Tết với người dân xóm Phao
Khi những bông hoa đào khoe sắc, khắp phố phường Hà Nội rực rỡ ánh đèn, nhà nhà nô nức chuẩn bị đón Tết, vui xuân thì tại bãi giữa sông Hồng, xóm Phao lặng lẽ kể một câu chuyện khác. Với bà con nơi đây, dịp Tết dường như không phải thời gian nghỉ ngơi, vui chơi mà là thời khắc bận rộn nhất trong năm để kiếm thêm thu nhập...
Xóm Phao nằm ở bãi giữa sông Hồng, thuộc địa phận phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội). Nơi đây từ lâu đã trở thành mái nhà tạm của hàng chục hộ dân tứ xứ đổ về.
Hiện nay, xóm nhỏ này là nơi che chở gần 100 con người, nhiều gia đình đã trải qua 3 thế hệ sinh sống trên những căn nhà nổi chênh vênh bên bờ sông. Công việc của họ đa phần là thu gom phế liệu, bốc vác, phục vụ quán ăn, hoặc làm nghề chài lưới.
Năm nay, cuộc sống vốn đã chật vật của người dân xóm Phao lại càng thêm vất vả bởi những thiệt hại do bão số 3 gây ra. Trận lũ lịch sử giữa tháng 9-2024 đã nhấn chìm nhiều căn nhà nổi, cuốn đi những tài sản ít ỏi mà họ dành dụm, tích góp bấy lâu. Tết Nguyên đán cận kề, việc sửa chữa nhà cửa chưa xong, tiền bạc lại chẳng có, áp lực tài chính trên vai của nhiều bà con xóm Phao lại càng thêm nặng.
Ông Nguyễn Đăng Được-người đầu tiên dựng nhà tại đây, được bà con tín nhiệm phong là xóm trưởng-ngậm ngùi: "Mọi năm, gia đình tôi cũng tiết kiệm được chút ít gọi là đồng ra đồng vào, còn sắm sửa thêm được ít đồ trang trí Tết. Nhưng năm nay khổ quá, bão lũ ảnh hưởng nặng nề, tôi chẳng mua được thêm gì, chỉ còn cái đèn lồng nhỏ, dải câu đối của năm ngoái mang ra sử dụng lại để bày biện trên bàn thờ...".
Không riêng ông Nguyễn Đăng Được, hầu hết các gia đình ở xóm Phao đều có hoàn cảnh khó khăn. Để có thêm chút tiền sắm sửa ngày Tết, bà con nơi đây lại càng phải nỗ lực làm việc, bởi lẽ vào dịp này, tiền công thường được trả cao gấp 3, gấp 4 lần so với ngày thường. Bà Lê Thị Hoa, sinh năm 1966, quê Lạng Sơn, chia sẻ: "Tôi đến xóm Phao từ năm 2007, đến nay đã được gần 20 năm.
Trước khi tới xóm Phao, tôi kiếm sống bằng nghề thu gom phế liệu, nay đây mai đó, không nhà không cửa. Trong một lần đi nhặt ve chai, tôi tình cờ phát hiện ra xóm Phao, thấy mọi người nơi đây sinh sống ổn định, đoàn kết nên tôi cũng xin ở lại, dựng nhà dựng cửa để có nơi trú ngụ qua ngày mưa gió. Bình thường, thu nhập trung bình mỗi ngày từ việc thu nhặt phế liệu của tôi từ 70.000 đến 100.000 đồng. Nhưng vào dịp cuối năm, các gia đình thường dọn dẹp nhà cửa, thải bỏ đồ cũ, hỏng nên lượng phế liệu nhiều hơn. Những ngày này, tôi có thể thu được từ 250.000 đến 350.000 đồng/ngày. Năm nào tôi cũng đi nhặt phế liệu đến 30 Tết. Có những năm tôi còn đón giao thừa trên phố khi đang đi thu gom phế liệu".
Những ngày cuối năm cũ, khi mùa xuân đang về, ở xóm Phao là bức tranh đan xen giữa nhịp sống tất bật mưu sinh và sự nỗ lực vươn lên, vượt qua nghịch cảnh. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng người dân trong xóm vẫn luôn giữ trong mình niềm tin về một cái Tết ngày càng ấm áp, đủ đầy hơn. Tết ở xóm Phao tuy không có đào, không có quất nhưng hơi ấm của tình người vẫn len lỏi trong những căn nhà nổi bên sông.
Hằng năm, mỗi dịp Tết đến lại có những đoàn thiện nguyện tới tặng quà, giúp đỡ bà con. Khi thì cái bánh chưng, khi thì đĩa xôi gấc... Những món quà tuy nhỏ nhưng là nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với mỗi người dân tại xóm nghèo này. "Mỗi dịp năm hết Tết đến, người dân trong xóm bảo nhau càng phải lao động nỗ lực, chăm chỉ hơn. Mong ước lớn nhất của chúng tôi là lũ trẻ trong xóm được ăn học đến nơi đến chốn, được đón những cái Tết ngày càng đủ đầy, trọn vẹn hơn”, ông Nguyễn Đăng Được chia sẻ.