Thạch Minh Mẫn - Người giữ 'chìa khóa cánh cửa thép' phía Nam tỉnh lỵ Vĩnh Bình
Xung quanh tỉnh lỵ Trà Vinh (giai đoạn 1956 - 1975 có tên tỉnh Vĩnh Bình), từ thời Pháp thuộc đến thời chính quyền Sài Gòn đều luôn muốn biến vùng ngoại vi thành vành đai trắng, thành lá chắn cho các cơ quan đầu não bên trong nội ô.
Tuy nhiên, ở các hướng Bắc (hướng Long Đức) và hướng Đông (hướng Hòa Thuận), phong trào quần chúng tương đối mạnh, cơ sở nòng cốt và cơ sở quần chúng được gầy dựng, duy trì khá ổn định, nên “lá chắn” ấy ngấm ngầm bị xuyên thủng. Còn trên hướng Đông - Đông Nam và Tây - Tây Nam là khu vực có đông đồng bào Khmer.
Cụ thể là từ Kho Dầu (nay là Khóm 2, Phường 5) chạy vắt ngang qua Tri Tân (sau này là Phường 6), Điệp Thạch (sau này là Phường 9) lên chùa Phướng, Mỹ Tiền (nay là Phường 7)... được tiểu khu Vĩnh Bình thường xuyên gia cố, xem là “cánh cửa thép” an toàn phía Nam tỉnh lỵ. Để phá vỡ thế kềm kẹp và xuyên thủng “lá chắn”, tạo cửa ngõ ra vào, chuẩn bị hình thành bàn đạp tiến công nội ô cho những đòn chiến lược sau này, theo sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Thị ủy Trà Vinh xác định công tác Khmer vận thị xã tập trung chủ yếu vào khu vực Tri Tân, chùa Phướng, Mỹ Tiền, lấy Tri Tân làm trọng điểm.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn thăm gia đình ông Thạch Minh Mẫn nhân dịp Lễ Sêne Đôlta 2023. Ảnh: BTV
Giữa năm 1973, Tỉnh ủy Trà Vinh điều đồng chí Thạch Minh Mẫn (Ba Thành) từ Thường vụ Huyện ủy Trà Cú về tăng cường cho thị xã với vai trò Ủy viên Ban Thường vụ Thị ủy, trực tiếp phụ trách công tác Khmer vận. Thời điểm này, cơ sở cách mạng trong đồng bào Khmer tại nội ô tỉnh lỵ cũng như các khu vực có đông đồng bào Khmer ngoại vi thị xã tuy có nhưng còn mỏng và yếu, chưa đủ sức đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài. Việc gầy dựng cơ sở và phong trào quần chúng trong đồng bào Khmer Tri Tân trở thành yêu cầu bức bách. Làm được điều đó cũng có nghĩa là ta mở thêm được một con đường tiến công vào tỉnh lỵ, hình thành được thế hai gọng kềm từ hai hướng chính diện Bắc - Nam.
Vừa nhận công tác tại thị xã, đồng chí Thạch Minh Mẫn được Thị ủy phân công trực tiếp chịu trách nhiệm phụ trách khu vực các ấp có đông đồng bào Khmer là Tân Ngại, Tri Tân A, Tri Tân B, Mỹ Tiền, Điệp Thạch, Tầm Phương... ở phía Nam tỉnh lỵ. Bằng nỗ lực tự thân và sự hỗ trợ của Ban Khmer vận tỉnh, chẳng bao lâu sau, ông đã xây dựng được một số cơ sở nòng cốt trong đồng bào Khmer, vận động xây dựng cơ sở và cài cắm cơ sở vào các đơn vị bảo an, dân vệ đồn trú tại khu vực này như các anh Kim Sết, Thạch Xây, Thạch Tân ở đồn Tri Tân B, anh Kim Sốt ở đồn Tân Ngại, đưa đàng viên Thạch Hoàng từ Trà Cú lên trá hàng để cài cắm vào đồn bảo an Hòa Lạc.
Đến cuối năm 1974, trên địa bàn này đã hình thành được một Chi bộ Đảng, một trung đội du kích mật do anh Thạch Nhom là Trung đội trưởng, anh Thạch Niện làm Trung đội phó. Ở đây, ta có thể tạm so sánh để thấy mức độ hiệu quả của các lực lượng bí mật này. Trong trường hợp sử dụng lực lượng vũ trang tiến công từ bên ngoài vào, chắc chắn một trung đội, thậm chí một đại đội bộ binh được trang bị mạnh sẽ không hiệu quả bằng những cơ sở trong lòng địch đứng chân trên cửa ngõ yết hầu. Khi ta tấn công, yếu tố bất ngờ và sức mạnh quân sự sẽ tăng lên gấp nhiều lần, nếu có sự phối hợp tốt với các cơ sở đã cài cắm sẵn.
Trong công tác vận động quần chúng Khmer, nhất thiết phải có người đứng mũi chịu sào là một cán bộ người Khmer có năng lực, có uy tín, đồng thời phải vận động xây dựng cho được cơ sở là là các vị sư đang tu học, nhất là sư cả nhứt, cả nhì trụ trì tại các ngôi chùa. Nắm vững yếu tố này, được sự hỗ trợ của Ban Khmer vận và Ban Sãi vận tỉnh, đồng chí Thạch Minh Mẫn đã đưa đồng chí Lục Bông vào tu ở chùa Phướng, sư Sơn Sara(1), Thạch Nhứt vào chùa Samrone, sư Sơn Song(2), Thạch Sương, Thạch Sao, Lâm Trường Sơn vào chùa Mới.
Đến cuối năm 1974, một Chi bộ Sãi vận(3) được thành lập, do đồng chí Sơn Song làm bí thư, ngay tại chùa Mới, do Sư cả Ngô Siêu trụ trì, người được chính quyền Sài Gòn xem là thân tín. Các vị sư vốn là chỗ dựa tinh thần của bà con Khmer trong từng phum sóc, khi các vị đã không thể ngồi yên mà kinh kệ tu hành, đứng lên tham gia vào cuộc đấu tranh thì con sóc cũng sẽ nhất tề đi theo, kể cả binh sĩ Khmer đang trong hàng ngũ quân đội Sài Gòn.
Như vậy, ở thời điểm chuẩn bị vào chiến dịch mùa khô 1974 - 1975, các cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn tại Trà Vinh tỏ ra rất yên tâm với hệ thống đồn bót kiên cố, binh lính dày đặc tại cửa ngõ phía Nam. Họ đâu thể hình dung được một lực lượng đông đảo cán bộ, đảng viên kể cả chính trị, binh vận, vũ trang đang ngày đêm bám địa bàn một cách vững chắc, dưới màu áo chư tăng, à cha, anh xe lôi, chị bạn hàng, kể cả màu áo lính dân vệ, bảo an. Đây chính là những đầu cầu, những điểm kết nối góp phần tạo nên sức mạnh cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Tiểu khu Vĩnh Bình chủ quan luôn tỏ ra tin tưởng vào “lá chắn thép” và những “cánh cửa thép” đã bày binh bố trận nhưng họ đâu hay rằng “chìa khóa” cánh cửa phía ấy từ lâu đã nằm gọn trong tay Thị ủy Trà Vinh, mà người được giao cầm giữ chiếc chìa khóa ấy là đồng chí Thạch Minh Mẫn - người cán bộ Khmer trung kiên, bất khuất, tận tụy. Từ đó, tạo ra những bất ngờ mang tính chiếc lược. Bất ngờ ấy lại dẫn đến những bất ngờ khác, đẩy chính quyền và quân đội Sài Gòn tại Trà Vinh vào thế không thể chống đỡ nổi.
Từ những cơ sở vững chắc mà đồng chí Thạch Minh Mẫn đã tạo dựng được trong đồng bào Khmer nói riêng, cả khu vực 3 nói chung, Tỉnh ủy và Ban Chỉ huy chiến dịch tỉnh Trà Vinh đi đến quyết định chọn đây là hướng tiến công quan trọng về quân sự và là hướng chủ yếu của khởi nghĩa về chính trị, binh vận cho chiến dịch giải phóng tỉnh lỵ Trà Vinh. Chính nhờ những cơ sở trung kiên mà đồng chí Thạch Minh Mẫn dày công xây dựng mà cuộc hành quân hàng mấy trăm con người, cả quân sự lẫn chính trị, trong đêm 29/4/1975, từ Đai Tèn vượt qua bao đồn bót trên chặng đường hơn chục cây số, vòng qua phía Đông sông Long Bình, rồi vượt sông trở lại, vào đến điểm tập kết chùa Mới Tri Tân, mà hệ thống tai mắt của tiểu khu Vĩnh Bình không hề hay biết. Trên tuyến sông Long Bình hôm ấy, các cơ sở quần chúng bố trí hàng chục chiếc ghe xuồng lớn nhỏ như vô tình đậu sẵn để cán bộ, chiến sĩ quân Giải phóng hai lần vượt sông bí mật và an toàn. Khi pháo lệnh tấn công nổ ra tại trận địa then chốt thì lực lượng ta đã có mặt bên trong Tri Tân, “cánh của thép” ngoại vi phía nam của tiểu khu Vĩnh Bình trở nên vô hiệu hoàn toàn.
Tiếp đó, sáng sớm ngày 30/4/1975, theo chỉ đạo của đồng chí Thạch Minh Mẫn, đảng viên Kim Sết cùng các cơ sở trong trung đội dân vệ nổi dậy khởi nghĩa, chiếm đồn Tri Tân A (khu vực ngã tư đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Đáng ngày nay), thu toàn bộ vũ khí. Khi anh em binh sĩ tay không rời đồn, chư tăng cùng quần chúng Khmer và gia đình binh sĩ đợi sẵn, đưa anh em ngay vào chùa xuống tóc và mặc áo cà sa, đề phòng địch quay lại bắt anh em trở lại cầm súng. Sau đó, đồng chí Kim Sết cùng các cơ sở binh vận và quần chúng các dân tộc tại chỗ vận động binh sĩ 8 đồn lân cận buông súng trở về với Nhân dân, tự lực giải phóng hoàn toàn hai ấp Tri Tân A và Tri Tân B, mở toang cửa ngõ phía Nam, tạo chỗ đứng an toàn cho lãnh đạo mũi khởi nghĩa đứng chân chỉ đạo phong trào quần chúng nổi dậy, tiến vào nội ô tỉnh lỵ(4).
Trong khi đó, các vị sư Sơn Song, Thạch Sao, Lâm Trường Sơn… vận động chư tăng chùa Mới ra hỗ trợ du kích mật chiếm đồn; đồng thời, vận động bà con Khmer cùng quần chúng các dân tộc Việt, Hoa tại chỗ nổi dậy. Trong Chiến dịch giải phóng Trà Vinh mùa Xuân 1975, đồng bào các dân tộc khắp thị xã đã xuống đường, nổi dậy khởi nghĩa nhưng điểm xuất phát, nơi bốc cao ngọn lửa đầu tiên vẫn là hướng Tri Tân, mà tâm điểm là chư tăng, bà con Khmer khu vực chùa Mới, nơi tiểu khu Vĩnh Bình đến ngày cuối cùng vẫn tin là cửa ngõ phía Nam an toàn của tỉnh lỵ.
Cũng chính từ nơi đây, khi Tướng Dương Văn Minh công bố lệnh ngừng bắn tại chỗ, theo chỉ bđạo của lãnh đạo mũi khởi nghĩa, sư Sơn Song- Bí thư Chi bộ Sãi vận đã cùng sư Sơn Sara và các vị sư Khmer khác, ngồi trên xe Jeep vào tận Dinh Tỉnh trưởng gọi hàng Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Sơn, để từ đó viên Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Sơn, trước sức mạnh tấn công của các đơn vị vũ trang cách mạng, của lực lượng quần chúng khởi nghĩa như bão xô sóng dậy của quân dân ta, buộc lên máy kêu gọi binh sĩ ngụy quân buông súng đầu hàng vô điều kiện.
Sau ngày giải phóng, đồng chí Thạch Minh Mẫn tiếp tục công tác tại Thị xã ủy Trà Vinh, với cương vị Ủy viên Ban Thường vụ. Sau khi tỉnh Trà Vinh được tái lập (tháng 5/1992), ông là Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh.
TRẦN DŨNG
1. Sư Sơn Sara thời điểm Mùa xuân 1975 là Cả nhì chùa Samrone.
2. Ông Sơn Song là nông dân Khmer ở ấp Giồng Tranh (Tập Ngãi). Năm 1965, vợ chồng ông tay không bắt sống tên Nhạc - Trung đội trưởng biệt kích. Cuối năm 1973, theo yêu cầu nhiệm vụ, ông lại xuống tóc vào chùa (gọi là lục tà) và được Ban Sãi vận tỉnh điều về thị xã, bố trí làm Bí thư Chi bộ Sãi vận chùa Mới. Ông là thân phụ đồng chí Sơn Song Sơn - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ.
3. Giai đoạn 1961 - 1975, do tính đặc thù địa bàn nội ô, Ban Thường vụ Thị ủy Trà Vinh có thể lập các chi bộ trực thuộc theo tính chất công tác như Chi bộ Tư - Trí vận, Chi bộ Phụ vận, Chi bộ Sãi vận… các Chi bộ này tự giải thể khi chấm dứt nhiệm vụ công tác.
4. Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân thị xã Trà Vinh (1930 - 1975). Trần Dũng. Thành ủy Trà Vinh ấn hành năm 2020. Trang 297, 298.