Tết Thanh minh của người Hoa ở Tây Nam Bộ
Cộng đồng người Hoa nói riêng và người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung có một mỹ tục rất đặc sắc - đó là tục cúng Tết Thanh minh. Không chỉ đơn thuần là một nghi lễ mang tính tôn giáo hay tín ngưỡng, Tết Thanh minh còn là biểu hiện sinh động của lòng hiếu kính, tinh thần cố kết cộng đồng và truyền thống văn hóa nhân văn sâu sắc đã bám rễ trong đời sống của người dân nơi đây suốt bao đời qua.

Người dân tổ chức đắp mả cho ông bà ở nghĩa địa Triều Châu. Ảnh: Ngọc Ánh
Tôn vinh hiếu đạo - Gắn kết gia đình
Tết Thanh minh thường diễn ra vào tháng Ba âm lịch hàng năm, thời điểm tiết trời dịu nhẹ, cây cối đâm chồi nảy lộc, biểu trưng cho sự tái sinh và tuần hoàn của sự sống. Trong dân gian, đây còn được gọi là "Tết của ông bà", bởi trọng tâm của lễ là tưởng nhớ tổ tiên, tri ân người khuất mặt.
Vào dịp này, con cháu dù ở xa đến đâu cũng cố gắng thu xếp về quê để tảo mộ, dọn dẹp, sửa sang phần mộ ông bà, cha mẹ. Họ quay heo, giết gà, làm bánh, chuẩn bị lễ vật chu đáo để cúng tổ tiên. Việc cúng mã thường tổ chức ngay tại nghĩa trang, không chỉ mang tính tín ngưỡng, mà còn trở thành dịp tụ họp gia đình và cộng đồng. Có người còn mời đội nhạc, kéo điện thắp sáng ra tận mộ để “vui với ông bà” - một nét sinh hoạt văn hóa dân gian đầy cảm xúc, gần gũi, thân tình.
Tết Thanh minh vì vậy không chỉ là dịp tri ân cội nguồn, mà còn là sợi dây gắn kết các thế hệ trong một gia đình. Đây là thời điểm con cháu trở về quây quần bên nhau, nhắc lại chuyện xưa, chia sẻ buồn vui hiện tại và tiếp thêm năng lượng tinh thần cho tương lai. Mỗi phần mộ tổ tiên như một cột mốc định vị bản sắc, nơi giúp con cháu không quên nơi mình đã bắt đầu.
Đặc biệt, Tết Thanh minh ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn phát triển thành một mỹ tục cộng đồng mang tính nhân văn cao cả, đó là tục cúng mã tập thể, hay còn gọi dân dã là “cúng mã hội”. Đây là hình thức cúng bái chung dành cho những ngôi mộ vô danh, không người thăm viếng – là nơi an nghỉ của những phận người từng chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc đời.
Tại nghĩa địa Triều Châu (thuộc chùa Sùng Thiện Đường, phường 1, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu), suốt nhiều thập kỷ qua, Ban Trị sự nhà chùa vẫn bền bỉ thực hiện nghi lễ đắp đất, hương khói, cúng viếng cho tất cả các phần mộ, không phân biệt có hay không có thân nhân. Đặc biệt, vào ngày cuối cùng của kỳ Thanh minh, nhà chùa tổ chức lễ cúng quy mô lớn tại khu “mả hội” – nơi chôn cất hài cốt vô danh, trong đó có cả các chiến sĩ hy sinh không rõ tung tích hoặc hài cốt quy tập về từ chiến trường xưa. Buổi lễ được tổ chức trang trọng, đầy đủ lễ vật: heo quay, bánh trái, nhang đèn... Sau phần lễ là phần “vui cùng người đã khuất” - nơi những người còn sống ngồi lại cùng nhau, ăn uống, trò chuyện như thể nối dài sự sống với những người đã đi xa. Trong không khí ấy, ranh giới giữa người sống và người chết dường như được xóa nhòa bởi tình yêu thương và sự sẻ chia.
Nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng, nhiều phần mộ của người Hoa dù qua bao năm tháng vẫn còn rõ nét, giúp những gia đình từ hải ngoại trở về dễ dàng tìm lại gốc gác. Với những người không thể tìm thấy phần mộ thân nhân, họ vẫn có thể đến “mả hội” để thắp hương tưởng niệm, bởi nơi đó đã trở thành ngôi nhà chung linh thiêng cho bao phận người không tên tuổi.

Một gia đình người Hoa tổ chức cúng Thanh minh cho ông bà tại nghĩa trang Triều Châu. Ảnh: Ngọc Ánh
Cúng mả cho người sống - Một triết lý sâu xa
Một nét độc đáo khác không thể không nhắc đến trong Tết Thanh minh của người Hoa ở miền Tây là tục cúng mả cho người còn sống. Những người đã xây dựng mộ phần sẵn cho mình khi còn khỏe mạnh sẽ tổ chức cúng ngay tại mộ vào dịp Thanh minh - như một cách “thử nghiệm” nghi thức, đồng thời, gửi gắm lời chúc thọ, bình an cho bản thân. Dấu hiệu nhận biết những mộ phần “trường thọ” này khá rõ: chữ trên bia mộ được khắc bằng màu đỏ, giấy dán trên mộ cũng là giấy đỏ thay vì ngũ sắc hay giấy trắng như thường lệ. Bên cạnh mộ thường có bàn cúng thổ địa, với mâm trái cây, bộ tam sanh và giấy vàng mã, nhưng không có lễ vật cúng trước mộ vì bên trong chưa có hài cốt.
Tục lệ này thể hiện niềm tin vào quy luật sinh - tử của vũ trụ, đồng thời cũng là cách để con cháu tỏ lòng hiếu thảo khi sớm chăm lo phần “hậu sự” cho cha mẹ, ông bà. Nhiều ngôi mộ còn khắc sẵn tên tuổi của cả hai vợ chồng - bên còn sống thì khắc chữ đỏ, bên đã mất thì khắc chữ đen, như một biểu tượng về sự đoàn tụ nơi vĩnh hằng.
Những phong tục nhân văn và giàu bản sắc như vậy đã và đang trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Khu vực nghĩa địa Triều Châu hiện nay là một trong những địa điểm được nhiều du khách quan tâm, tìm đến để khám phá không gian tâm linh, ghi nhận những dấu tích văn hóa sống động của cộng đồng người Hoa tại Việt Nam.
Đây chính là tiềm năng quý báu để phát triển loại hình du lịch văn hóa - lễ hội, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản phi vật thể, đồng thời tạo động lực cho sự phát triển bền vững của địa phương.
Tết Thanh minh ở Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là dịp để tưởng nhớ tổ tiên, tri ân cội nguồn, mà còn là minh chứng sống động cho sức sống bền bỉ của văn hóa hiếu đạo, tinh thần cộng đồng và tình người sâu sắc. Trong bối cảnh hiện đại hóa và đô thị hóa nhanh chóng, việc giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp này là cách để mỗi người dân miền Tây nói riêng, người Việt nói chung, gìn giữ gốc rễ truyền thống và lan tỏa đạo lý làm người đến muôn đời sau.