Thạch An tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cấp ủy, chính quyền huyện Thạch An tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạch An Nông Thị Chuyền cho biết: Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT), định hướng cho người lao động tham gia học nghề, gắn công tác đào tạo nghề với chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt nhiệm vụ công tác trong lĩnh vực đào tạo nghề cho LĐNT.

Ðể từng bước đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề, trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động cũng như đặc thù của từng địa phương, huyện chỉ đạo chính quyền các cấp điều tra nhu cầu LĐNT phù hợp với lĩnh vực ngành, nghề đào tạo tại địa phương. Cùng với đó, đầu tư trang thiết bị, tổ chức các lớp đào tạo dựa trên nhu cầu thực tiễn của người lao động gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Gáo dục thường xuyên huyện tổ chức được 9 lớp đào tạo nghề: Sửa chữa máy nông nghiệp; nuôi và phòng trị bệnh cho lợn; trồng và khai thác rừng trồng; trồng rau an toàn cho 270 LĐNT.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thạch An tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Thạch An tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, một số ít LĐNT chưa nhận thức đầy đủ về việc học nghề để tạo việc làm, do đó việc tổ chức mở lớp học nghề tại một số xã gặp khó khăn, không thu hút hoặc chiêu sinh được học viên. Sau khi học nghề xong, một số lao động chưa mạnh dạn vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế. Đặc biệt, trên địa bàn các xã, thị trấn, người lao động trẻ đa phần đi làm việc tại các công ty dẫn đến việc tuyển sinh đào tạo nghề rất khó khăn. Chủ yếu người lao động sản xuất theo tập quán và thủ công, chưa chú trọng việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất.

Huyện tiếp tục tập trung đào tạo ngành nghề, dịch vụ mới phù hợp với từng địa phương; tạo cơ hội cho người nghèo, người dân tộc thiểu số vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; khuyến khích LĐNT học nghề, xuất khẩu lao động. Tăng cường liên kết đào tạo giữa cơ sở dạy nghề, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua nhiều hình thức liên kết đào tạo, tuyển dụng sau đào tạo để tăng cơ hội tìm kiếm việc làm cho LĐNT. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề, tạo việc làm cho LĐNT; phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề cho LĐNT. Nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và LĐNT về vai trò của đào tạo nghề đối với việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác dạy nghề, tham gia các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn để thực hiện công tác đào tạo nghề hiệu quả. Hằng năm, xây dựng kế hoạch dạy nghề, có sự phối hợp trong công tác triển khai đào tạo nghề; kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả, hiệu quả sau đào tạo nghề trên địa bàn. Chọn mô hình điểm để nhân rộng ra toàn huyện. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đáp ứng các tiêu chí, các quy định của Đề án đào tạo nghề cho LĐNT.

Phương Oanh

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/thach-an-tang-cuong-dao-tao-nghe-cho-lao-dong-nong-thon-3171065.html
Zalo