Thách thức chuyển đổi xanh
Thời gian qua, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về kinh doanh theo hướng bền vững, giảm phát thải ra môi trường đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều DN định hướng, lấy chuyển đổi xanh là lợi thế và chiến lược trong cạnh tranh. Tuy nhiên, sự thay đổi này không đơn giản ở những DN vừa và nhỏ.
Nhiều rào cản khi chuyển đổi
Theo thống kê, chuyển đổi kinh tế xanh chỉ chiếm khoảng 5% quy mô nền kinh tế, còn lại 95% là kinh tế nâu (kinh tế dựa nhiều vào tài nguyên, suy thoái môi trường...). Các chuyên gia kinh tế nhận định, chuyển đổi xanh chủ yếu tập trung tại các DN lớn, DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, còn lại sự chuyển đổi này chưa rõ nét.
Đề cập đến chuyển đổi xanh - số từ cộng đồng DN, ông Nguyễn Ngọc Hoàng - Giám đốc Khối Digital Lighthouse, KPMG Việt Nam thông tin, hiện nay chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng của toàn cầu. Qua khảo sát gần 2.100 DN các nước cho thấy, rất nhiều DN quan tâm và triển khai chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Cụ thể, có hơn 88% DN đang chạy đồng thời hai chương trình chuyển đổi quan trọng, 54% đang chạy 3 chương trình trở lên. Thế nhưng, DN cũng gặp nhiều rào cản lớn khi chuyển đổi xanh. Điển hình, thiếu tài nguyên, kỹ năng hoặc chuyên môn; cơ sở hạ tầng công nghệ chưa đầy đủ; kế hoạch và chiến lược thực hiện kém.
Liên quan đến chuyển đổi xanh, lãnh đạo Hợp tác xã (HTX) Tuấn Ngọc cho biết, HTX đang áp dụng chuyển đổi xanh trong sản xuất. Tuy nhiên, HTX gặp không ít khó khăn trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng kiểm soát công nghệ cho nông dân và cán bộ HTX. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ nông sản xanh trong nước cũng chưa phát triển mạnh, nhu cầu chưa ổn định cũng khiến HTX khó duy trì và phát triển sản xuất.
Chia sẻ với khó khăn của DN, luật sư Nguyễn Trung Nam – Luật sư thành viên cao cấp (Công ty Luật TNHH Dentons Luật Việt) chỉ ra rằng, trong bối cảnh bùng nổ của nền kinh tế xanh, kinh tế số, DN có nguy cơ đối mặt với nhiều rủi ro về chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ và bảo mật dữ liệu. Trong khi đó, chuyển đổi xanh đặt nặng vào những cam kết tuân thủ về tiêu chuẩn môi trường, yếu tố xanh, lao động... Điều này đồng nghĩa, DN phải đối mặt với hai loại rủi ro khi chuyển đổi đồng thời cả xanh - số.
Ông Nguyễn Ngọc Hoàng khuyến nghị, để triển khai thành công các yếu tố xanh - số, DN cần xây dựng văn hóa kiên cường, cơ sở hạ tầng, tập trung vào dữ liệu; đầu tư xây dựng năng lực và trang bị kiến thức kỹ năng số cho nhân sự. Ông Hoàng nhấn mạnh, chuyển đổi số là một quá trình thách thức và phức tạp, để giảm thiểu rủi ro và chi phí, các tổ chức có thể xem xét các bước chuyển đổi trung gian. Di chuyển tổ chức sang trạng thái kỹ thuật số trong khi tận dụng các công nghệ, trước khi chuyển đổi sang các mô hình kinh doanh kỹ thuật số và các giá trị mới.
“Khát vốn” cho chuyển đổi xanh
Ngoài những khó khăn kể trên, DN còn thiếu hụt về vốn đầu tư để thực hiện chuyển đổi. Đại diện HTX Tuấn Ngọc cho hay, HTX đang áp dụng nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm điện, nước, phân bón và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư công nghệ xanh, HTX gặp khó khăn về chi phí đầu tư ban đầu rất cao, phải thường xuyên bảo trì bảo dưỡng các thiết bị công nghệ. Đề cập đến tín dụng cho phát triển xanh, không ít chuyên gia kinh tế khẳng định, về tài chính thì chính sách cho vay vốn ưu đãi và gói hỗ trợ tài chính từ Chính phủ và các tổ chức phi Chính phủ còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế, quy mô tín dụng xanh chỉ chiếm 4,4% tổng dư nợ. Trong khi, trái phiếu xanh chỉ đạt 1,16 tỷ USD trong vòng 5 năm qua - con số nhỏ bé so với nhu cầu vốn khoảng 20 tỷ USD/năm để thực hiện các mục tiêu chuyển đổi xanh.
TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh: “Phát triển xanh cơ hội nhiều nhưng cũng không ít thách thức. Theo đó, đến năm 2040 Việt Nam phải chi khoảng 368 tỷ USD đầu tư bổ sung; cộng dồn đến năm 2050, Việt Nam mất khoảng 13 – 19% GDP; Việt Nam sẽ bị giảm 30% giá trị xuất khẩu so với bây giờ khi thâm nhập vào thị trường các nước phát triển. Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn”.
Thực tế trên đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh. Trong đó, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh, bao gồm cả thị trường tín dụng xanh và trái phiếu xanh, tuy nhiên, lĩnh vực này lại đang gặp nhiều vướng mắc về mặt pháp lý. Vì vậy, tìm giải pháp thúc đẩy thị trường tài chính xanh phát triển tương xứng với tiềm năng và nhu cầu của nền kinh tế trở thành vấn đề rất cấp bách.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho hay, mặc dù chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng (khoảng 5%), song tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh duy trì ở mức cao. Chứng tỏ, tín dụng xanh đã và đang phản ánh xu hướng tăng trưởng tích cực. Các tổ chức tín dụng cần quan tâm và chủ động các giải pháp thúc đẩy, tạo cơ sở tiền đề và dư địa tăng trưởng cho giai đoạn tiếp theo, khi kinh tế xanh trở thành một trong động lực tăng trưởng mới.
Theo ông Lệnh, Ngân hàng Nhà nước đã có đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Yêu cầu phát triển ngân hàng xanh, tín dụng xanh không chỉ là nhiệm vụ của các ngân hàng thương mại mà là nhiệm vụ của tất cả các tổ chức tín dụng, bao gồm cả công ty tài chính; công ty cho thuê tài chính, các quỹ tín dụng nhân dân... Định vị như vậy sẽ là cơ sở quan trọng để ngành ngân hàng tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn xanh hướng đến phát triển dự án xanh, kinh tế xanh.