Tết Thanh minh: Nét đẹp văn hóa hiếu nghĩa trong tín ngưỡng của người Việt
Với đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn', Tết Thanh minh từ bao đời nay đã trở thành một trong những ngày lễ lớn, có ý nghĩa thiêng liêng trong tâm thức của người dân Việt Nam. Trong nhịp sống hiện đại, nét đẹp hiếu nghĩa đó vẫn vẹn nguyên giá trị, ý nghĩa với từng người, từng gia đình Việt.
Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí của năm. “Thanh” là khí trong, còn “minh” là sáng sủa, Thanh minh nghĩa là trời mát mẻ, quang đãng. Tiết Thanh minh đến sau ngày Lập xuân 45 ngày, sau ngày Đông chí 105 ngày. Theo quy ước, tiết Thanh minh bắt đầu từ ngày 4 - 5/4 và kết thúc vào khoảng ngày 20 - 21/4 dương lịch, rơi vào khoảng tháng 3 âm lịch. Người xưa chọn ngày đầu của tiết Thanh minh để làm Tết Thanh minh. Tết Thanh minh của mỗi năm sẽ có sự xê dịch khác nhau. Năm 2024, Tết Thanh minh rơi vào ngày 4/4 dương lịch, tức ngày 26/2 âm lịch.
Trong tâm thức người dân Việt, Tết Thanh minh là dịp để các con cháu tưởng nhớ đến công lao và thể hiện lòng biết ơn, làm tròn bổn phận của con cháu đối với các bậc tiền nhân, những người đi trước. Có thể coi đây như là một ngày giỗ tổ chung của tất cả các dòng họ, để mọi người có dịp báo hiếu, trả nghĩa, đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục, tạo dựng của cha mẹ, ông bà tổ tiên của mình. Do đó, các con cháu xa quê cũng cố gắng sắp xếp thời gian để trở về tham gia cùng gia đình.
Ông bà ta xưa chọn Tết Thanh minh là ngày tảo mộ vì ngày này thời tiết chuyển sang ấm dần, mưa nhiều hơn, cây cỏ tốt hơn trùm lên mộ, có thể làm mộ sụt lở nên cần phải cắt cỏ, đắp thêm đất lên mộ. Trong lễ đó, mọi người sẽ thực hiện việc dọn dẹp sạch sẽ các ngôi mộ của ông bà, cha mẹ, các bậc tiền nhân, cắt sạch cỏ trên mộ và đắp thêm đất lên những chỗ bị sụt lún của các ngôi mộ. Sự nhân văn của người Việt cũng thể hiện trong ngày Tết Thanh minh qua việc sửa sang, quét tước cho những ngôi mộ vô danh hoặc những mộ phần ít người thăm viếng. Không chỉ dừng lại ở việc cúng lễ tưởng nhớ tổ tiên, Tết Thanh minh trong truyền thống của người Việt đã trở thành ngày để cả gia đình gặp gỡ, quây quần.
Trong nhịp sống hiện đại đầy hối hả ngày nay, dù cuộc sống đã có nhiều đổi thay nhưng những giá trị văn hóa truyền thống đẹp đẽ này vẫn luôn được người dân Việt giữ gìn, lưu truyền để nhắc nhở thế hệ sau về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.