Thà ít mà tốt!
Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết quan trọng với chủ đề 'Tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả', nhấn mạnh yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng là phải khẩn trương đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Đáng chú ý, trong bài viết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dẫn lời của lãnh tụ cộng sản V.I.Lênin nói về cải tiến bộ máy nhà nước, đó là: "Phải tuân theo quy tắc này: Thà ít mà tốt... Tôi biết rằng giữ vững quy tắc ấy và vận dụng được nó vào tình hình thực tế của chúng ta là khó khăn... Tôi biết rằng sẽ phải kháng cự một cách mãnh liệt, sẽ phải tỏ ra kiên trì phi thường... Song tôi vẫn tin chắc rằng chỉ có tiến hành công tác đó, chúng ta mới có thể xây dựng được một nước cộng hòa thật sự xứng danh là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-Viết".
Đoạn trích dẫn này tuy không dài nhưng có thể nói đã hội tụ đầy đủ mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ, những khó khăn, thách thức đặt ra khi tiến hành đổi mới, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị; đồng thời cho thấy rõ sự cần thiết phải có ý chí quyết tâm chính trị cao, cùng niềm tin mạnh mẽ vào thành quả và ý nghĩa đạt được. Thời gian tới, “thà ít mà tốt” chắc chắn sẽ là "từ khóa" hàng đầu nhắc nhở suốt quá trình tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị.
Như đã được chỉ rõ trong bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta liên tục ban hành nhiều nghị quyết, kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Mặc dù đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực, nhưng cho đến nay, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng được hết yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng...
Điều đó cho thấy, bộ máy hệ thống chính trị hiện nay vẫn còn tình trạng tuy đông mà chưa mạnh.
Minh chứng rõ nhất cho thấy hệ thống chính trị còn cồng kềnh và cần phải khẩn trương tinh gọn chính là tỷ lệ ngân sách dùng để trả lương, chi thường xuyên phục vụ hoạt động của bộ máy chiếm quá lớn, lên đến 70%. Vì vậy, ngân sách chỉ còn khoảng 30% để chi cho đầu tư phát triển. Trong phát biểu thảo luận tại kỳ họp thứ tám của Quốc hội khóa XV ngày 31-10-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh một thực tế: “Không tinh gọn bộ máy không phát triển được”. Bởi bộ máy cồng kềnh không những gây lãng phí do chi tiêu ngân sách quá lớn, mà còn làm ảnh hưởng tới tiến trình cải cách tiền lương. Vì một quyết định tăng lương có thể khiến tỷ lệ ngân sách dùng trả lương, chi thường xuyên tăng lên đến 80-90%, đồng nghĩa với tỷ lệ chi đầu tư phát triển tiếp tục giảm. Để đất nước phát triển, tự tin, vững vàng bước vào kỷ nguyên mới, nhất định phải tăng được tỷ lệ chi cho đầu tư.
Chính vì vậy, mấu chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, xét cho cùng và sớm muộn cũng phải làm, là tinh gọn bộ máy trên tinh thần “thà ít mà tốt”. Bởi chỉ khi đó mới có thể giảm chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển. Và chỉ khi đó mới có thể tăng lương, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị. “Có thực mới vực được đạo”, có bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mới có điều kiện, động lực tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ, tăng hiệu quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...
Để thực hiện tinh gọn bộ máy trên tinh thần “thà ít mà tốt” là cả một thử thách, khó khăn to lớn. Muốn thực hiện được, cấp ủy tổ chức Đảng các cấp phải thực sự là những “nhạc trưởng”, gương mẫu đi đầu, sát sao, kiên quyết trong triển khai thực hiện nhiệm vụ tinh gọn bộ máy. Trước hết, cần tập trung thực hiện hiệu quả 3 công tác trọng tâm mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu trong bài viết, tiến hành tổng kết 7 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, ngày 25-10-2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Quá trình tổng kết phải đánh giá khách quan, nghiêm túc, toàn diện về tình hình và kết quả đạt được, chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân; đặc biệt, cần đề xuất mô hình tổ chức mới, đánh giá ưu điểm và tác động khi thực hiện, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông trên tinh thần một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; hạn chế tổ chức trung gian; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể trên cơ sở tính đảng, tính hợp lý, tính hợp pháp.
Gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Ban hành quy định về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở từng cấp, từng loại hình để chủ động rà soát, xác định có thể bố trí ngay. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng người có năng lực nổi trội...
Đây là những giải pháp căn bản, có ý nghĩa quyết định, đòi hỏi phải được thực hiện bằng tinh thần cách mạng. Cách mạng chỉ xảy ra khi có những hành động cách mạng của những con người cách mạng. Những người làm cách mạng là những người yêu nước, sẵn sàng hy sinh cả lợi ích cá nhân, hết lòng, hết sức vì sự nghiệp chung. Với mục tiêu “thà ít mà tốt”, V.I.Lênin nói phải kháng cự một cách mãnh liệt, phải kiên trì phi thường. Đối với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng khẳng định phải nỗ lực phi thường, phải cố gắng vượt bậc. Đây chính là lúc cần tạo ra các phong trào cách mạng khơi dậy tinh thần yêu nước, tự tin, tự chủ, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng cống hiến của mọi người dân và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy mạnh mẽ tinh thần tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống chính trị. Tất cả cùng chung sức, đồng lòng để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới.