Tết là về nhà
BPO - Trong văn hóa Việt Nam, tết là dịp đặc biệt để mọi người trở về nhà, sum họp cùng gia đình. Tết là lúc để kết nối lại với cội nguồn, với những người đã gắn bó và yêu thương mình. Việc trở về nhà trong dịp tết mang ý nghĩa đặc biệt.
"Tết" và "nhà" trong văn hóa Việt
Trong văn hóa Việt Nam, tết là dịp đặc biệt để mọi người trở về nhà, sum họp cùng gia đình. Việc trở về "nhà" ở đây không đơn thuần nói về nơi chốn mà về "nhà" trong dịp tết mang nhiều ý nghĩa đặc biệt: Gắn kết gia đình.
Tết là dịp đặc biệt để mọi người trở về nhà, sum họp cùng gia đình - Ảnh: Quốc Bảo
Tết là thời điểm các thành viên trong gia đình quây quần bên nhau, chia sẻ những câu chuyện của một năm qua, tạo ra những kỷ niệm mới và củng cố tình cảm gia đình.
Từ xưa đến nay, mỗi khi tết đến, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, ai ai cũng đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày tết, để cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ, tạ ơn ông bà, tổ tiên đã phù hộ trong suốt một năm qua.
Có câu: "Tết đến xuân về, nhà nhà sum họp".
Theo truyền thống tết xưa, cứ đến ngày 30 tết là cả nhà đều ngóng trông người thân trong gia đình xem đã về nhà đông đủ chưa... để cùng nhau chuẩn bị lễ cúng 30 tết. Trong lễ cúng, mỗi thành viên gia đình đều thắp nén hương lên bàn thờ để tỏ lòng nhớ ơn dòng tộc, ông bà. Đó chính là cội nguồn như "chim có tổ, người có tông". Sau lễ cúng, mọi người quây quần ngồi lại với nhau trong bữa cơm cuối cùng của năm. Đó là bữa cơm mang ý nghĩa sâu sắc cho mọi thành viên trong gia đình, bữa cơm ấm áp tình thân, cùng nhìn lại một năm sắp qua.
Ảnh: Lê Thảo
Với nhiều gia đình còn mang nếp xưa, thì bữa cơm chiều 30 tết rất được chú trọng. Bởi đây là bữa cơm của sự đoàn viên, sum họp và là cội nguồn của mỗi gia đình. Câu nói "về quê ăn tết" hay "tết là về nhà", không chỉ nói đến việc di chuyển đi - về, mà như là một cuộc hành hương về với gia đình - nơi chôn nhau cắt rốn, về với cội nguồn.
Tết là để trở về - Trở về quê, trở về nhà...
Từ ngàn đời nay, trở về nhà trong dịp tết đã trở thành nếp sống, truyền thống tốt đẹp, bền vững trong văn hóa tết Việt.
Trở về nhà trong dịp tết còn để mỗi người có dịp thực hiện những nghi lễ truyền thống như cúng tổ tiên, trang trí nhà cửa và tham gia các phong tục cổ truyền của dòng tộc, địa phương.
Tết trong ký ức của mỗi người Việt Nam thường gắn liền với những hình ảnh thân thuộc, ấm áp với câu đối, ca dao, tục ngữ mà thế hệ xưa chắc khó mấy ai quên: "Cu kêu ba tiếng cu kêu/ Trông mau tới tết dựng nêu ăn chè".
Trong văn hóa Việt, chim cu gáy thường xuất hiện vào mùa xuân, khi việc đồng áng cuối năm vừa thu hoạch xong. Tiếng chim cu gáy kêu thời điểm này vừa báo hiệu kết thúc một năm cũ vừa là biểu tượng của sự khởi đầu mới.
Dựng nêu là phong tục truyền thống quan trọng trong dịp tết mà ngày nay thường chỉ còn thấy một số nơi ở vùng quê. Và chè trôi nước là món ăn không thể thiếu trong mâm lễ cúng ông Táo, cúng ông bà, tổ tiên cuối năm, với ý nghĩa tâm linh mong những gì xui rủi, xấu xa trong năm cũ "trôi" qua và mong đón nhận những may mắn, "ngọt ngào" trong năm mới...
Ảnh: Lê Thảo
Hay câu: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh. Đây là hình ảnh mang tính biểu tượng của tết xưa, nói lên những món ăn truyền thống mà ngày nay chúng ta vẫn còn lưu giữ trong ngày tết. Ở Nam Bộ, đó là nồi thịt kho nước dừa óng ánh, thơm lừng và béo ngọt ăn cùng các món dưa giá, dưa hành, củ kiệu, củ cải kèm vài khoanh bánh tét, bánh chưng... Thời xưa hay nói "cứ thấy thịt kho, bánh tét, dưa hành, củ kiệu... là đã thấy tết". Ngày nay, các món ăn này có quanh năm, nhưng rõ ràng đó là những món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp tết. Đó cũng là nét văn hóa ẩm thực truyền thống của dân tộc Việt.
Tết đến - về nhà, mỗi người con trong gia đình dù ở đâu xa cũng muốn sớm trở về để cùng các thành viên quây quần gói bánh, chuẩn bị bữa cơm chiều cuối năm hay cùng nhau trang trí lại "ngôi nhà chung" để đón tết. Đó là truyền thống của dân tộc, của mỗi gia đình, là nét đẹp văn hóa cần gìn giữ.
Ảnh: Lê Thảo
Tết là dịp để tri ân
"Tết về nhà", còn là để các bậc cha mẹ thể hiện lễ nghi truyền thống trong gia đình, dòng tộc và qua đó giáo dục con cháu về đạo lý, về lòng biết ơn và là dịp để thể hiện sự tri ân.
“Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”. Đó là đạo lý "uống nước nhớ nguồn", là lòng biết ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ và tri ân thầy cô - những người đã có công dạy dỗ và nuôi dưỡng chúng ta. Phận làm con, ai ai cũng cần giữ cho mình những lễ nghi truyền thống quý báu mà ông cha ta đã chỉ ra và lưu truyền lại.
Ảnh: Lê Thảo
Niềm vui của ông bà, cha mẹ mỗi mùa xuân về, tết đến không chỉ là được mạnh khỏe, an yên trong cuộc sống mà đó còn là được nhìn thấy con cháu thuận hòa, sum vầy, đông vui mỗi khi "về nhà ăn tết"...
Đó còn là sự tri ân đến thầy cô - những người như là cha mẹ thứ hai, đã dạy dỗ, dẫn dắt và truyền đạt cho mỗi chúng ta đức hạnh và tri thức để ta làm hành trang trên mỗi bước đường đi xa...
Mặc dù thời gian và xã hội có thể thay đổi nhưng giá trị cốt lõi về lòng tri ân đối với cha mẹ, thầy cô vẫn luôn được gìn giữ và phát huy.
Những giá trị này không chỉ là nền tảng cho một cá nhân mà còn cho toàn xã hội, giúp duy trì một cộng đồng đoàn kết, văn minh và giàu tình thương.
***
Tết không chỉ là thời điểm hiện tại mà còn là những ký ức và tình yêu thương.
Thế hệ xưa, đó là những kỷ niệm về tết thời thơ ấu, lần đầu tiên được nhận lì xì, những buổi tối quây quần bên nồi bánh tét, bánh chưng xanh trên bếp lửa hồng reo tí tách... Tất cả đều là những kỷ niệm vô giá. Để thế hệ hôm nay được nghe kể, được chỉ dạy và lưu truyền lại những giá trị yêu thương vô giá đó mỗi khi ta về "nhà" đón tết...
Tết cũng là dịp để bày tỏ tình yêu thương và sự quan tâm đến những người xung quanh.
Những món quà tết, những lời chúc tốt đẹp và những hành động nhỏ đều góp phần làm nên một cái tết ấm áp và ý nghĩa.
Ảnh: Lê Thảo
"Nhà" không đơn thuần là nơi ở mà còn là biểu tượng của sự an yên, nơi chất chứa tình yêu thương, kỷ niệm và những giá trị tinh thần sâu sắc.
Đối với nhiều người, nhà là nơi họ cảm thấy thuộc về, nơi có những người thân yêu luôn chờ đợi và sẵn sàng chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn...
"Tết là về nhà"!
Về với gia đình, người thân để cùng chung vui đón tết; về với bao kỷ niệm vui buồn nơi "chôn nhau cắt rốn" từ thuở ấu thơ; về để thắp nén hương thơm lên bàn thờ tổ tiên, ông bà với lòng biết ơn của phận làm con, cháu. Đó là cội nguồn, là giá trị tâm linh và cũng là giá trị tình cảm sâu sắc của mỗi người con đất Việt.