Thạch Hà tích cực khoanh vùng, phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Từ đầu tháng 1/2025 đến nay, trên địa bàn Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã ghi nhận 6 ổ dịch tả lợn châu Phi. Công tác khoanh vùng, dập dịch đang được địa phương triển khai tích cực.
Ngày 6/1, ca bệnh dịch tả lợn châu Phi đầu tiên được phát hiện trên địa bàn Thạch Hà tại hộ ông Nguyễn Đức Thanh (thôn Đức Châu, xã Thạch Châu) với 2 con lợn bị chết.
Ngay sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, cán bộ thú y xã Thạch Châu đã khoanh vùng dịch tại thôn Đức Châu, hỗ trợ gia đình tiêu hủy lợn và hướng dẫn các biện pháp tiêu độc, khử trùng. Xã Thạch Châu cũng thông tin rộng rãi trên loa phát thanh và thông qua liên đoàn cán bộ thôn, hội đoàn thể tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm chủ động các biện pháp phòng chống dịch.
![Ngay sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, cán bộ thú y xã Thạch Châu đã khoanh vùng dịch tại thôn Đức Châu, hỗ trợ gia đình tiêu hủy lợn và hướng dẫn các biện pháp tiêu độc, khử trùng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_281_51456835/6742049933d7da8983c6.jpg)
Ngay sau khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, cán bộ thú y xã Thạch Châu đã khoanh vùng dịch tại thôn Đức Châu, hỗ trợ gia đình tiêu hủy lợn và hướng dẫn các biện pháp tiêu độc, khử trùng.
Dẫu địa phương đã triển khai nhiều biện pháp, nhưng sau đó không lâu, ngày 14/1, trên địa bàn xã, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục xảy ra ở 14 con lợn của hộ ông Phan Văn Bưởi (thôn Hồng Lạc). Sau đó, dịch bệnh tiếp tục lan đến đàn lợn 9 con của 2 hộ dân khác trong thôn.
Gần đây nhất, ngày 9/2, đàn lợn 15 con của gia đình chị Lê Thị Anh (thôn Quang Phú) buộc phải tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi.
![Thực hiện hướng dẫn của ngành chức năng, đến nay gia đình chị Lê Thị Anh, thôn Quang Phú (Thạch Châu) đã tiêu hủy lợn, thực hiện tiêu độc, khử trùng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_281_51456835/2d6840b377fd9ea3c7ec.jpg)
Thực hiện hướng dẫn của ngành chức năng, đến nay gia đình chị Lê Thị Anh, thôn Quang Phú (Thạch Châu) đã tiêu hủy lợn, thực hiện tiêu độc, khử trùng.
Chị Anh chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên chúng tôi chăn nuôi lợn, đầu tư kinh phí khá lớn, lợn đã bắt đầu đến ngày xuất chuồng, vậy mà lại bị dịch mất trắng. Thực hiện hướng dẫn của ngành chức năng, gia đình đã tiêu hủy lợn, thực hiện tiêu độc, khử trùng. Chỉ mong dịch bệnh sớm qua để chúng tôi có thể tái đàn trở lại”.
Như vậy, chỉ trong hơn 1 tháng, tại Thạch Châu đã phát hiện 5 ổ dịch ở 3 thôn với số lợn tiêu hủy 40 con, tổng trọng lượng hơn 1.500kg.
Ông Lê Văn Thông - Chủ tịch UBND xã Thạch Châu cho biết: “Dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra ở 3/11 thôn trên địa bàn, gây thiệt hại rất nặng nề cho các hộ chăn nuôi. Cùng với hướng dẫn của ngành chuyên môn, hiện nay, xã đang tập trung cao công tác tuyên truyền, đồng thời rà soát số hộ, số đàn lợn trên địa bàn để tiếp tục có giải pháp phòng, chống kịp thời. Tất cả các hộ dân chăn nuôi lợn đều được cấp hóa chất tiêu độc, vôi bột; tới đây, xã sẽ cử cán bộ phun tiêu độc, khử trùng ở tất cả các điểm công cộng trên địa bàn”.
![Lợn bệnh đã được các địa phương tiêu hủy.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_281_51456835/210549de7e9097cece81.jpg)
Lợn bệnh đã được các địa phương tiêu hủy.
Không chỉ ở Thạch Châu, dịch tả lợn châu Phi cũng đang xảy ra ở xã Thịnh Lộc. Ca bệnh đầu tiên trên địa bàn xã phát hiện vào ngày 7/1, ca cuối phát hiện ngày 31/1 ở cùng hộ bà Nguyễn Thị Ngãi với tổng đàn 6 con, trọng lượng gần 420kg. Không chủ quan với dịch bệnh, xã Thịnh Lộc đã và đang ráo riết triển khai nhiều biện pháp khoanh vùng, phòng chống dịch.
Ông Lê Doãn Khánh - Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: “Tổng đàn lợn trên địa bàn hiện có gần 400 con với hơn 100 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Ngay sau khi phát hiện ra dịch, xã đã thực hiện các giải pháp khoanh vùng, lập chốt kiểm soát dịch và khuyến cáo người chăn nuôi không tăng đàn, tái đàn khi không đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh. Xã cũng chỉ đạo đoàn liên ngành cấp xã thường xuyên kiểm tra tại các chợ, các điểm kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, cơ sở giết mổ gia súc tập trung nhằm phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời tuyên truyền người chăn nuôi "5 không": không giấu dịch; không mua, bán, vận chuyển lợn bệnh, chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn ốm, chết; không vứt xác lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý làm thức ăn cho lợn".
![Thạch Hà đã tiến hành cấp phát gần 500 lít hóa chất, gần 5 tấn vôi bột đến các địa phương có dịch và địa bàn lân cận để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_281_51456835/650a17d1209fc9c1908e.jpg)
Thạch Hà đã tiến hành cấp phát gần 500 lít hóa chất, gần 5 tấn vôi bột đến các địa phương có dịch và địa bàn lân cận để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Thạch Hà có địa bàn rộng, giao thông thuận lợi, các hoạt động vận chuyển, buôn bán tái đàn, tăng đàn gia tăng, bên cạnh đó, thời tiết bất lợi đang làm tăng nguy cơ dịch bệnh phát sinh, lây lan. Để tập trung khoanh vùng, dập dịch và phòng, chống dịch bệnh lan rộng, huyện đã ban hành công văn, chỉ đạo các biện pháp chống dịch ở địa bàn xảy ra dịch và phòng bệnh ở các địa bàn lân cận.
Ông Võ Tá Bình - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật và bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện cho biết: "Ngay sau khi phát hiện dịch bệnh, đơn vị đã phối hợp các xã tiêu hủy lợn chết; cấp phát gần 500 lít hóa chất, gần 5 tấn vôi bột đến các địa phương có dịch và địa bàn lân cận để phòng, chống dịch; hướng dẫn chặt chẽ các biện pháp xử lý khi có dịch. Chúng tôi đang tập trung rà soát, nắm chắc tình hình dịch bệnh, số đàn, số hộ, trang trại chăn nuôi lợn nhằm khuyến cáo giải pháp kịp thời".
"Trung tâm cũng đang tích cực phối hợp với các phòng, ban, ngành chỉ đạo cơ sở kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn, sản phẩm của lợn không đúng quy định. Hướng dẫn kịp thời các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh và tham mưu sẵn sàng vật tư, dụng cụ, hóa chất, để ứng phó với bệnh dịch tả lợn châu Phi" - ông Võ Tá Bình chia sẻ.