đi bộ, hay văn hóa, giải trí, du lịch, mà còn phải phát triển các hoạt động kinh tế - tài chính ở xung quanh.

Trao đổi với Tri Thức - Znews, Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng việc quy hoạch không nên chỉ gói gọn trong khu vực trước chợ Bến Thành hay tuyến đường Hàm Nghi, mà cần đồng bộ toàn không gian chạy dài từ chợ Bến Thành dọc theo đường Lê Lợi đến trụ sở UBND TP.HCM, từ đó tiếp tục trải dài theo phố đi bộ Nguyễn Huệ và nối qua bên kia sông Sài Gòn về hướng Thủ Thiêm.

"Toàn bộ khu vực này đang là không gian trung tâm của TP.HCM, nếu được quy hoạch đồng bộ thì càng có tiềm năng phát triển hơn nữa. Tôi rất kỳ vọng TP sẽ sớm quy hoạch cụ thể để triển khai", TS Nam Sơn nói.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh việc kết nối qua Thủ Thiêm rất quan trọng, bởi nơi đây đã được quy hoạch là trung tâm tài chính, là động lực tăng trưởng mới của TP.HCM. Do đó, ông đề xuất đưa vào quy hoạch một trục giao thông kết nối khu vực trước chợ Bến Thành thông qua phố đi bộ Nguyễn Huệ với Thủ Thiêm, có thể là cầu đi bộ hoặc hầm.

 TS Ngô Viết Nam Sơn khuyến nghị quảng trường trung tâm trước chợ Bến Thành nên được quy hoạch đồng bộ với toàn khu vực trung tâm quận 1 nối qua Thủ Thiêm. Ảnh: Quỳnh Danh.

TS Ngô Viết Nam Sơn khuyến nghị quảng trường trung tâm trước chợ Bến Thành nên được quy hoạch đồng bộ với toàn khu vực trung tâm quận 1 nối qua Thủ Thiêm. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thực tế, thời gian qua, CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood cũng đã tích cực triển khai dự án cầu đi bộ qua sông Sài Gòn bắt đầu từ công viên Bến Bạch Đằng (quận 1) và kết thúc tại khu vực công viên bờ sông, giáp với đường Nguyễn Thiện Thành thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức).

Với tổng chiều dài khoảng 261 m, dự án có tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, dự kiến khởi công vào dịp 30/4 tới và hoàn thành trong năm 2027. Nutifood tài trợ toàn bộ chi phí liên quan trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Vị chuyên gia nói trên cũng đánh giá việc kết nối đồng bộ các không gian ở quận 1 và Thủ Thiêm rất quan trọng, góp phần tạo lực đẩy để phát triển cả về yếu tố du lịch lẫn kinh tế - tài chính cho TP.HCM. Tuy nhiên, ông thừa nhận không dễ để hiện thực hóa ý tưởng này, bởi cần sự phối hợp của nhiều đơn vị và tầm nhìn quy hoạch dài hạn của TP.

Hiện tại, TP.HCM đang xây dựng Đồ án Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, bao gồm việc tổ chức các không gian, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội, để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ông kỳ vọng TP sẽ có sự chuẩn bị và đánh giá ban đầu để đưa ý tưởng phát triển đồng bộ quảng trường với khu trung tâm và Thủ Thiêm vào quy hoạch.

Hiện tại, 2025 đã là năm cuối kỳ phân bổ vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025. Do đó, TP.HCM sẽ buộc phải tính toán nguồn lực đầu tư dự án này sớm nhất là vào kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2026-2030.

Trong quy hoạch đồng bộ đó, TS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng một điều quan trọng không kém là cần tổ chức lại không gian xanh, bởi đây là xu hướng chung trên thế giới và rất cần thiết cho không gian đi bộ. Hiện tại, khu vực này đã có Công viên 23 tháng 9.

Đồng tình với quan điểm này, bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng TP.HCM đang nằm trong nhóm có tỷ lệ đất cây xanh công cộng thấp nhất trong số các đô thị trên cả nước, vì vậy việc xây dựng quảng trường sẽ giúp tạo ra nhiều mảng xanh và không gian giải trí cho người dân.

Theo bà, TP.HCM nên tập trung mạnh vào các mảng cây xanh, tạo ra không gian công cộng rộng rãi, kết hợp cùng chợ và các trung tâm mua sắm, nhà hàng, khách sạn và dịch vụ giải trí để tạo ra một không gian sống động, thu hút cả người dân địa phương và du khách.

Việc tạo ra các không gian nghệ thuật công cộng như tranh tường, tượng điêu khắc, khu vực biểu diễn nghệ thuật đường phố, tổ chức các chương trình giải trí cuối tuần... cũng sẽ biến quảng trường thành một điểm đến hấp dẫn.

Mặc dù có những rào cản nhất định, nhưng với sự quyết tâm và kế hoạch chi tiết, TP.HCM có thể biến ý tưởng này thành hiện thực

Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam

Tuy nhiên, bà nhìn nhận việc giải phóng mặt bằng và di dời các hộ kinh doanh hiện tại có thể gặp nhiều khó khăn và tốn kém.

Ngoài ra, việc đảm bảo an toàn giao thông và duy trì hoạt động kinh doanh của chợ Bến Thành trong quá trình xây dựng cũng là một vấn đề cần được xem xét kỹ lưỡng.

"Các quy hoạch mới này cần bám sát các yêu cầu phát triển của TP, kế thừa những điểm mạnh từ các quy hoạch trước đó, đồng thời đưa ra những tư duy đột phá và đổi mới. Mặc dù có những rào cản nhất định, nhưng với sự quyết tâm và kế hoạch chi tiết, TP.HCM có thể biến ý tưởng này thành hiện thực", bà Trang Bùi khẳng định.

Tận dụng không gian dưới lòng đất

Trong suốt cuộc trò chuyện với Tri Thức - Znews, TS Ngô Viết Nam Sơn cũng nhiều lần nhắc đến không gian ngầm đầy tiềm năng ở khu vực Bến Thành, bao gồm cả chợ Bến Thành, tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ...

Từ kinh nghiệm nhiều năm sinh sống tại Monreal (Canada), vị chuyên gia khuyến nghị TP.HCM cần đặt ra yêu cầu tất cả công trình trong khu vực này từ nay về sau, nếu có xây mới hoặc chỉnh trang, thì nên làm thêm không gian ngầm nối với khu vực ga metro Bến Thành.

Thực tế, Monreal có khu phức hợp ngầm lớn nhất thế giới mang tên Reso. Đây là hệ thống đường đi bộ khổng lồ có chiều dài tổng cộng 33 km dưới lòng đất, đi vào hoạt động từ năm 2004.

Trên các con đường ngầm ngang dọc là các tòa nhà văn phòng, căn hộ, trung tâm mua sắm, nhà hàng, rạp chiếu phim, bảo tàng, nhà hát, các trường đại học, nhà hàng từ sang trọng đến bình dân, thậm chí là cả một đấu trường.

"Thành phố ngầm" này cũng là nơi tổ chức nhiều lễ hội, triển lãm nghệ thuật tại Monreal, bên cạnh các điểm nhấn như quảng trường, đài phun nước...

Các tuyến xe điện ngầm, tàu hỏa ngoại ô, xe buýt đều đổ về đây. Reso luôn nhộn nhịp khi đón khoảng 500.000 người làm việc, tham quan, mua sắm.

 Chuyên gia kỳ vọng TP.HCM có thể tận dụng không gian ngầm ở khu vực Bến Thành. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chuyên gia kỳ vọng TP.HCM có thể tận dụng không gian ngầm ở khu vực Bến Thành. Ảnh: Quỳnh Danh.

Nói thêm về ý tưởng này, vị chuyên gia quy hoạch, kiến trúc nói trên cho biết TP.HCM đã từng nghĩ đến quy hoạch không gian ngầm từ nhiều năm trước, khi bắt đầu tổ chức quy hoạch tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.

Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư không gian ngầm tốn gấp 3 lần không gian nổi, trong khi hiệu quả kinh tế chưa được minh chứng rõ, do đó việc triển khai trên thực tế gặp nhiều khó khăn, dù bằng nguồn vốn công hay tư.

Chưa kể, việc quy hoạch không chỉ bao gồm các yếu tố cảnh quan, công trình, mà còn cả vấn đề giao thông.

"Ngay cả trong trường hợp chỉ làm quảng trường bên trên mặt đất, việc tổ chức giao thông như thế nào để tiện lợi cho người dân đã là một cái khó, đừng nói đến không gian ngầm, khi TP.HCM dự kiến triển khai 4 tuyến metro giao cắt tại ga ngầm Bến Thành", vị này nêu ý kiến.

Không những có thể quy hoạch tương tự Quảng trường Thời đại ở New York, mà còn có thể làm tốt hơn bằng cách tận dụng không gian ngầm dưới lòng đất và vị thế đầu mối giao thông của ga ngầm metro Bến Thành

Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn

Tuy nhiên, TS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng ý tưởng này khó nhưng hoàn toàn làm được nếu TP quyết tâm và đầu tư nguồn lực.

"Không những có thể quy hoạch tương tự Quảng trường Thời đại ở New York, mà còn có thể làm tốt hơn bằng cách tận dụng không gian ngầm dưới lòng đất và vị thế đầu mối giao thông của ga ngầm metro Bến Thành", ông nhấn mạnh.

Tại cuộc họp cuối năm 2024, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã giao tiến độ đến ngày 30/4, các đơn vị phải định hình được không gian tổng thể của khu vực theo định hướng đề ra.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/thach-thuc-lon-nhat-voi-quang-truong-thoi-dai-truoc-cho-ben-thanh-post1523971.html
Zalo