Tết này con sẽ về
Cũng vào khoảng thời gian này năm ngoái, Dũng (tên đã được thay đổi) nhắn tin muốn gọi cho tôi để xin ý kiến. Ban đầu, tôi nghĩ anh muốn hỏi về tình trạng của con trai mình, một bé trai mắc chứng Tăng động giảm chú ý mà tôi đang hỗ trợ. Nhưng không phải, cuộc gọi của anh xoay quanh một vấn đề hoàn toàn khác. Dũng băn khoăn giữa hai lựa chọn: về quê ăn Tết cùng ba mẹ hay ở lại thành phố để mở rộng các mối quan hệ trong công việc.
Anh Dũng, một doanh nhân gốc miền Trung, đã sống và làm việc tại TPHCM hơn chục năm. Những bộn bề công việc khiến anh ít có dịp trở về quê nhà. Suốt những năm qua, dịp Tết anh chỉ về được hai lần, và lần cuối cùng cũng đã cách bốn năm. Mỗi lần mẹ gọi điện, giọng bà luôn dịu dàng hỏi han sức khỏe, nhưng ẩn chứa trong đó là những câu hỏi nặng lòng: “Năm nay Tết con có về không?” hay “Con có thèm bánh tét mẹ làm không?”.
Ba anh, vốn trầm lặng, đôi khi chen vào vài câu hỏi về công việc. Thế nhưng ánh mắt ông - ánh mắt đượm buồn khi nhìn vào màn hình video call - lại nói nhiều hơn bất kỳ lời nào. Những lần trò chuyện ấy thường kết thúc bằng một sự trầm buồn, lặng lẽ mà cả anh và ba mẹ đều ngầm hiểu - sự cách biệt không gian và thời gian đang tạo ra những khoảng trống trong lòng cả hai thế hệ.
Trong thế giới hiện đại, khi nhịp sống hối hả cuốn con người vào vòng xoáy công việc và trách nhiệm, người cao tuổi đôi khi trở thành những bóng dáng thầm lặng, ngồi lại phía sau với nỗi nhớ nhung về những ngày gia đình sum vầy. Tâm lý của họ là một miền đất đầy phức tạp, nơi những ký ức đẹp đẽ giao thoa với cảm giác trống vắng, và khao khát ý nghĩa cuộc sống trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Trong số nhiều lý thuyết về sự phát triển tâm lý của con người, lý thuyết Phát triển Tâm lý Xã hội của nhà tâm lý học nổi tiếng Erik Erikson được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực hỗ trợ sức khỏe tinh thần. Erikson, sinh ra tại Đức và sau đó di cư sang Mỹ, đã xây dựng một lý thuyết gồm tám giai đoạn phát triển, mỗi giai đoạn gắn liền với một cuộc đấu tranh nội tâm quan trọng. Giai đoạn cuối cùng, thường xuất hiện ở người cao tuổi, tập trung vào sự đối lập giữa cảm giác toàn vẹn bản ngã(1) và sự thất vọng.
Theo Erikson, toàn vẹn bản ngã xuất hiện khi người cao tuổi nhìn lại cuộc đời mình và cảm thấy hài lòng với những gì đã trải qua. Đó là sự chấp nhận cả niềm vui và nỗi buồn, cả thành công lẫn thất bại, như những phần không thể thiếu của hành trình sống. Trạng thái này mang lại sự bình yên và ý nghĩa sâu sắc. Ngược lại, thất vọng nảy sinh khi họ nhận ra những điều chưa trọn vẹn, những mối quan hệ nhạt phai hoặc những giấc mơ còn dang dở. Điều này có thể dẫn đến cảm giác chán nản, lo âu và nỗi sợ hãi về cái chết. Erikson nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ từ gia đình và cộng đồng đóng vai trò quyết định trong việc giúp người cao tuổi đạt được trạng thái toàn vẹn bản ngã.
Để người cao tuổi cảm thấy hạnh phúc và bình yên, việc lắng nghe và sự thấu hiểu của người thân trong gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Dành thời gian ngồi bên cạnh họ, lắng nghe những câu chuyện từ quá khứ - dù đó là những câu chuyện đã được kể nhiều lần - giúp họ cảm nhận được sự yêu thương và trân trọng. Tạo điều kiện để họ tham gia vào các hoạt động mang lại ý nghĩa, như làm vườn, nấu ăn, hoặc chăm sóc một chậu hoa nhỏ đặt bên cửa sổ.
Các dịp lễ Tết cũng là cơ hội tuyệt vời để khơi dậy niềm vui và gắn kết. Những việc như cùng nhau gói bánh tét, dọn dẹp nhà cửa, hay đi chợ hoa có thể mang lại không khí ấm áp và gắn bó tình cảm gia đình. Việc có đầy đủ mọi thành viên trong gia đình vào những dịp xuân về là một cách tạo cảm giác toàn vẹn trong cảm nhận của người cao tuổi.
Dũng, sau lần nói chuyện đó, đã quyết định về nhà trong dịp Tết. Anh chấp nhận bỏ qua những cơ hội xã giao gặp các đối tác làm ăn để về thăm ba mẹ. Anh không mang theo những món quà đắt tiền, mà mang theo một kế hoạch dành trọn thời gian cho ba mẹ. Khi về đến nhà, anh thấy mẹ đang ngồi làm củ kiệu, còn ba thì loay hoay sửa lại cái bếp cũ để chuẩn bị cho nồi bánh tét.
Buổi tối hôm đó, anh dành thời gian ngồi bên mẹ, nghe bà kể về những ngày trẻ, những lần gói bánh tét cả đêm với hàng xóm trong xóm nhỏ. Ba anh, sau khi sửa xong cái bếp, ngồi xuống kể lại cách làm bánh tét “chắc tay” mà ông học được từ ông nội, không bao giờ bị hở. Ngày hôm sau, cả gia đình cùng nhau ra chợ hoa, chọn mua một cây mai thật đẹp. Anh Dũng viết từng lời chúc lên những phong bao lì xì đỏ, cẩn thận đặt vào tay ba mẹ với lời chúc giản dị: “Con chúc ba mẹ năm nay thật khỏe mạnh, bình an. Ba mẹ mãi là chỗ dựa của con”.
Tối giao thừa, cả nhà quây quần bên nồi bánh tét, câu chuyện ngày xưa ngày nay cứ thế đan xen, tiếng cười của mẹ hòa cùng giọng kể trầm ấm của ba. Anh Dũng nhận ra rằng điều quý giá nhất anh mang về không phải là món quà, mà chính là sự hiện diện và tình cảm chân thành.
Tâm lý người cao tuổi là một bức tranh đa chiều, nơi ký ức, niềm vui, và sự cô đơn hòa quyện. Nhưng chỉ cần một chút quan tâm, một chút thời gian và sự thấu hiểu, bạn có thể biến những ngày thường hay những dịp lễ Tết trở thành khoảnh khắc ý nghĩa, mang lại niềm vui và sự an yên cho những người yêu thương nhất trong cuộc đời mình.
Cuối tuần vừa rồi, Dũng gọi điện cho tôi, bàn về kế hoạch chuẩn bị Tết cho con anh. Khi tôi hỏi: “Năm nay em có về quê nữa không?”, Dũng đáp ngay, giọng đầy chắc chắn: “Em vẫn về quê thăm ba mẹ năm nay...”. Lời nói của anh như hòa vào câu hát thân thương: Tết này con sẽ về/Dẫu ở đâu con cũng sẽ về/Về đem hết chuyện kể ba nghe/Đêm giao thừa vô bếp với mẹ… Bởi con hiểu Tết ba mẹ là khi thấy con thân yêu mình quay về nhà…
Tựa đặt theo tên của bài hát Tết này con sẽ về, sáng tác Bùi Công Nam.
(*) Nguyên Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TPHCM.
(1) Bản ngã là phần cốt lõi giúp con người hiểu về chính mình, kiểm soát cảm xúc và hành động, đồng thời cũng là yếu tố định hình cách họ tồn tại và tương tác với thế giới. Một bản ngã cân bằng sẽ mang lại sự hài hòa và ổn định trong cuộc sống.