Thạch Duồng: Danh tướng người Khmer làng Nguyệt Lãng (Trà Vinh) - thời khẩn hoang

Trong những làng quê bên bờ Sông Hậu hiền hòa có làng, nay là ấp Giồng Thanh Bạch, xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long có một Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ở đó, người dân Giồng Thanh Bạch đã 205 năm qua chăm sóc, bảo vệ, tôn tạo khu mộ và xây dựng khu Lăng thờ vị Thành Hoàng Bổn Cảnh - Lăng Ông Tiền quân Thống Chế Điều Bát - Một danh tướng người Khmer đất Trà Vinh thời khẩn hoang. Chúng ta dừng chân với ngôi đền này để cùng chia sẻ niềm kính trọng, tự hào với người dân Giồng Thanh Bạch.

Lăng Ông Tiền quân Thống Chế Điều Bát tướng quân - Chưởng, quân Thủy quân doanh Nguyễn Văn Tồn (Thạch Duồng 1763 - 1820) tại xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: TRẦN ĐIỀN

Ấp Giồng Thanh Bạch nằm cặp Quốc lộ 54 đoạn Cầu Kè (Trà Vinh) đi Trà Ôn (Vĩnh Long), cách thị trấn Trà Ôn chừng 02km. Phía trước Lăng Ông là cánh đồng lúa bát ngát các ấp Mỹ Hòa, Mỹ Lợi ven Sông Hậu thuộc xã Thiện Mỹ. Bước vào cổng Lăng Ông, chúng ta thấy trang nghiêm đôi liểng song song mang câu đối chữ Việt cách điệu:

Trà Ôn linh tích uy danh ngôi miếu cổ

Viễn trấn anh hào rạng rỡ vị thần oai

Theo Đại Nam Thực Lục Chính biên thì sách xưa ghi Lăng Ông Tiền quân Thống Chế Điều Bát tướng quân tại ấp Giồng Thanh Bạch, thờ vị công thần dưới triều Nhà Nguyễn. Họ, tên thật của ông là Thạch Duồng - Người dân tộc Khmer sinh năm Quý Mùi- 1763 ở làng Nguyệt Lãng (nay xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) - Lúc còn trẻ, ông là một thanh niên lực lưỡng khôi ngô, võ nghệ cao cường, tấm lòng đức độ. Năm 26 tuổi, ông chiêu mộ dân binh theo phò chúa Nguyễn Vương.

Trong cuộc Nam tiến xưa khẩn hoang vùng đất Nam Bộ vào đầu thế kỷ XVIII, chúa Nguyễn thành lập đại đồn Oai Viễn ở vùng ven Sông Hậu. Thạch Duồng - Chàng trai trung tín phò vương làng Nguyệt Lãng được Nguyễn Vương trọng dùng và phong chức Chưởng quản Thống suất đại đồn Oai Viễn trấn, và được gia nhập hoàng thân. Ông được Nguyễn Vương cho phiên mục đổi họ, tên Thạch Duồng thành họ với hoàng thân và có họ tên đầy đủ là Nguyễn Văn Tồn, cai quản khoảng 1.500 dân binh bản địa và hàng chục ngàn lưu dân từ nơi khác đến trên diện tích đại đồn rộng hàng ngàn dặm vuông thuộc vùng đất hai huyện Cầu Kè và Trà Ôn ngày nay.

Năm 1810, đất nước Cao Miên có nội chiến và ngoại xâm. Phụng mạng triều đình Huế, Tiền quân Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn điều động quân binh, gia nhập đại quân Thoại Ngọc Hầu sang giúp vua Cao Miên dẹp giặc. Sau khi thắng trận, Tiền quân Nguyễn Văn Tồn cùng với 1.000 quân binh đại đồn Oai Viễn được phân công nhiệm vụ ở lại trấn thủ thành Nam Vang, giúp vua Cao Miên trị nước an dân.

Sau khi trở lại quê hương (năm 1813), Tiền quân Nguyễn Văn Tồn được triều đình phong chức Thống Chế, ban tước Dung Ngọc Hầu, tiếp tục cho cai quản vùng đất Cầu Kè - Trà Ôn với nhiệm vụ cùng với dân binh tiến hành công cuộc khai mở đất hoang vốn phì nhiêu màu mỡ thành vùng đất canh tác an bình thịnh vượng cho dân chúng. Năm 1817, một lần nữa phụng mệnh triều đình, ông điều động 500 dân binh lên vùng Châu Đốc trợ lực cùng Thoại Ngọc Hầu đào kênh Tam Khê dài hơn 30km, rộng hơn 40m, sâu hơn 07m, tạo thuận lợi cho giao thông đường thủy và sản xuất nông nghiệp vùng này. Năm 1819, Tiền quân Điều Bát tiếp tục đưa hàng ngàn dân binh đại đồn Oai Viễn đến hợp sức cùng Thoại Ngọc Hầu đào kênh Vĩnh Tế dài gần 100km nối liền Châu Đốc với Hà Tiên. Đây là công trình có ý nghĩa chiến lược về biên giới, giao thông và thủy nông vùng đất Hà Tiên - Châu Đốc đến ngày nay.

Sau khi trở về cố quán, ngày mùng 4 tháng Giêng năm Canh Thìn - 1820, Tiền quân Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn thọ chung tại doanh trại thủy quân bên bờ sông Măng Thít, đoạn Trà Ôn, sau 57 năm trụ thế. Dân chúng trong vùng tiếc thương vị Tiền quân hiền tài đức độ, nghĩa dũng trung thần, nên đắp một con lộ đất từ mé sông nơi doanh trại thủy binh đồn trấn qua cánh đồng Mỹ Phú làng Thiện Mỹ để đưa thi hài ông về an táng tại Giồng Thanh Bạch. Mộ phần ông được xây kiên cố tại đây. Sau khi ông mãn phần, Triều đình Huế phái đại thần mang phẩm vật vào làm lễ điếu tế với nghi thức long trọng trong ba ngày liền. Với những công trạng to lớn, Ông được triều đình lúc bấy giờ sắc phong Thành Hoàng Bổn Cảnh - Trung dũng thiên trực. Chức vụ của ông được ghi đầy đủ trên văn bia là: Dung Ngọc Hầu Tiền quân Thống Chế Điều Bát tướng quân, Chưởng quân, Thủy quân doanh Nguyễn Văn Tồn.

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện ghi: Ông Điều Bát là võ tướng có công phò Chúa. Là vị quan trung tín tạo được cảm tình, gắn bó với quân sĩ và bạn đồng liêu. Là người gắn chặt sự đoàn kết giữa 03 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa trong vùng.

Trong Tạp chí Indochine bản tiếng Pháp ấn hành năm 1942, tác giả Lý Văn Phúc viết: khách thập phương có dịp về Cần Thơ đừng quên ghé qua Trà Ôn để nghiêng mình trước phần mộ của Ông quan Hầu Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn.

Ngày 14/4/1973 - trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt “Đánh cho Mỹ cút. Đánh cho Ngụy nhào” - Giáo sư, Tiến sĩ Lý Văn Hùng ở Đại học Văn khoa Sài Gòn về Trà Ôn ghé viếng Lăng Ông Thống Chế Điều Bát tướng quân và cảm khái đề thơ :

Oai linh Viễn trấn cỏi Trà Ôn

Trí dũng xông pha, tiếng nổi cồn

Sắc tứ tánh danh thêm rạng rỡ

Kỳ công cứu giá định càn khôn

Sách Tục ngữ ca dao tỉnh Vĩnh Long do Nguyễn Chiến Thắng chủ biên, ghi:

Đi qua Thiện Mỹ mới nghĩ chuyện cúng đình

Thắp nhang cụ Điều Bát - Vái cha mẹ mình sống lâu.

Hội đồng nhân dân huyện Trà Ôn quyết định lấy tên Thống Chế Điều Bát đặt tên cho một con đường chính trong nội ô huyện lỵ Trà Ôn nằm cặp bờ Sông Hậu.

Lăng Ông Tiền quân Thống Chế Điều Bát tướng quân - Chưởng, quân Thủy quân doanh Nguyễn Văn Tồn (Thạch Duồng 1763 - 1820) tại xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: TRẦN ĐIỀN

Lăng Ông Tiền quân Thống Chế Điều Bát tướng quân - Chưởng, quân Thủy quân doanh Nguyễn Văn Tồn (Thạch Duồng 1763 - 1820) tại xã Thiện Mỹ, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: TRẦN ĐIỀN

Trong suốt 205 năm qua, Lăng Ông Tiền quân Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn đã qua 04 lần trùng tu, sửa chữa vào các năm 1937, 1953, 1960, 1994.

Ngày 13/02/1996, Lăng Ông Tiền quân Thống Chế Điều Bát tướng quân - Chưởng quân Thủy quân doanh Nguyễn Văn Tồn (1763 - 1820) được Bộ Văn hóa Thông tin ra Quyết định số 310 công nhận là Khu di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2005, Lăng Ông Tiền quân Thống Chế Điều Bát tướng quân được trùng tu tôn tạo lần thứ 5 với dáng vẻ khang trang trên diện tích rộng 8.000m2.

205 năm qua, mỗi độ Nhân dân ta đón tết Nguyên đán thì tùy theo hoàn cảnh và thời cuộc, Nhân dân ấp Giồng Thanh Bạch cũng chuẩn bị lễ giỗ cho cụ Tiền quân Thống Chế Điều Bát tướng quân Nguyễn Văn Tồn. Lễ giỗ diễn ra trong 03 ngày, Mùng 3, Mùng 4 và Mùng 5 Tết trong không khí hết sức trang nghiêm long trọng theo nghi thức lễ hội truyền thống của dân tộc.

Trong những ngày lễ giỗ, Nhà nuớc không phải chi ngân quỹ mà hàng ngàn người dân ở nhiều vùng từ Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng về đây góp lễ vật, bạc tiền làm giỗ như ngày giỗ hội để cùng ăn Tết với gia đình lớn và nay đã trở thành ngày lễ hội truyền thống của Trà Ôn. Trong những ngày lễ hội, Ban Bảo vệ Lăng Ông tổ chức các chương trình biểu diễn nhiều loại hình văn nghệ đặc sắc và phong phú như hát bội, hát cải lương, biểu diễn nhạc ngủ âm. Người dân đến xem biểu diễn văn nghệ ở Lăng Ông đông vô kể mà không phải tốn tiền. Không khí lễ hội Lăng ông Tiền quân Thống Chế Điều Bát tướng quân hàng năm được ca dao Trà Ôn ghi lại:

Năm nay lúa chín đầy đồng

Trà Ôn mở hội Lăng Ông tưng bừng

Qua Lăng Ông Tiền quân Thống Chế Điều Bát tướng quân Ngyễn Văn Tồn ở Trà Ôn nhắc chúng ta điều: những bậc công thần, thật sự có công lao với dân tộc, không cần phải tạc tượng bên đường, họ vẫn sống mãi trong cõi nhớ của Nhân dân.

Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, tồn tại hơn 200 năm đã qua nhiều lần trùng tu. Năm 2020, Lễ hội Lăng Ông Trà Ôn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

TRẦN VĂN ĐIỀN (Biên khảo)

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/xa-hoi/thach-duong-danh-tuong-nguoi-khmer-lang-nguyet-lang-tra-vinh-thoi-khan-hoang-44961.html
Zalo