Tết Thanh minh của người Mường ở huyện Lạc Sơn

Theo sử sách, vào thời nhà Lý, Tết Hàn thực của Trung Hoa đã du nhập vào đất nước ta do ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc, nhưng đã được biến đổi mang đậm màu sắc truyền thống, phù hợp với phong tục, tập quán và tín ngưỡng của từng địa phương, dân tộc và nay gọi đó là Tết Thanh minh (hay tiết thanh minh). Thanh minh là tiết thứ năm trong 'nhị thập tứ khí'. 'Thanh' nghĩa là khí trong, còn 'minh' là sáng sủa. Thanh minh có nghĩa là trời mát mẻ, quang đãng. Vào ngày Tết Thanh minh, hầu hết mọi người từ già, trẻ, trai, gái đều ra phần mộ của dòng họ để quét dọn, sửa sang, bày mâm cúng tỏ lòng thành kính, biết ơn cha mẹ, tổ tiên.

Đàn chay trong Lễ tạ mả (mát mả) của người Mường Lạc Sơn. (Ảnh tại xóm Mương Hạ, xã Định Cư).

Đàn chay trong Lễ tạ mả (mát mả) của người Mường Lạc Sơn. (Ảnh tại xóm Mương Hạ, xã Định Cư).

Năm nay, Tết Thanh minh bắt đầu vào thứ Tư, ngày 5/4 dương lịch (tức ngày 15/2 âm lịch) và kết thúc vào khoảng ngày 20 - 21/4 dương lịch. Thời điểm này thi thoảng có mưa nhẹ, xen kẽ những ngày nắng ráo, thời tiết mát mẻ. Khi có dịp đi ngang qua những khu mộ của người dân dễ bắt gặp những nhóm người phát dọn, sửa sang sạch sẽ khu mộ và làm lễ cúng tổ tiên. Ở huyện Lạc Sơn có trên 90% dân số là đồng bào dân tộc Mường, hầu hết các gia đình không tổ chức làm giỗ cho người đã khuất và không thờ tự trong nhà. Mỗi dòng họ, ổ nhà khi có người chết chôn cất chung vào một khu mộ, gọi là "đống mả” hay "gò mà”. Trong 1 năm chỉ 2 lần vào khu mộ, đó là ngày cuối năm (khoảng từ 23 - 27/12 âm lịch). Ngày này, mỗi gia đình cử một người mang cuốc, xẻng, dao, liềm để phát dọn sạch sẽ toàn bộ khu mộ; ngôi mộ nào bị lún thì vun đất thêm, hòn mồ nào bị lệch, hay đổ thì dựng lại; sau đó chặt cây trúc, cây tre, cây lành anh hay bất cứ cây gì thuộc họ thân đốt có sẵn trong khu mộ làm cây nêu và mời ông bà, tổ tiên về nhà ăn Tết Nguyên đán cùng con cháu.

Lần thứ 2 vào mộ chính là ngày Tết Thanh minh. Tùy từng dòng họ, ổ nhà người ta chọn ngày đẹp để làm thanh minh "vào cha”, "vào vườn” (tức vào mộ). Ngày tổ chức Tết Thanh minh không quy định cụ thể nhưng phải chọn trong thời gian diễn ra tiết thanh minh (khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch hàng năm). Không giống như ngày vào mộ dịp cuối năm, lần này mỗi nhà chuẩn bị lễ vật góp chung lại để làm lễ cúng ông bà, tổ tiên ngay tại khu mộ. Trước khi cúng, toàn bộ khu mộ phải được chỉnh trang, quét dọn sạch sẽ. Lễ cúng gồm xôi, thịt gà hoặc cá nướng, trầu cau, vài nén hương, bát nước lã và rượu trắng. Bát, đũa tùy vào từng khu mộ, không cụ thể số lượng. Người cúng không nhất thiết phải là thầy mo, thầy mới hay thầy Trlượng chuyên nghiệp. Nội dung cúng ca ngợi tiết trời mát mẻ, mời gọi ông bà, tổ tiên, thành hoàng (đất rác) ăn cơm, uống rượu, sau đó cầu phù hộ cho mọi người, mọi nhà được khỏe mạnh, bình an, làm ăn phát đạt. Cùng lúc này, người nhiều tuổi nhất và có trí nhớ tốt nhất trong dòng họ sẽ đi từng ngôi mộ, chỉ chi tiết về tên, tuổi, năm mất, cấp bậc, vai vế cho con cháu biết và ghi nhớ để tôn thờ. Sau lễ cúng, mọi người tập trung quây quần hưởng lộc tại chỗ xong mới thu xếp ra về. Sau khi về nhà lại tập trung ăn bữa cơm thân mật, nói chuyện để rút kinh nghiệm về công việc chung của ổ nhà, dòng họ trong năm qua.

Nghệ nhân Nhân dân Bùi Văn Minh, Chủ nhiệm câu lạc bộ mo Mường huyện Lạc Sơn cho biết: "Tết Thanh minh là Tết rất quan trọng, thiêng liêng và ý nghĩa đối với người Mường, chỉ sau Tết Nguyên đán. Ngày nay điều kiện kinh tế phát triển nên Tết Thanh minh được tổ chức có phần chu đáo, long trọng hơn. Con cháu và mọi người trong dòng họ, ổ nhà hội tụ đông đủ, không khí cũng vì thế trở nên vui tươi, phấn khởi hơn”.

Nếu trước đây chỉ cần một con gà hay vài con cá nướng cũng có thể làm xong Tết Thanh minh theo đúng nghĩa thì ngày nay nhiều nhà mổ lợn, trâu, bò, dê để làm Tết Thanh minh. Ông Bùi Văn Mẹo ở xóm Mương Hạ, xã Định Cư (Lạc Sơn) là thầy mo vừa được công nhận Nghệ nhân Ưu tú cho biết: "Tết Thanh minh năm nay ổ nhà chúng tôi gọi hết con, cháu, chắt về để cùng vào mộ làm lễ cúng thanh minh, tạ tam kinh (tức là lễ tạ quan), làm mát mộ. Ước chừng có hơn 200 người, do đó phải thịt trâu mới đủ mâm chứ không thịt lợn như mọi năm, nhiều con cháu đi làm xa cũng cố gắng về”. Là dòng họ có nhiều gia đình kinh tế khá giả nên Tết Thanh minh của dòng họ nhà ông Mẹo được tổ chức khá chu đáo. Ngoài việc cúng tổ tiên như bình thường còn thêm lễ tạ mộ, hay còn gọi là làm "mát mả” (mộ) để xua đi những điều không tốt, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, mọi người, mọi nhà có sức khỏe, bình an, gặp nhiều may mắn và làm ăn phát đạt.

Như đã nói ở trên, do người Mường không làm giỗ, không thờ tự người đã khuất nên Tết Thanh minh đối với người Mường có ý nghĩa rất quan trọng, luôn gắn liền với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn". Đây là dịp để những người còn sống tưởng nhớ công lao của ông bà, tổ tiên, của những người đã khuất. Việc duy trì phong tục tập quán truyền thống này của dân tộc là rất cần thiết, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị nhân văn tốt đẹp của Tết Thanh minh trong đời sống đồng bào dân tộc Mường nói riêng và Nhân dân nói chung.

Bùi Công Nhắn

(Trung tâm VH-TT&TT huyện Lạc Sơn)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/177198/tet-thanh-minh-cua-nguoi-muong-o-huyen-lac-son.htm
Zalo