Thách thức đáng lo ngại từ các hiện tượng thời tiết cực đoan trên thế giới

Trong thời gian gần đây, thế giới đã chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra với tần suất thường xuyên và mức độ nghiêm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu.

Người dân giải nhiệt tại một vòi nước công cộng trong thời tiết nắng nóng tại Allahabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân giải nhiệt tại một vòi nước công cộng trong thời tiết nắng nóng tại Allahabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đặc biệt, trong tháng 6 và đầu tháng 7 năm nay, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan đã xảy ra trên toàn cầu, tác động lớn đến hệ sinh thái tự nhiên và hơn một nửa dân số thế giới.

Sóng nhiệt càn quét

Trước hết, các đợt nắng nóng cực độ trên quy mô toàn cầu đã xuất hiện. Nhiều khu vực đã trải qua những đợt nắng nóng chưa từng có.

Tại châu Á, Ấn Độ vừa trải qua đợt nắng nóng kéo dài kỷ lục. Theo cơ quan khí tượng địa phương, kể từ ngày 14/5, thủ đô New Delhi chứng kiến nhiệt độ vượt 40 độ C liên tục trong 38 ngày. Ở các bang như Uttar Pradesh và Bihar, nhiệt độ đã lên tới khoảng 50 độ C. Bộ Y tế Ấn Độ báo cáo tổng cộng 110 trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng và trên 40.000 trường hợp nghi sốc nhiệt từ ngày 1/3 đến ngày 18/6.

Một số nước châu Âu cũng bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao. Theo truyền thông địa phương, Rome, thủ đô của Italy và 8 thành phố khác đã đưa ra cảnh báo đỏ về nhiệt độ vào ngày 21/6, với nhiệt độ ở một số thành phố dự kiến vượt 40 độ C.

Người dân dùng khăn che chắn khi di chuyển dưới trời nắng nóng tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân dùng khăn che chắn khi di chuyển dưới trời nắng nóng tại New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Miền Tây Nam nước Mỹ, Mexico, Nam Âu, và Bắc Phi cũng bị “nhấn chìm” bởi nắng nóng kéo dài, một số khu vực ghi nhận nhiệt độ vượt ngưỡng 45 độ C.

Trong bối cảnh đó, những lo ngại về cháy rừng, hạn hán, tình trạng gián đoạn nguồn cung điện và nước, có thể dẫn đến thiệt hại đáng kể về cả kinh tế và môi trường, đang ngày càng gia tăng.

Tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu thời tiết Climate Central cho biết từ ngày 16 đến 24/6, có tới 4,97 tỷ người (chiếm hơn 60% dân số thế giới) đã phải hứng chịu nắng nóng cực đoan. Điều này không chỉ làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày mà còn làm tăng các bệnh liên quan đến nhiệt như say nắng, chuột rút, kiệt sức vì nóng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là người già và những người mắc bệnh mãn tính.

Trong khi đó, ngày 8/7, Đài quan sát Copernicus của châu Âu đã công bố dữ liệu cho thấy tháng 6 là tháng nóng nhất từng được ghi nhận trong lịch sử. Đây cũng là kỷ lục hàng tháng thứ 13 liên tiếp, với nhiệt độ trung bình vượt quá 1,64 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Giới chuyên gia nhận định tất cả những yếu tố này có nghĩa thế giới đang ngày càng tiến gần đến ngưỡng 1,5 độ C đã được nêu trong thỏa thuận khí hậu Paris. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến gia tăng các hiện tượng thời tiết cực đoan, nguy hiểm ở cấp độ toàn cầu.

Mưa lớn và lũ lụt hoành hành

Ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Dhaka, Bangladesh ngày 2/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Ngập lụt sau những trận mưa lớn tại Dhaka, Bangladesh ngày 2/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Ngoài các đợt nắng nóng khắc nghiệt, còn có những thay đổi về mô hình lượng mưa trên thế giới và khu vực, dẫn đến mưa lớn và lũ lụt thường xuyên, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Theo dữ liệu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, tần suất lũ lụt toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi trong 40 năm qua.

Tại Ấn Độ, giới chức cho biết hôm 5/7 rằng lũ lụt đang diễn ra ở bang Assam, ảnh hưởng đến hơn 2,1 triệu người và khiến ít nhất 52 người thiệt mạng.

Mưa lũ vẫn đang hoành hành gây hậu quả thảm khốc cho 29 huyện của bang này. Theo Cơ quan quản lý thiên tai bang Assam, 3.208 ngôi làng đã bị nhấn chìm và hơn 57.018 ha diện tích cây trồng bị hư hại trên khắp các huyện bị ảnh hưởng.

Ngoài ra, lũ lụt còn tấn công Bangladesh, Nepal và Myanmar, buộc hàng nghìn người phải sơ tán.

Hàng triệu người ở Bangladesh, sống ở những vùng đất mà bao quanh là hàng trăm con sông, đã phải hứng chịu lũ lụt. Quốc gia nằm ở vùng trũng này phải hứng chịu lũ lụt theo mùa hàng năm trong đợt gió mùa từ tháng 6 đến tháng 9, khi các con sông đổ vào Vịnh Bengal bị vỡ bờ.

Lũ lụt tàn khốc đã khiến những vùng đất rộng lớn ở khu vực Sylhet, phía đông bắc Bangladesh, chìm trong biển nước. Đây là đợt lũ lụt thứ 3 trong vòng chưa đầy một tháng trong khu vực.

Tháng 6, lũ quét đã khiến ít nhất 2 triệu người phải di dời trong hai đợt lũ lụt ở khu vực, ảnh hưởng đến hàng trăm khu vực và gây ra nỗi đau khổ không kể xiết cho người dân.

Siêu bão mạnh chưa từng thấy

Bão Beryl đổ bộ gây ngập lụt tại Bridgetown, Barbados ngày 1/7/2024. Ảnh: Reuters/TTXVN

Bão Beryl đổ bộ gây ngập lụt tại Bridgetown, Barbados ngày 1/7/2024. Ảnh: Reuters/TTXVN

Beryl, cơn bão nhiệt đới hoạt động ở vịnh Mexico, cũng đã ảnh hưởng lớn đến Jamaica, Mexico và các quốc gia khác vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 năm nay.

Siêu bão này kéo theo lượng mưa lớn kèm gió mạnh, dẫn đến lũ quét, nước dâng cùng nhiều thảm họa khác. Giới chuyên gia nhận định sức nóng bất thường trên bề mặt nước ở Bắc Đại Tây Dương đã bồi thêm sức mạnh cho siêu bão này.

Hôm 8/7, Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc cho biết trên 1 triệu người ở vùng Caribe đã bị ảnh hưởng bởi siêu bão Beryl. Cơn bão này đã ảnh hưởng đến khoảng 40.000 người ở Saint Vincent và Grenadines, trên 110.000 người ở Grenada và 920.000 người ở Jamaica.

Là siêu bão cấp 4, Beryl đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 11 người cho đến nay. Beryl cũng để lại dấu vết tàn phá ở Grenada và Saint Vincent và Grenadines, sau đó ảnh hưởng đến Jamaica vào tuần trước. Cơn bão hiện đang tiến đến Bờ Vịnh Texas.

Tổ chức Di cư Quốc tế báo cáo rằng cơn bão đã gây ra thiệt hại nặng nề cho các đảo Carriacou và Petit Martinique ở Grenada, với lần lượt 70% và 97% tòa nhà bị hư hại.

Tại Saint Vincent và Grenadines, 90% ngôi nhà trên đảo Union bị ảnh hưởng. Trong khi đó, gần như tất cả các tòa nhà trên đảo Canouan đều bị hư hại.

Hồi tháng 6, bão nhiệt đới Alberto cũng đã tràn vào vịnh Mexico gây thiệt hại đáng kể.

Cảnh báo toàn cầu và kêu gọi hành động

Có thể thấy, ngày càng nhiều kỷ lục về hiện tượng thời tiết cực đoan được ghi nhận ở cấp độ địa phương, cũng như cấp độ quốc gia và cả những bất thường về nhiệt độ trên toàn cầu. Các nhà khoa học tin rằng tình trạng ấm lên toàn cầu là một trong những yếu tố chính góp phần gây ra các hiện tượng này.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu hiện tượng El Nino quốc tế (CIIFEN) Yolanda Gonzalez nhận định rằng hình thái El Nino đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, El Nino không gây tác động đáng kể nào, nhưng giờ đây hiện tượng này đang diễn ra với cường độ mạnh hơn. Bà Gonzalez cho biết nhiệt độ thay đổi từ nơi này sang nơi khác sẽ nhanh hơn, đồng thời dự đoán hiện tượng La Nina sẽ xuất hiện vào nửa sau của năm 2024.

Ngoài ra, các hoạt động của con người cũng đang làm các hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu xuất hiện ngày càng nhiều. Công nghiệp hóa quy mô lớn và tiêu thụ quá nhiều tài nguyên thiên nhiên đã dẫn đến việc thải ra một lượng lớn khí nhà kính, làm tăng thêm hiệu ứng nhà kính trên Trái Đất. Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế, lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu đã tiếp tục tăng trong thập kỷ qua, góp phần gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Trước những thách thức do các hiện tượng thời tiết cực đoan toàn cầu đặt ra, cơ quan thời tiết và khí hậu của Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia cần hành động ngay lập tức để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Giảm phát thải khí nhà kính là vấn đề then chốt và các quốc gia phải tăng cường nỗ lực thúc đẩy phát triển bền vững và sử dụng các nguồn năng lượng sạch.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo: “Đây là thời điểm khủng hoảng về khí hậu”. Đồng thời, ông nhấn mạnh thế giới cần phải hành động ngay lập tức không chỉ để giải quyết vấn đề khí hậu mà còn vấn đề thịnh vượng kinh tế và phát triển bền vững.

Phó Tổng thư ký Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) Ko Barrett cũng cho rằng thế giới phải khẩn trương hành động nhiều hơn nữa để cắt giảm phát thải khí nhà kính, nếu không chúng ta sẽ phải đối mặt với chi phí kinh tế ngày càng cao, hàng triệu sinh mạng bị ảnh hưởng bởi thời tiết cực đoan, cùng nhiều thiệt hại nghiêm trọng đối với môi trường và đa dạng sinh học.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo Xinhua, AFP)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/thach-thuc-dang-lo-ngai-tu-cac-hien-tuong-thoi-tiet-cuc-doan-tren-the-gioi-20240711120007911.htm
Zalo