Tết xưa mãi trong tâm tưởng

Trong gian phòng chật hẹp nơi phố thị, chồng tôi khẽ khàng đốt ít hương trầm, thoang thoảng trong gió mùi hương nhẹ nhàng hòa lẫn cùng hương dịu ngọt của bánh mứt, càng khiến lòng người thêm háo hức chờ mong Tết.

Tết vốn dĩ là dịp để mọi người có cơ hội tạm gác lại những công việc dang dở, lãng quên những bộn bề lo toan trong cuộc sống, tự cho mình cơ hội được đoàn tụ, sum họp, quây quần bên gia đình, người thân của mình.

Tuy nhiên, nhịp sống hiện đại, xô bồ ngày nay khiến nhiều người quá tất bật mà quên đi những khoảnh khắc thiêng liêng cùng được sum họp bên gia đình. Tết dần dà chỉ còn là hoài niệm với nhiều người đã từng sinh ra và lớn lên trong những năm tháng khó khăn nhưng an vui của đất nước.

Những ngày xa xưa, Tết thường được các bà mẹ ở nông thôn chuẩn bị vào nhiều tháng trước. Cũng như những người phụ nữ lo toan khác, mẹ tôi thường tích góp khá nhiều tiền để mua sắm quần áo mới cho bọn trẻ con, chuẩn bị thêm phần gạo nếp, đỗ xanh, lá dong để gói bánh chưng rồi chăm chút vỗ béo mấy đàn gà dành riêng ngày Tết.

Mẹ cũng dành thời gian chuẩn bị những hũ dưa hành, củ kiệu ngâm muối để ăn Tết. Có cảm tưởng như trong tiềm thức người Việt, Tết luôn là thời điểm người ta để dành những điều tốt đẹp, thiêng liêng nhất để đón rước ông bà Tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.

Trước đây, chợ búa không sôi nổi và đa dạng hàng hóa như ngày nay. Đa phần chỉ khi Tết đến, những khu chợ Tết mới buôn bán nhiều thịt cá, rau củ và các sản vật để mọi người chuẩn bị ăn Tết. Đó là lý do vào những ngày giáp Tết, mẹ tôi lại tất bật ra chợ mua về đủ thứ nào thịt thà, miến dong, chuối, bưởi, hương vàng, bánh kẹo…

Ba tôi tất bật chăm sóc những chậu hoa mào gà đỏ thắm, mấy chậu hoa mai vàng tươi. Rồi đến những ngày 24-25 tháng chạp, cả nhà sẽ cùng nhau đi tảo mộ, dọn dẹp mộ phần sạch sẽ, thắp lên những nén hương thơm, lâm râm khấn vái mời ông bà Tổ tiên về ăn Tết.

Cũng trong những ngày giáp Tết ấy, ba tôi cùng với các cô bác trong xóm cùng chung tay mổ và chia thịt heo. Không khí đầy háo hức khiến lũ trẻ cứ thế rối rít chạy từ nhà này sang nhà khác để khoe những chiếc áo mới, vài đôi dép vừa được mẹ mua cho.

Tiếng nói của người lớn hòa lẫn tiếng cười của trẻ con rộn vang khắp nẻo đường giữa một vùng quê nghèo, nhưng đậm tình thắm nghĩa. Mỗi khi ba tôi mang món thịt được chia về, mẹ tôi lại xắn tay làm đủ món để chuẩn bị 3 ngày Tết như thịt đông, chả lụa, thịt nhồi mướp đắng, thịt heo ngâm nước mắm và nhiều món ăn khác nữa.

Để giảm bớt độ ngấy cho các món ăn ngày Tết, mẹ tôi thường ngâm củ hành, củ kiệu. Mẹ thường bảo rằng để có được một hũ hành, hũ kiệu thơm ngon nhìn tuy đơn giản nhưng lại rất khó. Cũng bởi, ngâm hành ngâm kiệu có nhiều cách làm khác nhau.

Nhưng để dưa hành có màu tím tươi, củ kiệu có màu trắng ngần, khi bảo quản lâu vẫn giữ được độ giòn rụm khi ăn đều phụ thuộc vào bí quyết của từng người. Dưa hành mẹ tôi làm khoảng độ chừng bảy đến mười ngày, còn củ kiệu tầm khoảng hai lăm đến ba mươi ngày là có thể ăn được.

Tôi rất thích cảm giác cả gia đình ngồi sum vầy nấu bánh. Các thành viên trong gia đình cứ thế xoay tròn quanh nồi bánh, từng bàn tay xòe ra rồi chụm lại, lấy hơi ấm từ ánh lửa đang bập bùng cháy đượm. Ba tôi hào hứng đun những thanh củi vào góc bếp được đặt bởi 3 cục đá to.

Ngọn lửa bừng cháy, nghe rõ tiếng lách tách của than củi, tiếng nước sôi lục sục, thi thoảng rơi xuống lửa than nghe xèo xèo, cảm giác rất thích thú. Trong không gian tĩnh mịch của đêm, mùi than hồng, mùi khói, mùi nước bánh hòa quyện thành một cảm giác không thể nào quên được. Tôi gọi đó là hương vị của sự sum vầy.

Hồi hộp thâu đêm chờ bánh chín như chờ đợi một cái Tết nồng ấm sóng sánh ánh mai vàng. Càng gần về sáng, tiết trời lành lạnh, ba tôi sẽ nhanh nhẹn trải một chiếc chiếu cho chúng tôi nằm cạnh bên bếp lửa. Hơi ấm và mùi bánh phảng phất một cảm giác thương yêu khó tả đưa chúng tôi vào giấc ngủ say nồng tự bao giờ.

Chỉ biết rằng vào buổi sáng, khi choàng tỉnh giấc đã thấy bánh được vớt ra đâu vào đó. Hít một hơi thật sâu, vươn mình trong nắng mai chiếu rọi qua thềm. Mùa xuân dường như đã quay về…

Năm tháng qua đi, phong tục vào những ngày Tết ít nhiều có sự thay đổi. Tuy nhiên, dẫu có bao nhiêu thời gian trôi qua Tết xưa vẫn khiến tâm hồn những người xa xứ như tôi nao nao mỗi khi nhớ về.

Trong tiết trời se se lạnh của tháng mười hai, vẫn còn phảng phất chút gió đông, tôi ngồi an tĩnh bên khung cửa, nghe biết bao kỷ niệm của một cái Tết ấu thơ ùa về. Chợt thèm được quay về nhà, cùng ngồi cạnh ba mẹ, để ngả lòng mình trong ánh nắng chiều xuân, hoài niệm lại những mùa Tết cũ, hít hà khói bếp trong lửa hồng ấm áp xuân nay…

MINH VÂN

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/tet-xua-mai-trong-tam-tuong-post119793.html
Zalo