Tết – mùa của các 'gánh hàng rong' online
Những 'gánh hàng rong' theo chân các bà, các mẹ đến khắp nẻo đường thành phố mươi năm trước, nay hiển hiện nhiều hơn trên chợ 'online'. Nhưng việc lên online mua hàng tiêu dùng, đặc biệt là quà, thực phẩm cho mùa Tết đoàn viên, tiện thì có tiện nhưng bất tiện còn nhiều hơn. Áp lực 'phải giải quyết như thế nào đối với việc quản lý chất lượng hàng online' thật sự rất lớn.
Mua bán hàng hóa “online” không còn là phương thức kinh doanh xa lạ gì trong xã hội hiện nay. Đặc biệt là sau giai đoạn giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, loại hình giao dịch này phát triển cực kỳ mạnh mẽ tại Việt Nam. Hàng tiêu dùng bao gồm thực phẩm, đồ gia dụng, quần áo, mỹ phẩm và rất nhiều loại sản phẩm khác đều được bày bán trên các gian hàng online.
Dần dà, hình ảnh của những loại hàng hóa thường xuất hiện quen thuộc trên những gánh hàng rong tiệm tạp hóa truyền thống của các bà, các mẹ trước đây cũng đã hiện diện trên các sàn giao dịch thương mại điện tử hoặc trên mạng xã hội với số lượng lớn, đa dạng và thậm chí là được bán với giá rẻ chưa từng có.
Gánh hàng online mùa Tết và câu chuyện về quản lý chất lượng
Tết là mùa của sự đoàn viên, khi các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau sau một năm học hành, làm việc tất bật. Ai nấy đều sẽ chuẩn bị các loại quà cho gia đình và cho bản thân đón năm mới. Và đó cũng là lý do khiến thị trường kinh doanh luôn đặc biệt sôi động vào dịp cuối năm để phục vụ nhu cầu đoàn viên ấy của người dân Việt Nam.
Các gánh hàng rong online cũng là những kênh chính cung cấp hàng tiêu dùng cho các dịp Tết. Các loại sản phẩm phục vụ Tết như các loại mứt, bánh, kẹo… thậm chí giấy tiền vàng mã cũng được bày bán đa dạng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Cũng như các mặt hàng khác, mua hàng tiêu dùng qua chợ trực tuyến có điểm lợi nhưng điểm bất tiện lớn nhất là liên quan đến chất lượng hàng. Người mua sẽ đối mặt với tình huống: hàng dùng tốt - hài lòng và hàng dùng tạm, hoặc không dùng bỏ đi. Câu chuyện làm sao có thể mua được mặt hàng tiêu dùng, ví dụ một loại mứt trái cây, hay một sản phẩm cà phê nào đó có ngon như lời rao trên mạng Internet không? Luôn là một thắc mắc không có lời giải đáp, ngoài câu nói buông xuôi: “Hên, xui!”.
Mua bán hàng hóa online là một dạng giao dịch đặc thù được thực hiện trên không gian mạng, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác mà người tiêu dùng không được kiểm tra, tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trước khi tham gia giao dịch. Việc mua hàng hóa từ những gánh hàng online mang đến nhiều rủi ro cho người tiêu dùng như chất lượng hàng hóa không đảm bảo, hàng hóa không có xuất xứ rõ ràng, hàng hóa không đúng như quảng cáo…
Do đó, việc quản lý chất lượng trước khi hàng hóa được đưa vào lưu thông là một trong những yêu cầu cấp thiết.
Có thể thấy, kiểm tra chất lượng của hàng hóa trên các sàn giao dịch điện tử là một bài toán nan giải với các cơ quan nhà nước về quản lý thị trường. Đối với các gánh hàng rong hoặc những cửa hàng truyền thống, việc kiểm tra từ phía các cơ quan nhà nước là dễ dàng hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, đối với các gánh hàng rong thời đại mới, những chủ thể kinh doanh có thể là những cá thể kinh doanh nhỏ lẻ và không đăng ký kinh doanh. Do đó, không có được điểm kinh doanh nào được đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khiến việc xác định nơi kiểm tra hàng hóa, sản phẩm thành rất khó.
Hiện hàng hóa sản xuất trong nước lẫn hàng hóa nhập khẩu đang được kiểm soát chất lượng theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007. Đặc biệt, theo điều 34 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa 2007 thì hàng hóa nhập khẩu phải được công bố chất lượng.
Do đó, dù hàng hóa được cung cấp bởi các thương nhân nước ngoài vào Việt Nam thông qua các sàn giao dịch điện tử thì các hàng hóa đó cũng phải tuân thủ quy trình công bố về chất lượng trước khi phân phối tại thị trường Việt Nam.
Như vậy, rõ ràng hành vi cung ứng hàng hóa chưa được công bố chất lượng trên thị trường Việt Nam là vi phạm pháp luật. Hành vi này cần được kiểm tra và xử lý bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam.
Vấn đề giải quyết khi tranh chấp phát sinh
Bên cạnh việc giám sát để đảm bảo chất lượng hàng hóa, việc giải quyết tranh chấp phát sinh là thực sự khó khăn. Như đã đề cập ở trên, mua bán hàng hóa trực tuyến là một loại giao dịch đặc thù, hay nói cách khác đây là giao dịch từ xa khi người bán và người mua không trực tiếp gặp nhau và người mua cũng không có cơ hội kiểm tra hàng hóa trước khi tham gia giao kết hợp đồng.
Nếu tranh chấp phát sinh, việc giải quyết tranh chấp chắc chắn sẽ tốn nhiều thời gian, chi phí, công sức hơn so với việc giải quyết tranh chấp từ giao dịch mua bán hàng hóa truyền thống. Điều này xuất phát từ tính chất đặc thù của loại giao dịch này nhưng cũng không thể không kể đến các quy định còn bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay.
Cụ thể, nếu người tiêu dùng muốn khởi kiện tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của mình thì phải tuân thủ quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự về thẩm quyền xét xử theo cấp và theo lãnh thổ. Một nguyên tắc được đặt ra là tòa án nơi bị đơn cư trú hoặc có trụ sở sẽ là tòa án có quyền thụ lý đơn khởi kiện và giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, đối với mua bán hàng hóa online, những gánh hàng online có thể ở mọi miền tổ quốc. Và với giá trị nhỏ của các món hàng từ các gánh hàng online, người tiêu dùng sẽ có tâm lý e ngại khi khiếu nại, khởi kiện để bảo vệ mình khi quyền lợi bị xâm phạm.
Đặc biệt, đối với thời điểm Tết đến thì việc giải quyết tranh chấp mang lại tâm lý tiêu cực cho người tiêu dùng, khiến họ càng e ngại hơn trong việc tiến hành giải quyết tranh chấp và bảo vệ quyền lợi của mình.
Chưa kể đến việc hiện nay trên các nền tảng bán hàng online, việc tham gia của các gian hàng từ nước ngoài là không ít. Tuy giá trị hàng hóa có thể là không nhiều nhưng những rủi ro tiềm tàng từ những sản phẩm giá rẻ có thể rất nghiêm trọng.
Thêm vào đó, việc giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài là cực kỳ phức tạp, đòi hỏi phải áp dụng các quy định liên quan đến xác định tòa án của quốc gia nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, thậm chí còn liên quan đến các vấn đề về xung đột pháp luật… Đặc biệt, thủ tục giải quyết tranh chấp còn liên quan đến vấn đề ủy thác tư pháp và các thủ tục khác khiến quy trình tố tụng phức tạp và kéo dài.
Theo kinh nghiệm của một số quốc gia như Trung Quốc hoặc Mỹ, thủ tục khởi kiện và giải quyết tranh chấp trực tuyến có thể được tham khảo áp dụng để giải quyết tranh chấp tiêu dùng tại Việt Nam. Đặc biệt đối với những tranh chấp đủ điều kiện xét xử theo thủ tục rút gọn.
Đồng thời, Việt Nam cũng cần tham gia các Hiệp ước song phương hoặc đa phương nhằm hợp tác để giải quyết các tranh chấp theo phương thức trực tuyến nhằm giúp các đương sự, đặc biệt là người tiêu dùng tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc khi tham gia vào giao dịch mua bán hàng hóa quốc tế.
Lời kết
Ai trong chúng ta cũng mong muốn một năm mới khởi đầu hanh thông thuận lợi. Đó là lý do vì sao những lời chúc tốt đẹp nhất thường được mọi người gửi tặng nhau trong những ngày Tết đầu năm. Do đó, việc hạn chế tốt nhất những rủi ro từ các gánh hàng rong thời đại mới trong dịp Tết là một trong những vấn đề mà cả Nhà nước lẫn các chủ thể tham gia giao dịch mua bán trực tuyến đều cần phải chú trọng.
Đối với Nhà nước, việc kiểm soát chất lượng của hàng hóa từ các “gánh hàng rong” cũng như các gian hàng online là thực sự cần thiết. Bên cạnh đó, chính người tiêu dùng cũng cần phải có ý thức cao trong việc lựa chọn tham gia các giao dịch an toàn trên không gian mạng.
Đặc biệt, người tiêu dùng nên lựa chọn các gian hàng cho phép kiểm tra hàng hóa trước khi nhận để đảm bảo hạn chế tối đa các rủi ro hoặc tranh chấp có thể phát sinh liên quan đến việc tiêu thụ các loại hàng hóa từ các “gánh hàng rong” thời đại mới.
(*) Giảng viên, trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TPHCM