Tết Việt luôn ấm áp và gắn kết
Đối với mỗi người Việt, ngày Tết cổ truyền thực sự là dịp đoàn viên ấm áp sau một năm bận rộn.
Tết mang theo nhiều niềm vui, sự háo hức và mong chờ. Không chỉ người Việt, mà những người nước ngoài từng ăn Tết Việt hoặc biết về Tết Việt qua những tin tức, cũng đều chung một cảm nhận về sự ấm áp, sum vầy, gắn kết trong ngày lễ cổ truyền này của người Việt.
Là một lưu học sinh Trung Quốc từng được trải nghiệm Tết Việt, bạn La Quế Anh, sinh viên năm thứ ba, Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Hà Nội cảm thấy đây là một dịp lễ vô cùng ấm áp và ý nghĩa. Không khí Tết ở Việt Nam rất nhộn nhịp, những phiên chợ đông đúc, nhà cửa được trang hoàng rực rỡ với hoa mai, hoa đào.
Điều đặc biệt ấn tượng đối với La Quế Anh là không khí sum vầy, đoàn tụ của các gia đình, mọi người dành thời gian bên nhau sau một năm làm việc vất vả. Được trải nghiệm Tết Việt khiến La Quế Anh cảm thấy ấm áp như ở nhà.
![Bạn La Quế Anh (người quàng khăn) cảm thấy Tết Việt rất ấm áp.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_01_438_51373050/6320182bdb64323a6b75.jpg)
Bạn La Quế Anh (người quàng khăn) cảm thấy Tết Việt rất ấm áp.
Có mẹ là người Việt Nam, La Quế Anh cảm nhận được sự nhiệt tình của người Việt trong ngày Tết và rất hiểu về phong tục ngày Tết Việt. Em cho biết, cũng giống như Trung Quốc, Việt Nam đón Tết theo lịch âm. Trong ngày Tết, người Trung Quốc thường trang trí đèn lồng đỏ, câu đối đỏ, hình ảnh linh vật và đặc biệt là hình ảnh Thần tài. Còn ở Việt Nam, trong ngày Tết thường không thể thiếu hoa mai ở miền Nam và hoa đào ở miền Bắc, ngoài ra còn có các loại cây và hoa khác như quất, hoa cúc, hoa lay ơn, hoa violet...
Về các món ăn truyền thống ngày Tết, ở Trung Quốc có các món như há cảo, bánh tổ, vịt quay Bắc Kinh và các món ăn mang ý nghĩa may mắn, còn ở Việt Nam bạn sẽ được thưởng thức bánh chưng ở miền Bắc và bánh tét ở miền Nam, giò, chả, dưa hành, thịt kho trứng, mứt Tết...
Việt Nam và Trung Quốc đều có phong tục lì xì đầu năm mới với những lời chúc may mắn, thể hiện sự quan tâm dành cho nhau, mong muốn một năm mới vạn sự như ý, sức khỏe dồi dào. Người Việt Nam cũng như người Trung Quốc đều chú trọng việc đoàn tụ gia đình trong ngày Tết. Người xa quê thường trở về nhà từ rất sớm, gọi là xuân vận. Ngoài ra, người dân hai nước đều có tục đón Giao thừa, xông đất, chúc Tết, hái lộc…
Người Trung Quốc rất chú trọng đến phong thủy và các biểu tượng may mắn như cá chép, rồng, phượng. Người Việt thì coi trọng tục thờ cúng tổ tiên, rước ông Công, ông Táo và tránh làm điều kiêng kỵ đầu năm.
"Em rất ấn tượng với sự thân thiện, hiếu khách của người Việt trong dịp Tết. Họ thường xuyên thăm hỏi, chúc Tết nhau bằng những lời chúc tốt đẹp. Việc chuẩn bị mâm cỗ Tết, bày biện bàn thờ tổ tiên thể hiện sự kính trọng với nguồn cội là nét đẹp rất ý nghĩa. Tết Việt không chỉ là thời điểm đón chào năm mới mà còn là dịp để mọi người gắn kết, hàn gắn những mối quan hệ, gửi gắm lời chúc tốt đẹp. Em rất thích không khí ấm cúng, sum vầy và những giá trị truyền thống được giữ gìn qua nhiều thế hệ", La Quế Anh bày tỏ.
Đến từ đất nước Ba Lan xinh đẹp, bạn Malwina Ostrowska, 25 tuổi, sinh viên Trường Đại học Adam Mickiewicz, Poznań đang háo hức chờ mong được trải nghiệm Tết Việt lần đầu tiên vào năm nay.
![Bạn Malwina Ostrowska chờ mong được trải nghiệm Tết Việt.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_01_438_51373050/87a8fea33decd4b28dfd.jpg)
Bạn Malwina Ostrowska chờ mong được trải nghiệm Tết Việt.
Qua thông tin, bạn Malwina Ostrowska được biết, trong ngày Tết Việt thường có những phong tục thú vị như thờ cúng tưởng nhớ tổ tiên, lì xì đầu năm mới, mọi người thường mặc những chiếc áo dài thật đẹp để đi chúc Tết, du xuân… và có những món ăn đặc biệt như bánh chưng. Năm nay, được đến Việt Nam đúng vào dịp Tết cổ truyền, được chứng kiến không khí náo nức chuẩn bị cho ngày Tết, Malwina Ostrowska cảm thấy rất vui và may mắn.
Còn đối với anh SEUNGYEOL LEE, 35 tuổi, đến từ Hàn Quốc, quản lý sản xuất trong một công ty may mặc tại Việt Nam, người đã từng trải nghiệm Tết Việt, thì lại có cảm nhận rất mới lạ và thú vị về ngày lễ truyền thống này.
“Tôi ấn tượng với hình ảnh mọi người tấp nập rời thành phố để về quê đoàn tụ với gia đình, những con đường rực rỡ tràn ngập đào, quất những ngày trước Tết. Trong Tết, tại mỗi gia đình, mọi người chuẩn bị bánh chưng và các món ăn truyền thống, cùng nhau sum họp trò chuyện trong không khí ấm áp, thật sự rất tuyệt vời!", anh SEUNGYEOL LEE chia sẻ.
![Anh SEUNGYEOL LEE, người Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_01_438_51373050/efb697bd54f2bdace4e3.jpg)
Anh SEUNGYEOL LEE, người Hàn Quốc đang làm việc tại Việt Nam.
"Tết ở Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng nhưng cũng có những nét khác biệt rõ rệt. Ở Hàn Quốc, mọi người thường gói bánh mandu (một loại bánh bao) và ăn canh bánh gạo, trong khi đó, ở Việt Nam, các gia đình lại quây quần gói bánh chưng hoặc bánh tét, điều này rất độc đáo đối với tôi. Ngoài ra, nếu ở Hàn Quốc, ngày Tết thường tập trung vào các hoạt động trong gia đình, thì ở Việt Nam, tôi thấy người dân thường hay đi chùa cầu may, đến nhà họ hàng, người thân chúc Tết và cùng chúc nhau một năm mới vạn sự hanh thông”, anh SEUNGYEOL LEE cho biết.
Sống và làm việc tại Việt Nam đến nay đã 3 năm, anh SEUNGYEOL LEE rất ấn tượng khi Tết Việt không chỉ là một dịp lễ mà còn là thời gian để suy ngẫm về giá trị của gia đình, truyền thống và sự gắn kết trong cộng đồng. Trong những ngày Tết, khung cảnh bận rộn hằng ngày nơi đô thành bỗng trở nên yên bình, tràn ngập những nụ cười ấm áp và không khí lễ hội tươi vui. Đặc biệt, một cảm nhận sâu sắc của anh trong ngày Tết Việt đó chính là người dân xem Tết là dịp để gắn kết tình thân, tình thương yêu với nhau.
Bạn Maria Sternal, 21 tuổi, đến từ Trường Đại học Adam Mickiewicz ở Poznan, Ba Lan chưa được trải nghiệm Tết Việt, nhưng bạn được nghe kể rằng Tết Việt rất vui và nhiều điều thú vị. Năm nay đến Việt Nam đúng dịp Tết nên Maria Sternal rất ngóng chờ được trải nghiệm sự đặc biệt của Tết Việt.
![Bạn Maria Sternal đến từ Ba Lan.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_01_438_51373050/93a1ecaa2fe5c6bb9ff4.jpg)
Bạn Maria Sternal đến từ Ba Lan.
Là sinh viên năm thứ nhất, Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Hà Nội, bạn Tô Phương Anh, đến từ TP Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc từng đến Việt Nam nhiều lần nhưng chưa có cơ hội trải nghiệm Tết Việt. Tô Phương Anh biết đến ngày Tết Việt qua lời kể của mẹ rằng, Tết Việt rất vui và ấm áp, mọi người đến nhà họ hàng chúc Tết, cùng nhau gói bánh chưng.
![Bạn Tô Phương Anh (thứ nhất, từ trái sang) đến từ Trung Quốc, sinh viên Trường Đại học Hà Nội.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_01_438_51373050/8aa7f4ac37e3debd87f2.jpg)
Bạn Tô Phương Anh (thứ nhất, từ trái sang) đến từ Trung Quốc, sinh viên Trường Đại học Hà Nội.
Ngày Tết ở Việt Nam và Trung Quốc ngoài những nét tương đồng thì đều có những nét văn hóa truyền thống riêng biệt.
Ở Trung Quốc, người miền Nam cũng có gói bánh chưng nhưng người miền Bắc sẽ làm bánh sủi cảo trong ngày Tết. Cũng giống người Việt, ngày Tết ở Quảng Tây cũng có bánh chưng, bày mâm ngũ quả, lì xì đầu năm mới cho người già và trẻ em.
Nét đặc biệt trong ngày Tết của người Việt đó là nhà nhà đều thích chưng hoa và cây cảnh, trong khi đó, ở Trung Quốc ít chơi hoa và cây cảnh hơn mà chủ yếu là treo đèn lồng và dán câu đối đỏ trước cửa nhà.
Qua các phương tiện truyền thông, bạn Tô Phương Anh rất ấn tượng về những nét đẹp trong văn hóa ngày Tết cổ truyền Việt Nam. Đây là dịp rất vui vẻ, ấm áp, tiếng cười ở khắp mọi nơi, cảnh vật và con người đều rất đẹp, người Việt Nam rất thân thiện. Mọi người đến nhà nhau để chúc Tết và đi lễ chùa để cầu may, cầu lộc, cầu tài và xin chữ.
![Bạn Daria Dolska, 24 tuổi, sinh viên Trường Đại học Adam Mickiewicz, Poznań, Ba Lan.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_01_438_51373050/c8feb5f576ba9fe4c6ab.jpg)
Bạn Daria Dolska, 24 tuổi, sinh viên Trường Đại học Adam Mickiewicz, Poznań, Ba Lan.
Tuy chưa từng được ăn Tết Việt, nhưng qua tìm hiểu, bạn Daria Dolska, 24 tuổi, sinh viên Trường Đại học Adam Mickiewicz, Poznań, Ba Lan rất thú vị khi biết về phong tục lì xì đầu năm mới của người Việt. Được đến Việt Nam đúng vào dịp Tết, Daria Dolska rất hào hứng chờ đón những trải nghiệm đặc biệt này.
Những nét đẹp trong ngày Tết của người Việt đang dần trở thành điều thu hút đối với những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam cũng như du khách thập phương đến Việt Nam đúng dịp Tết cổ truyền và được trải nghiệm sự thú vị của Tết Việt.
Báo Quân đội nhân dân